Cổ nhân ngày xưa coi trọng “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, người có đức hạnh sẽ nỗ lực để thực hiện “cần kiệm, tiết kiệm”, đây chính là một phẩm hạnh tốt đẹp của con người, là một đức tính mà các bậc thánh nhân hết mực tôn trọng, xa hoa trụy lạc sẽ tổn đức, bại gia.
Có câu: “Tiết kiệm thì an lành, cát tường thi nhau đến, xoa hoa lãng phí thì hiểm họa trước mặt“. Người thời xưa tin rằng, tài phú một đời chính là do Thiên định, tất cả mọi thứ con người có được trong đời đều là định số.
Một người giàu có sở hữu được bao nhiêu của cải đi nữa, nếu xa hoa lãng phí, cuối cùng sẽ có một ngày của cải mất hết. Một người có tài sản trong tay, hơn nữa sở hữu một đức hạnh tốt đẹp, tài phú sẽ có thể được lâu dài, đây là cái mà người xưa gọi là “giàu mà có Đức”.
Một người nghèo không có tài phú, nếu nỗ lực tiết kiệm, tiết chế lòng tham, tích đức hành thiện, làm nhiều việc tốt, cuộc sống sau này sẽ tích được của ăn, của để, cuộc sống sau này sẽ an nhàn hơn, đắc được sự tôn trọng của người khác, cũng có thể tạo lập cho chính mình một tương lai tốt đẹp, đây cũng chính là cái gọi là: “Tiết kiệm, thanh đạm là cội nguồn đích thực của Đạo, phóng túng xa hoa là gốc rễ của đạo đức bại hoại“.
Trong (Quyển 47, Chính Yếu Luận) có đoạn như sau: “Tu thân cùng trị quốc, không có việc nào quan trọng hơn tiết chế dục vọng”. Lễ Ký đã nói: “Dục vọng không thể phóng túng.” Từ xưa đến nay có người lãnh đạo, vương hầu công tước nào đạt được thành công, mà không bằng cần kiệm; vong quốc bại gia, không có chỗ nào mà không phải là do xa xỉ, buông thả dục vọng. Người cần kiệm tiết chế dục vọng, người xa xỉ phóng túng dục vọng. Người phóng túng dục vọng nguy hiểm, người tiết chế dục vọng an toàn”.
Kiềm chế lòng tham, dục vọng là một đức tính cần thiết để “tu thân, tề gia, trị quốc”.
Đối với một cá nhân, siêng năng và tiết kiệm, không chỉ là tu thân mà còn là cách để duy trì gia đình. “Một bát cháo, một hạt cơm, nên nghĩ kiếm được không dễ. Nửa tấm vải, nửa sợi vải, phải nhớ làm ra rất khó”, biết quý trọng sức lao động, sẽ có thể tiết chế sự phung phí.
Đối với một đất nước, muốn tồn tại và phát triển cần phải tiết kiệm, và đây chính là cái gọi là “Đạo làm giàu”. Trong lịch sử có rất nhiều tấm gương về những bậc thánh hiền có đức hạnh, siêng năng, tiết kiệm:
Gia Cát Lượng dạy con nên “lấy tĩnh tu thân, lấy kiệm tu đức”
Gia Cát Lượng từng bày tỏ nguyện vọng với hoàng hậu nước Thục: “Thừa tướng có 800 cây dâu tằm ở Thành Đô, 15 héc ta ruộng. Con cháu hàng ngày có đủ cơm ăn, áo mặc. Đối với các quan thần, không cần phải bổ sung thêm chi phí, quần áo và thực phẩm đều do quốc gia cung cấp, cũng không cần thiết cai trị các sản nghiệp khác để gia tăng gia tài. Khi các vị đại thần xa rời nhân thế, không nên để gia đình dư dả quần áo, tiền bạc, kẻo cô phụ sự sủng ái và tín nhiệm của của bệ hạ”.
Ngoài ra, trong “Giới tử thư”, ông đã viết một bức thư gửi cho cậu con trai tám tuổi vào những năm cuối đời của ông: “Hành trình của một bậc quân tử đại trượng phu chính là, lấy tĩnh tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức. Sống không giản dị không thể có ý chí minh mẫn, tâm không tịnh không thể nhìn xa trông rộng.”
Đại ý tức rằng, hành vi của bậc quân tử chính là lấy “tĩnh” để đề cao sự tu dưỡng của bản thân, lấy tiết kiệm để gia tăng phẩm đức của bản thân. Nếu tâm không thể tĩnh tại sẽ không cách nào xác định rõ chí hướng của cuộc đời, không bài trừ những can nhiễu bên ngoài thì sẽ không thể đạt được tiêu chí cao xa.
Gia Cát Lượng là một trong những nhân vật đại diện cho bậc trung thần trí huệ, đức tính cần cù tiết kiệm của ông được lưu truyền ngàn đời.
Tư Mã Quang chủ trương tiết kiệm, xem nhẹ vật chất
Tư Mã Quang đối với vật chất thì không đặt nặng. Ông có một mảnh ruộng ở Lạc Dương, khi vợ ông qua đời, ông bán đất để làm đám tang, ông đến cuối đời vẫn sống một cuộc sống đạm bạc, không xa hoa, lãng phí.
Tư Mã Quang đã viết thư cho con trai của mình là Tư Mã Khang trong gia huấn rằng, cần phải chủ trương sống tiết kiệm. Bởi, nếu sống một cuộc sống vô dục, không tham lam, thì con người sẽ ít bị dục vọng chiếm hữu, sẽ không ảnh hưởng bởi những thứ vật chất xa hoa, có thể đi trên con đường thanh liêm, chính trực.
Người không có địa vị, nếu ít dục vọng, bớt tham lam, thì sẽ có thể ước chế đước bản thân, tiết kiệm được tiền bạc, tránh hành ác, từ đó khiến gia đình hưng thịnh, do đó mới nói: “Tiết kiệm, chính là đặc điểm chung của những con người có phẩm cách đạo đức tốt đẹp”.
Người có nhiều dục vọng ắt sẽ tham lam, người có địa vị nếu tham lam quá độ, ái mộ giàu sang phú quý, nếu đi trên con đường sai lầm ắt sẽ gây ra nhiều hiểm họa.
Người không có địa vị nếu dục vọng nhiều, ắt sẽ đi khắp bốn phương cầu tiền, tùy ý phung phí, làm bại hoại gia đình, cho nên mới nói: “Xa hoa, phóng túng chính là tội ác lớn nhất”.
Tư Mã Quang đối xử cung kính với người khác, là người trọng đức, tiết kiệm, ngay thẳng, đối với việc giáo dục con trai thì cũng rất nghiêm khắc, ông lo lắng xu thế xã hội hỗn loạn, xa hoa lãng phí có thể sẽ ảnh hưởng đến giới trẻ, nên đã viết ra “gia huấn” này, mong thế hệ mai sau sẽ phát huy truyền thống “cần kiệm”, không xa hoa, phung phí.
Những giáo huấn quý báu này vẫn được ca tụng bởi những người đời sau.
Nguồn: Secretchina
Lan Hòa biên tập