Truyền thông đề cập đến một hội chứng được xem là nguy hiểm trong xã hội Trung Quốc hiện nay: “ Hội chứng con vua”. Đây được xem là hệ quả của việc nuông chiều thái quá, thương con sai cách làm trẻ mất hẳn khả năng tự lập.
Một ví dụ được dẫn ra về cuộc sống của cậu bé 8 tuổi tên Hà Nhất Khả vừa tham gia chương trình “Thiếu niên mở lòng” của Đài truyền hình Bắc Kinh đầu tháng 9, đang tạo ra nhiều luồng ý kiến trong dư luận.
Một buổi sáng thường lệ của cậu bé bắt đầu bằng việc người mẹ dậy lúc 6h để chuẩn bị bữa sáng. Lúc 6h55, người bố pha một bình sữa cho Hà Nhất Khả uống khi vẫn ngái ngủ. Sau đó, bố bế con trai ra khỏi phòng để mẹ cho ăn. Trong bữa ăn, người lau miệng cho cậu bé cũng là mẹ. Tiếp đến, người mẹ dắt con trai đến nhà vệ sinh rồi đánh răng cho cậu. Trong lúc đó, ông bố chờ sẵn ở ngoài để người mẹ chuẩn bị cặp sách, đi giày cho con, rồi đưa Hà Nhất Khả đến trường.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia giáo dục ở Trung Quốc có khoảng 20% số gia đình có lối sống coi con như “vua” giống như trường hợp Hà Nhất Khả. Các chuyên gia cũng khẳng định rằng “Nếu chăm sóc con cái theo cách này, thứ cha mẹ mang lại không phải tình yêu, mà là sự tổn thương”.
Một sự kiện vào năm 2014, một người tên Khuông Triết Hiên, 29 tuổi, kiện cha mẹ vì không chu cấp tiền cũng từng gây xôn xao dư luận. Người này phát biểu trước báo giới: “Bố có khả năng nhưng tôi thì không, nên ông ấy phải chăm sóc tôi. Tôi mong có luật như vậy”.
Thực tế đau lòng là ông bố của Khuông Triết Hiên làm nghề thu gom phế liệu, thu nhập rất thấp.
Được biết khi Khuông Triết Hiên còn là một đứa trẻ, người mẹ không để cậu phải động tay làm gì. Bố muốn Khuông tập thể dục và làm việc nhà, nhưng người mẹ mắng ông không biết thương con. Khi trưởng thành, cách dạy dỗ này trở thành nỗi đau cho cả gia đình. Khuông luôn đòi hỏi, dựa dẫm trong khi bố mẹ bất lực vì già yếu.
Những đứa trẻ “được coi như vua”, nhận sự chăm sóc đến từng chân tơ kẽ tóc, sẽ mất cơ hội rèn luyện bản thân. Khi còn nhỏ, chúng sẽ vui vẻ hạnh phúc nhưng không thể thích nghi với xã hội khi lớn lên.
Dale Carnegie, tác giả cuốn sách “Đắc Nhân tâm” nổi tiếng, từng nói: “Để thành công, những đứa trẻ phải học cách tự lập từ nhỏ. Chúng phải vượt qua những chướng ngại vật trong cuộc đời bởi sự huấn luyện của gia đình”.
Trong chương trình “Thiếu niên mở lòng”, cậu bé Hà Nhất Khả phải thi đấu với một cậu bé cùng tuổi. Người mẹ hỏi con trai tự tin không, cậu bé chỉ khẽ đáp “Vâng”. Nhưng sau đó, dù ở phần thi buộc dây giày, gắp lạc bằng đũa hay tự mặc một chiếc áo sơ mi, Hà Nhất Khả đều thất bại.
Tại một chương trình khác mang tên “Đừng coi thường tôi”, một nhóm trẻ được yêu cầu leo núi. Người Bố trải nghiệm trước lộ trình leo núi, sau khi qua những con đường dốc và dài Ông nói với con mình: “Bố không tin con có thể vượt qua được. Bố sẽ tìm đường khác bằng phẳng hơn”.
Không tin trẻ có khả năng làm điều gì đó một cách độc lập, luôn muốn làm mọi thứ cho con… là điều thường thấy ở những gia đình “coi con như vua”. Không khó để nhận ra một đứa trẻ thiếu tự tin. Chúng thường nắm chặt tay bố mẹ khi ở đám đông hay trước mặt người lạ. Giống như bố Hà Nhất Khả nhận xét về con: “Nó chưa từng làm gì mà không có mẹ bên cạnh”.
“Bố mẹ phải tin tưởng vào con mình”, các chuyên gia khuyên bố mẹ Hà Nhất Khả, “Cha mẹ có thể đưa ra quyết định với con cái. Nhưng cũng phải nghĩ cách để duy trì sự tự tin của trẻ”.
Hà Nhất Khả từng nói, cậu muốn được học các kỹ năng tự chăm sóc bản thân, bởi “không giỏi hơn người khác, họ sẽ cười mình”. Trong mắt bạn bè, Hà như một “dị nhân” bởi được chăm sóc quá kỹ. Đây cũng là lý do cậu bé hầu như không có tương tác với bạn bè cùng trang lứa.
Trên mạng xã hội Zhihu, một cô gái vừa tham gia kỳ thi đại học kể, cha mẹ luôn nói cô chỉ cần học, thứ còn lại đã có bố mẹ lo. Ở nhà cô, trái cây luôn được cắt lát và gọt vỏ. Cô chỉ biết úp mì gói khi lớn lên. “Tôi chưa bao giờ đi du lịch nếu không có bố mẹ”, cô gái nói và cho biết, hiện cô rất lo lắng liệu có thể thích nghi với cuộc sống ở ký túc xá không.
Alfred Adler, người sáng lập của trường phái tâm lý học cá nhân nói: “Mọi rắc rối đều đến từ mối quan hệ giữa các cá nhân. Đừng nghĩ trẻ còn nhỏ nên cần được bao bọc. Dù nhỏ đến đâu, chúng cũng cần thiết lập những mối quan hệ cá nhân cho riêng mình. Nếu không theo kịp bạn bè cùng lứa, trẻ nhất định sẽ lạc lõng”.
Nhà tâm lý học này khẳng định, bố mẹ cần nhớ tới 3 yếu tố giáo dục con cái. Thứ nhất là sự tin tưởng, thứ hai là tự do và thứ ba là tình yêu thương.
Nguồn VNE
Vũ Nam tổng hợp