Nhân gian quan niệm rằng, mỗi người chúng ta sinh ra đã có sẵn một số phận do bề trên định đoạt cho mình, vậy nên sướng hay khổ không phải do mình mà là do định mệnh! Định mệnh có được là do nhân quả từ các kiếp trước mà quyết định. Nhưng cũng có một cách mà con người có thể thay đổi số mệnh của bản thân mình, dưới đây chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé!
1. Câu chuyện của một tài xế xe tải
Một tài xế lái xe tải đã kể về một sự việc kỳ lạ mà bản thân ông đã trải qua.
Ông là một người lái xe rất an toàn với kỹ thuật thành thạo, hơn nữa là người tin vào những chuyện tâm linh. Mỗi khi đi ra ngoài, ông đều cẩn thận kiểm tra tình trạng xe và cầu xin Thần Phật phù hộ. Trong suốt nhiều năm, ông lái xe chưa bao giờ xảy ra bất kỳ chuyện phiền toái gì.
Một đêm nọ, ông có một giấc mơ rất kỳ quái. Ông mơ thấy thấy mình đang lái xe trên đường thì bất ngờ đụng chết một người phụ nữ mặc áo hoa. Sau khi tỉnh dậy, cảnh tượng kinh hoàng ấy vẫn còn hiện rõ mồn một trước mắt, thậm chí ông có thể nhớ rõ ràng khung cảnh xung quanh và dáng vẻ của cô gái lúc đụng xe, như thể vừa mới xảy ra vậy.
Ông cảm thấy sợ hãi và mệt mỏi, quyết định ngày hôm nay sẽ không lái xe đi đâu. Vừa nghĩ đến việc xin đơn vị nghỉ phép, đột nhiên lãnh đạo gọi điện tới nói rằng có một lô hàng cần nhanh chóng giao cho người ta. Lãnh đạo nói, lúc đầu định sắp xếp cho người khác đi nhưng không may người đó bị ốm, thực sự không có nhân lực nào khác, nên đành phải phiền ông chở một chuyến này.
Người lái xe này là một người rất cả nể, lãnh đạo đã đích thân gọi, ông cảm thấy không thể không đi, thế là đành miễn cưỡng đồng ý. Trước lúc ra khỏi nhà, vợ ông dặn đi dặn lại là đi đường phải cẩn thận.
Khi xe chạy được nửa đường, ông đột nhiên sửng sốt, con đường trước mặt giống hệt như trong giấc mơ đêm qua! Ông lái xe thật chậm giống như xe bò vậy, tiếng động cơ của chiếc xe giống như tiếng bệnh nhân thở dốc.
Trước mặt ông xuất hiện một ngôi nhà đúng như nơi ông gây ra vụ tai nạn trong giấc mơ. Ông không dám lái xe đi tiếp, dứt khoát đỗ xe vào ven đường cách ngôi nhà kia chừng 30m. Ngay khi xe vừa dừng lại, có một người phụ nữ trẻ từ phía sau ngôi nhà bước ra, ăn mặc giống hệt như người phụ nữ trong giấc mơ của ông.
Ông xuống xe, đi tới gặp người phụ nữ và hỏi:
“Này chị, tôi có thể thương lượng với chị một chuyện được không?”
“Có chuyện gì vậy?”. Người phụ nữ hỏi.
“Chiếc áo hoa của chị rất đẹp. Tôi rất thích. Tôi sẽ trả thêm tiền, chị có thể bán cho tôi được không?”
… Chiếc áo này là đồ cũ, trông không được đẹp mắt! Tôi không bán!”
“Chị mua nó bao nhiêu? Tôi sẽ trả gấp ba lần số tiền mua nó!”
“Không bán”.
“Gấp 5 lần được chứ!”
Người phụ nữ động lòng, cuối cùng bán chiếc áo hoa cho người lái xe tải.
“Này chị, chiếc áo này giờ là của tôi, tôi xử lý như thế nào chị cũng đừng bận tâm nữa. Bây giờ chị hãy lập tức đi về nhà, và đừng đi đâu nhé!”. Ông dặn dò người phụ nữ kia.
Sau đó, ông đặt chiếc áo ngang trước bánh xe, rồi lái xe, đè lên chiếc áo.
Xe chạy được một đoạn, ông cảm thấy không yên tâm bèn đỗ xe sang một bên, quay đầu lại nhìn một chút. Từ xa, ông nhìn thấy người phụ nữ đang nhặt chiếc áo hoa kia lên và mặc vào người. Ông vừa định chạy đến ngăn cản thì bất ngờ có một chiếc xe tải lớn lao tới từ phía sau, chỉ nghe thấy “A” một tiếng và người phụ nữ ngã trên vũng máu.
Câu chuyện này khiến người ta nghe xong cảm thấy thật kinh hoàng.
2. Viên Liễu Phàm gặp cao tăng, ngộ ra cách thay đổi vận mệnh
Viên Liễu Phàm (1533-1606) là tác giả của bộ sách “Liễu Phàm tứ huấn”. Ông tên là Viên Hoàng, tự Khôn Nghi, là người huyện Ngô Giang, Giang Tô triều Minh.
Liễu Phàm mồ côi cha từ nhỏ. Năm Liễu Phàm lên 10 thì mẹ ông có ý muốn con trai bỏ Nho theo y, hành nghề thầy thuốc, vừa có thể kiếm tiền nuôi bản thân vừa có thể cứu người. Một lần, Liễu Phàm đến thăm chùa Từ Vân thì gặp một cụ già có tướng mạo phi phàm, mang dáng vẻ tiên phong đạo cốt. Cụ già giới thiệu mình họ Khổng, là người Vân Nam. Cụ già hỏi: “Cậu là người có mệnh quan trường, sang năm có thể tham dự kỳ thi, đã vào nghiệp học rồi sao lại không đọc sách?”.
Viên Liễu Phàm kể cho cụ già nghe chuyện mẹ muốn ông từ bỏ đọc sách để học y thuật. Cụ già nói với Viên Liễu Phàm rằng, lão đã được chân truyền “Hoàng cực số” mà tiên sinh Thiệu Khang Tiết đời Tống rất tinh thông.
Viên Liễu Phàm bèn đưa Khổng tiên sinh về nhà và kể hết sự tình cho mẹ. Mẹ ông nói: “Tiên sinh đã tinh thông số mệnh, vậy hãy xin cụ toán quẻ cho con trai tôi, thử xem có ứng nghiệm hay không”.
Kết quả những điều dự đoán đều vô cùng ứng nghiệm. Khổng tiên sinh còn toán quái họa phúc hung cát cho Viên Liễu Phàm. Cụ nói đến năm nào thì thi đỗ, trên bảng xếp thứ mấy, năm nào được bổ nhiệm làm lẫm sinh (học trò được vua cấp lương), năm nào làm cống sinh (nhân tài được chọn vào học Quốc Tử Giám), năm nào xuất cống (học xong Quốc Tử Giám), và năm nào làm quan ở huyện nào. Cụ còn đoán rằng Liễu Phàm làm quan được 3 năm rưỡi thì từ chức trở về quê, đến giờ Sửu ngày 14 tháng 8 năm 53 tuổi sẽ hết mệnh lìa đời, trong mệnh đã chú định là không có con trai kế tự.
Viên Liễu Phàm ghi chép chi tiết lời của tiên sinh, và lại tiếp tục theo con đường Nho học. Từ đó trở đi, hết thảy mọi việc như năm nào dự thi, thi đỗ xếp thứ mấy… đều không sai khác so với những điều Khổng tiên sinh đã tính.
Bởi cho rằng đời người đã định trước, nên Viên Liễu Phàm luôn dùng thái độ thản nhiên mà đối đãi với cuộc sống. Khi được chọn làm cống sinh, theo quy định ông sẽ đến Quốc Tử Giám ở Nam Kinh để đọc sách. Nhưng trước khi vào Quốc Tử Giám, ông đã đến bái kiến thiền sư Vân Cốc, vốn là một cao tăng đắc Đạo.
Trong thiền phòng, thiền sư Vân Cốc hỏi Liễu Phàm: “Từ khi cậu bước vào đến giờ, tôi chưa thấy cậu khởi một vọng niệm nào. Nguyên cớ nào như vậy?”.
Viên Liễu Phàm thành thật trả lời: “Mệnh của con đã được Khổng tiên sinh tính trước, đã định sẵn cả rồi. Khi nào sống, khi nào chết, khi nào đắc ý, khi nào thất ý… tất cả đều có định số, không có cách nào thay đổi được. Cho dù có suy nghĩ loạn cả lên thì cũng có gì tốt đâu, cũng chỉ là lo lắng vô ích. Do đó con thành thực không suy nghĩ, trong tâm cũng không có vọng tưởng gì”.
Thiền sư Vân Cốc nói với Viên Liễu Phàm rằng: “Là người bình thường, không thể nói là không có suy nghĩ loạn bậy. Nếu đã có cái tâm vọng tưởng suy nghĩ không ngừng, thì sẽ bị khí số âm dương ước thúc. Khi đã bị khí số âm dương ước thúc thì chính là số đã định, vận mệnh đã an bài. Tuy nói là số đã định nhưng chỉ người bình thường thì mới bị số ước thúc. Còn với một người cực thiện thì số không thể nào ước thúc họ được. Kinh Dịch mở đầu chương thứ nhất có viết: ‘Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh’ (nhà tích thiện ắt có dư phúc lành) chính là như vậy”.
“Do đó mệnh là có thể tự mình thay đổi được. Phật Pháp giúp con người nhìn thấu sức mạnh của cái lý cực thiện và cực ác, nhìn thấu rồi chiểu theo làm, mệnh do bản thân mình tạo, phúc do bản thân mình cầu. Mình tạo ác thì tự nhiên giảm phúc, mình tu thiện thì tự nhiên đắc phúc. Trong các sách thi thư xưa đều đã nói, tất cả đều chân thực, là những bài học giáo huấn rất rõ ràng. Cũng viết rằng: Một người nếu cầu phú quý thì sẽ được phú quý, nếu cầu con cái thì sẽ được con cái, nếu cầu trường thọ thì sẽ được trường thọ”.
Một lời nói thức tỉnh người trong mộng. Viên Liễu Phàm đã bắt đầu con đường thay đổi vận mệnh của mình. Từ đó trở đi ông luôn thận trọng hết sức để không đắc tội với Trời Đất quỷ Thần. Gặp người ghét mình, phỉ báng mình, ông vẫn điềm nhiên tiếp nhận, không so đo tính toán tranh luận với người đời.
Năm thứ hai sau khi gặp thiền sư Vân Cốc, Liễu Phàm đến bộ lễ thi khoa cử. Theo mệnh mà Khổng tiên sinh dự đoán, ông sẽ đỗ ở vị trí thứ ba. Nào ngờ tên ông lại xếp thứ nhất. Những lời Khổng tiên sinh nói đã bắt đầu không còn linh nghiệm nữa. Khổng tiên sinh dự đoán là ông không đỗ cử nhân, nào ngờ đến kỳ thi hương mùa thu, ông đã đỗ cử nhân, vốn không phải điều mà trong mệnh đã chú định.
Liễu Phàm lại phát nguyện làm 3000 việc thiện. Trải qua hơn 10 năm nỗ lực ông mới hoàn thành 3000 việc thiện đó. Sau đó vợ của ông sinh quý tử, đặt tên là Thiên Khải, ý nghĩa là ‘Trời khai mở’.
Sau này mỗi khi làm được một việc thiện ông đều lấy bút ghi chép lại. Phu nhân của ông vốn không biết chữ, mỗi lần chồng làm được một việc thiện bà đều dùng lông ống của lông ngỗng in một vòng tròn đánh dấu. Có khi một ngày có thêm hơn chục vòng tròn đỏ.
Đến năm Bính Tuất, Liễu Phàm đỗ tiến sỹ. Bộ Lại liền bổ nhiệm ông làm quan đứng đầu huyện Bảo Để, ông lại phát tâm nguyện làm một vạn việc thiện nữa.
Khi làm quan huyện Bảo Để, ông đã chuẩn bị sẵn một quyển sổ nhỏ có các ô vuông, gọi là cuốn sổ Trị Tâm Thiên. Bởi ông sợ trong tâm sinh tà niệm, nên gọi là “Trị tâm” (trị sửa cái tâm). Hàng ngày mỗi khi thức dậy, hay khi ngồi thẩm án trên công đường, ông bảo người đem quyển sổ Trị Tâm Thiên để trên bàn làm việc. Những việc thiện, việc ác, việc tốt, việc xấu… dù nhỏ nhưng đều được ghi chép lại. Đến tối ông lại bày bàn ra sân, thay bộ quan phục, thắp hương bẩm báo những việc mình đã làm trong ngày với Thiên Đế. Ngày nào cũng như vậy.
Phu nhân thấy Liễu Phàm bận rộn với công vụ nên không làm được nhiều việc thiện như trước, do đó bà thường chau mày lo lắng. Một hôm bà nói: “Trước kia còn ở nhà, ông đã phát nguyện làm 3000 việc thiện, tôi thường giúp ông nên việc ấy có thể hoàn thành được. Hiện nay ông phát nguyện làm một vạn việc thiện, nhưng trong nha môn không có mấy việc thiện để làm, đợi đến bao giờ ông mới hoàn thành được đây?”.
Tối hôm ấy, Viên Liễu Phàm mộng thấy gặp một vị Thần. Ông bèn đem chuyện một vạn việc thiện chưa thành bẩm báo với Thần. Thiên Thần nói: “Bây giờ ông đã làm quan đứng đầu huyện, chỉ cần giảm thuế, tiền, lương thảo… cho dân thì một vạn việc thiện của ông đã có thể hoàn thành rồi”.
Nguyên là, ở huyện Bảo Để mỗi mẫu ruộng đều phải nộp thuế. Viên Liễu Phàm cho rằng tiền thuế phải đóng quá nhiều, cuộc sống rất khổ. Do đó ông đã chỉnh lý lại, từ đó số tiền thuế trên mỗi mẫu đều giảm hơn một phần ba.
Cứ như thế cả đời Viên Liễu Phàm không ngừng làm việc thiện. Khổng tiên sinh toán quái ông đến 53 tuổi sẽ hết thọ mệnh, nhưng Viên Liễu Phàm sống đến 69 tuổi mà thân thể vẫn rất mạnh khỏe. Sau này ông đã đem bí quyết cải biến vận mệnh viết thành quyển sách “Liễu Phàm tứ huấn”, truyền lại cho con trai Thiên Khải và hậu thế.
Cổ nhân luôn coi trọng hành thiện tích đức, Viên Liễu Phàm chỉ là một trong số đó. Chỉ khác là ông đã cẩn thận ghi chép các sự việc của bản thân và sau đó viết ra, truyền lại cho đời sau mà thôi.
Đăng Dũng biên tập
Nguồn: Tổng hợp