Nguồn ảnh: https://media.phunutoday.vn/files/content/2019/10/09/99-0913.jpg

Đời Sống

Học cách bất động được trước lời khen chê

By Đăng Dũng

July 31, 2021

Hãy để cho tâm tĩnh trước mọi lời khen chê, khi tâm định thì trí mới sinh, hành động mới sáng suốt, kết quả mới tuyệt vời:”Như tảng đá kiên cố, gió thổi không lay động. Người chí tâm an định, bất động trước khen chê”

Trong cuộc sống, khen chê là hai điều mà con người chúng ta thường bắt gặp. Nghe ai khen một tiếng thì mát cái bụng, mà chê một tiếng thì rũ rượi không muốn làm gì nữa. Như vậy khen chê trong xã hội là chuyện muôn đời, dường như không có cách nào để tránh, cách duy nhất là học cách để tâm bình thản trước mọi lời khen chê. 

Ngày xưa trong làng có ông cụ chuyên đan rổ, thúng, tất cả những vật dụng bằng tre. Khi đan một vật dụng gì, ông đều chăm chút, nắn nót rất công phu, chuốt từng sợi lạt một. Đan xong, ai khen một tiếng là ông quên hết cả mỏi mệt, xách rựa ra ngoài chặt cây tre khác đem vào đan tiếp, mà lỡ ai chê một tiếng là ông xách rựa ra băm nát cái rổ vừa được đan xong.

Tuy trên đời này không phải ai cũng giống như ông cụ đó, nhưng đã là con người thì trong thâm tâm chưa dễ bình thản với những lời khen, tiếng chê, thì rất khó làm được việc lớn. Thông thường thì khi được khen thì vui mà chê thì buồn, và nghe khen thì dễ chịu hơn bị chê. 

Có một câu chuyện như thế này: Ngày xưa có một cụ bà sống đến 80 tuổi và được mọi người tổ chức lễ chúc thọ. Bốn người con của bà đi làm ăn xa đều trở về, mỗi người mang đến một quả đào tiên để dâng mừng thọ mẹ. Buổi lễ có đông đủ mọi người đến tham dự, có cả những văn nhân nổi tiếng. Trong buổi tiệc, mọi người ai cũng có quà để chúc thọ, riêng một văn sĩ chưa kịp chuẩn bị gì. Vốn sẵn tài văn thơ, ông mượn cây bút viết lên miếng vải bốn câu thơ để chúc thọ bà cụ.

Thoạt tiên ông viết: “Bà lão tám mươi chẳng phải người”.

Mọi người nghe xong đều sửng sốt: “Chẳng phải người vậy là gì, chẳng lẽ thấy bà cụ má hóp da nhăn nên muốn nói gì đây?”.

Mọi người đang nhốn nháo, thắc mắc trong lòng thì ông viết tiếp câu thứ hai: “Vốn là tiên mẫu xuống phàm trần”. Ai nấy nghe đều hoan hỷ, già rồi mà vẫn đẹp như tiên, khen thơ ông hay.

Ông ghi tiếp câu thứ ba: “Có bốn thằng con đều là giặc”.

Nghe đến đây bốn người con tái mặt, còn mọi người thì xôn xao: “Sao lại chê con người ta là giặc? Người xưa thường nói, biết nhà có phúc hay không thì nhìn vào con cháu của họ. Bây giờ chê con người ta là giặc thì có khác nào chê cả tổ tiên ông bà người ta rồi còn gì nữa”.

Hội chúng đang thắc mắc, phàn nàn thì ông viết tiếp: “Nhặt được đào tiên hiến mẫu thân”. Nghe đến đây tất cả đều thở phào, có nghĩa là bốn người con trộm đào tiên để hiến mẹ là vì có hiếu với mẹ. Vì quá thương mẹ mà quên mình tạo tội. Việc ăn trộm này làm nổi bật lòng hiếu thảo của người con. Nghe đến đây, ai cũng trầm trồ khen ngợi văn sĩ khéo làm thơ.

 

Như vậy, những người trong câu chuyện trên có phải là đang bị lời khen, tiếng chê lừa gạt và lái đi vù vù không? Ông văn sĩ này khen thì đâu có thêm được gì cho bà già, mà chê thì bà lão cũng có mất mát gì đâu. Khen và chê cũng chỉ là một bài thơ thôi, nhưng mọi người vẫn có thể buồn vui được trên đó, thì có phải chúng ta đang bị lầm và bị nó gạt không?

Che dấu có nghĩa là không thật, tiếng khen, tiếng chê đều không thật. Vậy chúng ta có chịu sự che dấu đó không? Hằng ngày tiếp xúc có khi mình cũng chịu những lời khen, tiếng chê đó. Nhưng ít khi chúng ta kịp xét lại để thấy lời khen, tiếng chê là giả, không cố định mà hầu hết mọi người thường chấp nhận lệ thuộc nó, chạy theo nó, để cho nó gạt mà đánh mất mình.

Những người được khen nếu không làm chủ được mình sẽ cảm thấy mất phương hướng, từ đó sinh tâm kiêu ngạo, không còn giữ được tâm thái bình thường khi đối diện với cuộc sống. Thê thảm hơn, vì những lời khen mà người ta thể hiện một cách quá đà sở đắc của bản thân, thành ra tính tự cao tự đắc, đó là điều đáng tiếc nhất.

Ngược lại, người bị chê sẽ cảm thấy bị tổn thương, đau khổ, từ đó hình thành nên tâm lý mặc cảm, tự ti.  Hai trạng thái đối lập trên là điều thường xảy ra trong cuộc đời. Những người chưa từng trải, thiếu kinh nghiệm sống sẽ bị khen chê làm cho chao đảo.

Cổ nhân có câu “Người chí tâm an định mới bất động trước lời khen chê”, khi tâm định thì trí mới sinh, hành động mới sáng suốt, kết quả mới tuyệt vời. Ngược lại người nào tâm dễ bị dẫn động bởi lời khen tiếng chê thì cũng như tự gánh lấy khổ đau vì thiếu bản lĩnh và trí tuệ.

Chân Kiến biên tập