Làm Cha Mẹ

Học cách người Mỹ giáo dục cho trẻ trên bàn ăn

By Đăng Dũng

August 14, 2020

Người Việt xưa có câu: “ Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Qua đó có thể thấy cha ông ta đã chú trọng việc giáo dục con trẻ từ những việc nhỏ xung quanh mình. Nhưng khi xã hội phát triển nhanh chóng, chúng ta bước vào thời kỳ hội nhập mới thì việc xuề xòa trong cách sinh hoạt hàng ngày của trẻ vô hình chung đã làm mất đi nề nếp gia đình Việt và quan trọng hơn nữa là giáo dục nhân cách cho trẻ trong sinh hoạt hàng ngày.

Thưở xưa, con trẻ cần phải biết kính trên, nhường dưới. Khi ngồi vào ăn cần đợi đầy đủ người rồi mới ăn; trước khi ăn mời người lớn trước theo vai vế: ông bà, cha mẹ, anh chị; cầm đũa cũng cần học cho đúng; tư thế ngồi ngay ngắn; khi ăn không phát ra tiếng. Ngày nay, chúng ta lại quên đi điều đó và để trẻ có thể thoải mái hơn: “Con mời cả nhà ăn cơm” thậm chí thích thì mời chả thích thì thôi. Trẻ ăn uống thì ông bà, bố mẹ, phục vụ giỗ dành hàng giờ để ăn xong một bữa. Chúng ta đôi khi chú trọng tới việc con có ăn no, ăn ngon hay không mà đã quên mất việc dạy con ăn như thế nào và thái độ ra sao. Hiện tại số gia đình giữ được nếp văn hóa truyền thống này còn rất ít. Đa phần đã quên đi việc giáo dục nề nếp, đạo đức cho con thông qua sinh hoạt hàng ngày. Có thể bạn nghĩ “ thôi để dạy sau”, “lớn rồi sẽ biết” mà bỏ qua việc này hoặc có người nghĩ xã hội phát triển rồi “ nghĩ thoáng” đi một chút. Vậy hãy cùng tham khảo cách trẻ em ở Mỹ được giáo dục trên bàn ăn như thế nào! 

Người Mỹ họ rất bận rộn với guồng quay của công việc nhưng rất chú trọng tới bữa cơm gia đình, vì đây là những phút giây hạnh phúc và là nơi có thể giáo dục con trẻ. Từ bàn ăn, trẻ em Mỹ học được cách phối hợp với nhau. Khi bố làm việc này, mẹ làm việc kia, con rót nước uống và cùng nhau thưởng thức một bữa ăn tuyệt vời. Họ sẵn sàng chấp nhận những thao tác ăn uống vụng về của con và kiên nhẫn chờ đợi con thành thạo trong cách ăn uống.

Ở đó việc giáo dục trên bàn ăn là một phần quan trọng trong đời sống hàng ngày. Cách người Mỹ dạy con là sẽ học cách chủ động mọi việc trong bữa ăn, cha mẹ sẽ không phải bón cho ăn mà chỉ cần xem chúng thích ăn món gì, nhưng không ép buộc là chúng cần phải ăn gì. Họ không quá nặng nề việc trẻ cần phải ăn bao nhiêu trong một bữa vì tư tưởng của cha mẹ Mỹ là con sẽ tự quyết định. Chúng sẽ tự biết mình thích ăn gì, điều này đã tạo nên một tính cách độc lập của trẻ. Đa phần trẻ em Mỹ tự ăn từ khi còn khá nhỏ, trẻ tầm hơn 2 tuổi sẽ tự ăn và việc tập ăn rơi vãi là chuyện đương nhiên nhưng cha mẹ sẽ hướng dẫn và để chúng tự xử lý các việc. Sau khi ăn xong chúng sẽ tự giác đổ thức ăn thừa vào thùng rác và để bát vào chậu. Qua đó họ cho trẻ những bài học về sắp xếp những việc trên bàn ăn một cách độc lập nhất mà không phụ thuộc vào người lớn.

Việc này sẽ khó có được ở Việt Nam khi tâm lý của cha mẹ Việt luôn lo lắng cho con, sợ con ăn không đủ no, sợ con thiếu chất. Thậm chí ra khỏi nhà đi làm, bạn vẫn đang lo cho đứa con nhỏ ăn chưa được nhiều, đôi khi bạn mệt mỏi vì phải “vật lộn” với những bữa ăn của trẻ.

Có lẽ chúng ta thử nên “buông” con ra. Sự lo lắng quá đôi khi sẽ làm ảnh hưởng tới thời gian ăn của trẻ, khi ăn trẻ được đối xử như Ông Hoàng, Bà Hoàng, việc giỗ dành quá nhiều vô hình chung lại làm hư trẻ. Nếu bạn quá nuông chiều con mà không dạy con những việc nhỏ trên bàn ăn thì trẻ sẽ hình thành thói quen dựa dẫm vào người lớn, phải dỗ dành mới ăn khiểu như “ Con là trẻ con, người lớn sẽ phục vụ”. Chúng sẽ cho đó là quyền được như vậy và đó là lẽ đương nhiên rồi dần dần trẻ sẽ hình thành tính ích kỷ, coi mình là trung tâm. 

Có lẽ chúng ta đã quên mất dạy trẻ cách chủ động, biết ơn cha mẹ

Có câu nói: Con càng được chiều càng sinh hư”. Chúng ta càng cố chiều con hơn một chút, để con ăn nhiều hơn một chút, tìm mọi cách cho trẻ những gì trẻ muốn trong bữa ăn ví như: xem phim hoạt hình trong khi ăn, vừa ăn vừa chơi, ăn đi rồi mẹ mua cho cái này,… hệ quả ở ngay bữa ăn thì thấy rõ, nhưng càng lâu về sau trẻ sẽ lấp đầy sự ích kỷ, phải có điều kiện mới làm, cái gì cũng đổ tại cha mẹ, khi lớn hơn chúng “ quen miệng” sai khiến cha mẹ. 

Thương cho roi cho vọt”. Cha mẹ hãy “thương” con đúng cách. Ở đây không phải có ý chúng ta phải dùng đến biện pháp dùng roi vọt để mang vào bàn ăn mà là dành thời gian cho việc giúp trẻ phát triển hành vi tốt, thói quen tốt. Hãy để con “ đói” một bữa nếu chúng không muốn ăn, hãy để bản thân mình “nhàn hạ” như cách cha mẹ Mỹ vẫn làm để có những phút giây vui vẻ, hạnh phúc trong bữa cơm gia đình. Ngay từ bữa ăn hãy dạy cho trẻ những bài học về lòng biết ơn khi có đồ ăn, chủ động cho chính mình nhưng không quên quan tâm và nghĩ cho người khác. Từ đó góp một phần quan trọng vào sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ sau này.

Biên tập: Tiểu Liên

Nguồn: secretchina.com