Gia Cát Lượng từng nói: “Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn”. Ý tứ là: Không đạm bạc làm sao sáng suốt; Không thanh tĩnh làm sao tiến xa. Nhân sinh tại thế, rất khó thoát khỏi dục vọng của thế tục, suốt ngày bận rộn không ngừng nghỉ, cũng không kịp suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc đời…
Tuy nhiên một khi chúng ta dừng bước và ngồi yên tĩnh một mình suy ngẫm, thì sẽ phát hiện có một cảm giác bình yên vô cùng nhẹ nhõm phát ra từ trong lòng mình. Nội dung mà nhà tư tưởng gia Vương Dương Minh của nhà Minh đề xướng chính là sự bình yên xuất phát từ việc ngồi tĩnh lặng quan sát tâm.
Tu tĩnh bằng cách nhìn vào cảnh giới của tâm
Hai bí quyết thiền định để tĩnh tâm của Vương Dương Minh:
Thứ nhất là “dừng suy nghĩ”, cũng tức là để cho tâm mình đi vào cảnh giới trống rỗng và cô tịch. Để tâm trống rỗng là cảnh giới tối cao của Phật giáo và Đạo giáo, “Tri hành hợp nhất” và “quý hòa thượng trung” của Đạo giáo; “Thân không, tâm không, tính không” của Phật giáo chính là nói về đạo lý này.
“Dừng suy nghĩ” mà Vương Dương Minh nói đến thì là thông qua sự thả lỏng tạm thời để nhìn nhận ra thứ thật sự thiếu trong nội tâm là thứ gì.
Thứ hai là “tỉnh sát khắc trị”, có nghĩa là lấy tâm làm gương để soi chiếu thân mình. Con người sống trên đời có rất nhiều tham vọng cá nhân, mà những tham vọng cá nhân đó không gì khác chính là: Háo sắc, đam mê vật chất và háo danh. Khổng Tử thường nói cách để quân tử tu thân chính là: “Tự kiểm tra mình thấy không mê hoặc mà trong lòng biết phản tỉnh”. Một điểm quan trọng nhất trong việc tĩnh tu của Vương Dương Minh cũng nằm ở chỗ này.
Lòng người không thể yên bình được là do trong tâm không thanh tịnh, vì vậy thông qua việc ngồi thiền để không ngừng phản tỉnh chính là cách nhanh nhất để giúp chúng ta hiểu được nội tâm của mình.
Ý thành, bằng sự chân chính trong tâm
Chỉ có lòng thành trong thiên hạ, mới có thể lập được gốc của thiên hạ.
Thành ý chính là suy nghĩ chính đáng, thành thật thực hiện đáp án mà lương tri đưa ra cho bạn. Khi một suy nghĩ xuất hiện, lương tri tự nhiên sẽ biết là tốt hay xấu, cái tốt sẽ được giữ lại, cái xấu bị gạt bỏ, đó chính là thành ý.
Vương Dương Minh nói, thành ý chính là “như háo háo sắc, như ác ác xú”.
Ý của câu này nghĩa là: thích lương thiện giống như thích sắc đẹp, ghét cái ác giống như chán ghét mùi hôi thối.
Tuy rằng đạo lý này rất đơn giản và dễ hiểu, nhưng để thực hành được nó thì không dễ chút nào. Chúng ta đều biết tiền tài có được một cách không chân chính là rất xấu xa, nhưng có nhiều lúc lại không vượt qua được sự cám dỗ, cuối cùng vẫn lấy. Một khi đã lấy rồi, thì đó không còn là một trái tim “thích thiện ghét ác nữa”. Chính là vì chúng ta luôn không chân thành, cho nên nội tâm thường xuyên xuất hiện cảm giác xấu hổ, tự nhiên sẽ không thể nào có được sự hòa bình và yên tĩnh nên có.
Cẩn thận quản lý bản thân một cách nghiêm khắc
Cẩn thận khi ở một mình, có nghĩa là cho dù là lúc chỉ có một mình cũng cần phải chú ý hành vi của bản thân, có ý thức đối đãi với bản thân một cách nghiêm khắc, khi chúng ta ngồi thiền chính là lúc chúng ta cẩn thận hướng vào bản thân, tu dưỡng chính mình.
Tự quản lý bao gồm rất nhiều yếu tố, Vương Dương Minh nói, khi ngồi thiền chỉ cần sắp xếp những yếu tố này theo thứ tự rõ ràng, thì đó chính là cẩn thận, độc lập.
Đầu tiên là phân tích xem mình có bao nhiêu tham dục.
Thứ hai mới đến mục tiêu, mình phải thông qua phương pháp gì để loại bỏ những tham dục đó.
Thứ ba là tín tâm, mình phải giữ vững niềm tin là mình có thể khắc phục những tham dục này.
Thứ tư là nghị lực, cần phải chuẩn bị ý chí mạnh mẽ từ trước, một ngày không được thì hai ngày, hai ngày không được thì ba ngày, không được bỏ cuộc nửa chừng.
Thứ năm là tâm thái, cần phải duy trì tâm thái tốt trong quá trình khắc phục tham dục của bản thân, không được quá nóng vội mong muốn khắc phục tham dục nhanh chóng, nếu không lại là sinh ra một tham dục mới.
Thứ sáu là học tập, học tập ở đây chính là thông qua các phương pháp chính đáng để hiểu rõ lương tri của mình, dùng sức mạnh to lớn của lương tri để giúp bản thân hoàn thành việc tự quản lý tâm tính.
Thứ bảy là kiểm nghiệm, sau khi bạn chắc chắn rằng mình đã loại bỏ được tham dục, thì cần phải kiểm nghiệm thông qua hành động thực tế.
Thứ tám là suy ngẫm, tại sao mình lại có loại tham dục này? Cơ sở để sinh ra những dục vọng này là gì? Chỉ khi bạn suy ngẫm được cặn kẽ thì mới không tái phạm lại sai lầm cũ. Như người ta đã nói, tâm tĩnh lặng mới có thể sinh trí tuệ.
Từ lập chí đến độc cẩn, rồi đến ý thành, ba bước này chính là điều kỳ diệu trong việc ngồi thiền để tĩnh tâm của Vương Dương Minh, cũng là phương pháp giúp nội tâm của chúng ta có được sự thoải mái yên bình trong cuộc sống quá ồn ào và nhiều cám dỗ.
Nguồn Aboluowang