Nguồn ảnh: Otvet

Khám Phá

Hiện tượng khoa học không thể giải thích (Phần 2)

By Đăng Dũng

June 10, 2021

Trong những trường hợp bất chấp nhiều nỗ lực của các cơ quan điều tra khác nhau sử dụng các kỹ thuật khoa học hiện đại nhất của họ, chúng ta vẫn thất bại không thể tìm ra các câu trả lời cụ thể cho việc điều gì đã xảy ra với những người đã biến mất một cách bí ẩn như vậy. (Tiếp theo Phần 1)

4. Vật thể bay không xác định

Vật thể bay không xác định (UFO) là một thuật ngữ do Không quân Mỹ đặt ra năm 1952 để phân loại những vật thể mà các chuyên gia không thể xác định được sau khi điều tra. Trong văn hóa thường thức, khái niệm UFO thường được dùng để nói đến tàu vũ trụ mà những người ngoài hành tinh dùng để bay.

Người ta đã nhìn thấy và ghi chép lại về các UFO ngay từ khi triều đại nhà Tống ở Trung Quốc. Vào thế kỷ thứ 11, học giả và võ tướng Thẩm Quát (1031-1095) đã viết trong cuốn sách “Mộng khê bút đàm” (The Dream Pool Essays) của mình (1088) về một vật thể bay hình viên ngọc trai có ánh sáng chói lòa ở bên trong và có thể di chuyển với tốc độ đáng kinh ngạc.

Kenneth Arnold, một doanh nhân người Mỹ, báo cáo lại là đã nhìn thấy 9 vật thể phát ra ánh sáng chói đang bay gần Núi Rainier ở bang Washington năm 1947. Arnold mô tả các vật thể đó có hình đĩa “dẹt như một cái chảo rán bánh”. Mô tả của ông đã nhận được rất nhiều sự quan tâm chú ý từ phía các phương tiện truyền thông và công chúng.

Kể từ đó trở đi, việc nhìn thấy UFO đã tăng lên theo cấp số nhân. Hiện tượng UFO này đã được cả chính phủ và những điều tra viên độc lập trên toàn thế giới nghiên cứu. Tiến sĩ Josef Allen Hynek (1910–1986) trước kia làm việc cho Không quân Mỹ để điều tra việc nhìn thấy UFO. Đầu tiên, Hynek rất phê phán [vấn đề này], nhưng sau khi nghiên cứu hàng trăm báo cáo về UFO trong 3 thập kỷ, ông đã thay đổi quan điểm.

Trong những năm sau đó trong sự nghiệp của mình, Hynek đã trở nên lớn tiếng bày tỏ sự thất vọng của mình với cách quá đơn giản mà theo đó hầu hết các nhà khoa học cân nhắc về UFO – không muốn và không chịu nhượng bộ để thừa nhận điều không thể giải thích được này.

5. Ký ức ảo giác (Déjà Vu)

Déjà Vu, tiếng Pháp có nghĩa là “đã từng nhìn thấy”, một cảm giác thân quen kỳ lạ là đã từng có mặt ở một nơi hay sự kiện nào đó trước kia, khi nó được gặp lần đầu tiên. Mọi người có thể có cảm giác thân quen rất kỳ lạ về một hình ảnh ở trước mặt cứ như là nó đã từng xảy ra trước kia rồi, nhưng họ vẫn biết rằng đó là lần đầu tiên họ gặp những sự việc đó.

Nghiên cứu sinh lý học thần kinh đã cố gắng giải thích những trải nghiệm đó là sự dị thường của trí nhớ hay một căn bệnh về não, hay là do các hiệu ứng phụ của thuốc. Một nghiên cứu năm 2008 của nhà tâm lý học Anne Cleary đã tìm hiểu rằng ký ức ảo giác có thể liên quan tới ký ức nhận thức.

Các cách giải thích khác liên hệ ký ức ảo giác với sự tiên tri, ký ức về một đời trước, khả năng nhìn xa, hay dấu hiệu thần bí biểu thị sự hoàn thành một điều kiện đã được định trước trên đường đời. Bất kể là giải thích như thế nào thì ký ức ảo giác chắc chắn cũng là một hiện tượng phổ biến đối với con người, và nguyên nhân căn bản của nó vẫn là một điều bí ẩn.

6. Ma quỷ

Việc nhắc đến ma quỷ trong các tác phẩm văn học kinh điển của các tác giả như Homer và Dante gợi ý rằng sự trải nghiệm của con người với những hiện tượng dị thường là chuyện thường thấy và đã xảy ra từ lâu đến bây giờ. Hiện nay, những nơi có ma như ngôi nhà Whaley House ở San Diego đã được liệt kê như những địa điểm thu hút khách du lịch, và những tuyên bố đã nhìn thấy ma quỷ không phải là điều gì bất thường cả.

Văn hóa thường thức đầy rẫy những phim ảnh về ma quỷ, thế nhưng khoa học truyền thống lại lánh xa khỏi việc giải thích các hiện tượng đó. Chỉ những nhà điều tra được đặt ở rìa của giới khoa học mới nỗ lực đo lường tính xác thực của những hiện tượng đó.

Sự tồn tại của ma quỷ có sự liên hệ mật thiết với các không gian ở phía bên kia thế giới vật chất của chúng ta và sự tiếp tục của phần hồn con người sau khi chết. Các nhà điều tra nghiên cứu về chủ đề này hy vọng rằng một ngày nào đó điều bí ẩn này sẽ được giải quyết.

7. Những vụ mất tích không giải thích được

Có rất nhiều trường hợp kỳ lạ trong đó có những người đã mất tích không còn một dấu vết nào. Ví dụ như, vào năm 1937, phi công Amelia Earhart và hoa tiêu Frederick Noonan đã biến mất cùng với chiếc máy bay Lockheed mà họ đang điều khiển. Họ đang tiến đến gần Đảo Howland ở Thái Bình Dương khi chiếc xuồng ca-nô Itasca của lực lượng phòng vệ bờ biển Mỹ nhận được thông điệp của họ rằng họ đang sắp hết nhiên liệu.

Những việc liên lạc tiếp theo đó đã gặp khó khăn, và xuồng Itasca đã không thể xác định được vị trí của chiếc máy bay Lockheed đó. Không lâu sau khi Earhart và Noonan gửi đi thông điệp rằng họ chỉ còn lại nhiên liệu đủ cho một nửa giờ bay mà vẫn chưa thể nhìn thấy đất liền, thì việc liên lạc đã bị mất. Họ chỉ có thể là đã hạ cánh xuống mặt biển, nhưng sau nhiều năm tìm kiếm, người ta vẫn chưa tìm thấy cả hai người bay lẫn chiếc Lockheed trong đại dương.

Trong những trường hợp như thế này, bất chấp nhiều nỗ lực của các cơ quan điều tra khác nhau sử dụng các kỹ thuật khoa học hiện đại nhất của họ, chúng ta vẫn thất bại không thể tìm ra các câu trả lời cụ thể cho việc điều gì đã xảy ra với những người đã biến mất một cách bí ẩn như vậy.

(Còn tiếp)

Quang Minh biên tập