Văn Hóa

Hay so bì khiến lòng người luôn mệt mỏi

By Đăng Dũng

September 12, 2020

Tôn Tẫn và Bàng Quyên đều là bạn học đồng môn cùng theo Quỷ Cốc Tử học binh pháp. Tẫn gọi Quyên là sư huynh. Khác với Tôn Tẫn vốn dòng danh gia, vọng tộc, Bàng Quyên chỉ là con cháu hạng bình dân.

Vốn ham phú quý, Bàng Quyên xin Quỷ Cốc Tử cho xuống núi trước để lập nghiệp công danh.. Sau khi xuống núi, Bàng Quyên được phong làm tướng ở Nguỵ, cầm binh quyền cả nước, oai danh lẫy lừng. Vốn thông hiểu phép dùng binh, Quyên nhanh chóng lập được nhiều công trạng lớn, thậm chí đánh bại được cả Tề quốc, vốn là một nước hùng mạnh thời Chiến Quốc.

Dù vậy, Bàng Quyên vẫn luôn canh cánh trong lòng mối lo về Tôn Tẫn, biết tài mình kém sư đệ. Thế rồi, Bàng Quyên cho người đến mời Tôn Tẫn về nước Nguỵ cùng phò tá Nguỵ vương. Ngoài mặt ân cần là thế, nhưng thực chất Quyên chỉ vì sợ một khi Tẫn được nước chư hầu khác trọng dụng sẽ trở thành đại địch nguy hiểm của mình. Trong tâm Quyên vẫn ngấm ngầm muốn hại Tẫn nên đã nhiều lần gièm pha trước mặt vua Nguỵ và vu cáo rằng Tẫn là gián điệp nước Tề.

Nguỵ vương nghe lời gièm pha, hạ lệnh tống ngục Tôn Tẫn, cho quân sĩ cắt bỏ hai miếng xương bánh chè rồi thích lên mặt ông, khiến ông sống không bằng chết. Sau khi biết người hại mình chính là sư huynh Bàng Quyên bấy lâu vẫn tin tưởng, Tẫn càng đau khổ.

Để che mắt Bàng Quyên, Tôn Tẫn phải giả điên, lăn lóc khắp đầu đường xó chợ. Bàng Quyên vẫn cho người theo dõi sát sao, thấy Tẫn điên thật nên có ý lơi lỏng. Năm 366 TCN, nhân có sứ giả nước Tề đến kinh đô Đại Lương của Nguỵ quốc, Tôn Tẫn lén đến gặp và kể rõ sự tình. Sứ giả nghe xong bèn bí mật chở Tôn Tẫn về. Sang Tề, Tẫn được tiến cử với Tề Uy Vương. Tề vương biết Tẫn là nhân tài hiếm gặp, lập tức trọng dụng, cùng mưu đại nghiệp.

Sang Tề, Tôn Tẫn có nhiều dịp được so tài với Bàng Quyên. Cuối cùng trong trận Mã Lăng, Bàng Quyên bị Tôn Tẫn dùng binh mai phục khiến bản thân rơi vào cảnh thế cùng sức kiệt, quân sĩ hoang mang, giẫm đạp lên nhau, tử thương vô số. Không muốn chịu nhục rơi vào tay Tôn Tẫn, Bàng Quyên bèn rút gươm tự sát. Trước khi chết, Bàng Quyên ngửa mặt lên than rằng: “Thế là ta làm cái thằng ấy nổi danh!”.

Bàng Quyên chỉ vì đố kỵ, ganh ghét Tôn Tẫn mà giở đủ mọi thủ đoạn hãm hại đồng môn của mình. Để rồi hai người rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn, Tôn Tẫn bị phế đôi chân, Bàng Quyên cuối cùng đành phải chết không toàn thây nơi sa trường mà lòng ôm mối hận nghìn thu.

Có người vì đố kỵ mà có những hành động nông nổi, huynh đệ tương tàn, hại người hại mình, hậu quả bi ai không sao kể xiết. Trong lịch sử đã có rất nhiều câu chuyện thương tâm như vậy.

Đố kỵ khiến tâm chúng ta trỗi dậy những cảm xúc tiêu cực, chúng thôi thúc ta hành động, có thể bắt đầu bằng những lời nói khiến người khác buồn lòng, khiến mọi người xa lánh, làm suy yếu các mối quan hệ. Hoặc lạnh lùng, dửng dưng trước nỗi bất hạnh của người khác. Chúng ta sẽ mất niềm tin vào người khác bởi chính chúng ta cũng không thể bao dung.

Người có tính ghen tị đau khổ hơn bất cứ một người bất hạnh nào, bởi họ dùng hạnh phúc của người khác cộng với sự bất hạnh của mình để dằn vặt chính mình. Nếu dành cả đời để đố kỵ, chúng ta sẽ không có thời gian và cơ hội nhận ra tiềm năng của mình mà chỉ có mang lại sự trì trệ và thất vọng trong tâm.

Người xưa vẫn tin rằng: “Mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lí vô thì mạc cường cầu” tức là trong mệnh có thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh không có thì chớ nên cưỡng cầu, những thứ của người khác chưa chắc mình đã có được. Người xưa tin vào nhân quả luân hồi, chú trọng tu thân dưỡng tính, đời này mình không có phúc ở phương diện này là vì kiếp trước mình đã không tốt; người có này ưu thế tốt vì kiếp trước người ta ăn ở tốt. Hiểu được điều này, chúng ta có thể khiến trong tâm giảm thiểu được rất nhiều điều bất mãn.

Ngẫm lại, của cải kia đến lúc nhắm mắt xuôi tay liệu sẽ mang được bao nhiêu? Má hồng kia qua vài năm nữa sẽ tàn phai đến mức nào? Danh vọng qua đến lúc hạ đài liệu có còn ai nhớ? Dù quan này tướng nọ cuối cùng vẫn chỉ còn lại “một nấm mồ hoang cỏ mọc đầy.”

Của cải kia quý ở sự nỗ lực tự thân mà đắc được. Người với người quý ở tấm lòng chân thành chứ không ở đẹp xấu, giàu nghèo. Danh vọng kia được lưu lại ngàn thu bởi sự chính trực, công bằng, cống hiến cho người khác. Vậy nên, hãy tự làm giàu nội tâm của bản thân, sống Thiện lương, chân thành, bao dung cho người, bao dung cho mình. Chúng ta sẽ có cuộc đời đáng ngưỡng mộ.