Bạn có từng nghĩ rằng những gì chúng ta nhận được chính là những gì cha mẹ đã chắt chiu, dành dụm. Cha mẹ dành tặng cho chúng ta hết thảy tài nguyên của mình, thậm chí là cả những tài nguyên tương lai của cha mẹ.
Cổ nhân có câu “Bách thiện hiếu vi tiên”, nghĩa là “Trăm cái thiện chữ Hiếu làm đầu”. Con cái đều luôn tin tưởng và kính yêu cha mẹ của mình. Nhưng trong thế giới phồn hoa, phức tạp này, có một vài ngôi trường lại trở thành nơi so sánh. Không ít học sinh hy vọng có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ cha mẹ, để thoả mãn hư vinh và ham muốn vật chất của mình. Đạo làm con, chúng ta phải biết chăm lo cho cha mẹ, đồng cảm với những nỗi truân chuyên vất vả của cha mẹ mà hết lòng hiếu kính cha mẹ.
Trên con đường trưởng thành của chúng ta luôn chan chứa tình yêu bao la của cha mẹ
Không biết tự khi nào chúng ta bắt đầu biết tính về số tiền cha mẹ có. Làm thế nào cha mẹ mới kiếm được vài đồng lẻ mua đồ ăn? Làm thế nào cha mẹ mới có thể kiếm thêm được chút tiền trang trải cuộc sống, sắm sửa quần áo? Lúc này, có thể bạn từng nghĩ rằng những gì chúng ta nhận được chính là những gì cha mẹ đã chắt chiu, dành dụm. Cha mẹ dành tặng cho chúng ta hết thảy tài nguyên của mình, thậm chí là cả những tài nguyên tương lai của cha mẹ.
“Sau này con sẽ kiếm tiền nuôi cha mẹ”. Đó có lẽ là những lời nói ngọt ngào nhất khiến cha mẹ hạnh phúc khi lắng nghe đứa con của mình nói một cách quả quyết. Hãy thử nhìn lại cuộc đời này của cha mẹ. Khi còn nhỏ cha mẹ rất xa vời với chúng ta, chúng ta không hiểu rõ lắm. Nhưng chí ít chúng ta vẫn được nghe kể về những câu chuyện ngày xửa ngày xưa. Ngay từ nhỏ cha mẹ đã phải lo gánh nặng cuộc sống trên vai: nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo, trông em.
Bây giờ cha mẹ lại đang nuôi nấng, dạy dỗ chúng ta, cũng vẫn là nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo, trông con. Tương lai thì sao? Cũng vẫn là nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo và trông “con của chúng ta”. Thế hệ cha mẹ vất vả cả một đời, từ nhỏ cho tới cả khi về già vẫn đều lao lực.
Trong tương lai, những áp lực đến từ gia đình, nhà cửa và những khó khăn đến từ xã hội sẽ khiến đa số chúng ta trở thành ‘những dân tộc không chịu già bất đắc dĩ’. Nhưng khi chúng ta có dư sức dành cho cha mẹ, thì cha mẹ liệu có còn đủ sức khoẻ mà hưởng thụ điều đó không? Tới khi cha mẹ nhắm mắt xuôi tay, chúng ta có hối hận cũng chẳng kịp.
Vậy vì sao chúng ta không để cha mẹ được sống những tháng ngày hạnh phúc? Không phải là trách móc bạn mà có lẽ là bạn chưa thấu hiểu. Xin hãy tiết kiệm một chút số tiền mà bạn có thể tiết kiệm! Hãy dành cho cha mẹ nhiều hơn một chút, để cha mẹ có thể tự may một bộ quần áo cho mình, để cha mẹ có thể đi du lịch đây đó, để cha mẹ ở độ tuổi này lại có thể đi chụp lại bộ ảnh cưới mới, thay vào bộ ảnh đã bạc màu rêu phong.
Nếu cha mẹ chẳng thể cho bạn nhiều hơn những gì bạn mong muốn, cũng đừng oán giận. Đó là những gì cha mẹ có. Mỗi tháng tiền lương của cha mẹ chỉ có bấy nhiêu thôi. Dành dụm một chút tiền cho bạn, giữ lại một chút tiền dưỡng già, giữ lại một chút phòng khi có chuyện bất ngờ, thì chỉ có thể chu cấp cho bạn bấy nhiêu thôi.
Khi bạn cầm tiền đi hát karaoke, khi bạn thanh toán tiền cơm trên máy bay, bạn có từng nghĩ rằng cha mẹ xưa nay chưa từng được sống cuộc sống đầy đủ như chúng ta bây giờ. Thậm chí cha mẹ còn chưa từng đi máy bay bao giờ. Ăn học nơi xa, đừng so sánh sự xa hoa với bè bạn. Cha mẹ đã quá vất vả vì chúng ta rồi! Tôi không phải là một cô con gái thực sự chăm ngoan. Nhẩm tính sơ sơ mỗi tháng tôi đã tiêu rất nhiều tiền mà lẽ ra tôi có thể tiết kiệm.
Hoàn cảnh kinh tế gia đình tôi cũng không dư dả gì cho cam. Cha mẹ vì muốn tôi có thể sống tốt hơn mà ra sức tiết kiệm chi tiêu. Nhưng lại không nỡ để tôi phải chịu một chút khổ. Khi tôi đi học xa nhà, cha mẹ sẽ dặn dò tôi: “Phải ăn ngon một chút, ăn uống không cần phải tiết kiệm”. Nhưng bản thân thì lại chắt bóp, ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc.
Khi tôi đi chơi với bạn bè, cha mẹ sẽ hỏi tôi có đủ tiền tiêu không, nhưng bản thân mình lại từ chối không đi du lịch với những người bạn cũ. Khi mua đồ, cha mẹ sẽ kiên quyết bắt tôi mua những thứ thật tốt. Nhưng cha mẹ lại mua đôi dép có vài chục nghìn, còn bắt tôi thì mua đôi dép vài trăm nghìn và nói: “Mẹ quen vậy rồi!” Mẹ có biết khi mẹ nói: “Mẹ không thể cho con có được cuộc sống đầy đủ bằng bạn bằng bè. Nhưng mẹ sẽ cố gắng để con sống thoải mái hơn”. Con đã chạy ra ngoài và khóc rất lâu.
Mẹ có biết khi mẹ nói: “Sao lại phải góp tiền? Không sao đâu. Chỉ cần mẹ có thể đứng vững thì sẽ có cách”. Con cố gắng để điện thoại không rung lên bởi những tiếng nấc nghẹn ngào. Con thầm quyết định tuần này nhất định con sẽ ăn cơm trong căng-tin của trường. Cha có biết khi cha hỏi: “Con muốn ăn gì? Ở trường chắc không có mà ăn, con mau nói ra đi”. Con rất muốn nói với cha: “Con biết nhưng bình thường cha mẹ cũng chẳng dám ăn, mà còn mua về và lấy cớ rằng mình không muốn ăn loại này mà nhường lại cho con”.
Khi cha mẹ hỏi: “Có đủ tiền tiêu không con? Cha tiết kiệm tiền cho con bao nhiêu là bao nhiêu”. Con đã cố kìm nước mắt nói với cha: “Sao cha mẹ không mua thứ gì ngon ngon mà ăn ạ?”. Cha nói: “Cha mẹ quen rồi, như thế cũng rất tốt mà”. Trong tim con đau nhói. Con thầm nghĩ lẽ ra cha mẹ cũng có thể hưởng thụ cuộc sống, dành tiền mua chút đồ mình thích ăn, mặc đẹp hơn một chút hay đi du lịch đâu đó. Nhưng cha mẹ vẫn cứ mãi bôn ba vì con.
Hãy gọi một cuộc điện thoại về nhà, hỏi xem cha mẹ còn đủ tiền tiêu không?
Tôi biết sẽ có rất nhiều người nói rằng: “Giờ bạn không phải tiêu tiền của cha mẹ, nói nghe cao thượng biết bao”. Kỳ thực không sai, nhưng chí ít tôi có thể học cách chi tiêu tiết kiệm hơn. Ví như mua thêm một chiếc áo thì bớt vài lần tụ họp, mua thêm một lon cà phê tan thì không mua nước ngọt. Đây chẳng phải là những điều đơn giản chúng ta có thể làm được hay sao? Đây chẳng phải là điều nằm trong tầm tay của chúng ta giúp cha mẹ có thể sống thoải mái hơn hay sao? Tôi biết rằng như vậy cha mẹ sẽ sống dễ chịu hơn nên tôi tự nguyện muốn tiết kiệm như vậy.
Vậy nên, hãy đừng chần chừ gọi một cuộc điện thoại về nhà, hỏi cha mẹ: “Cha mẹ à, cha mẹ còn đủ tiền tiêu không ạ?”.
Chia sẻ theo DaiKyNguyen.TV.