Dịch bệnh và giãn cách kéo dài ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các doanh nghiệp. Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia cho thấy số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8/2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Tp.HCM mới đây đã kêu gọi 5.000 chữ ký vào đơn “cầu cứu” Chính phủ.
Theo Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đến 8/2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó TP.HCM có 24.000 doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; 30,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%.
Như vậy, trung bình mỗi tháng qua ở Việt Nam có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Ngoài ra trong tháng 8/2021, cả nước có 5.761 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 68 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 43,4 nghìn người, giảm 34,1% về số doanh nghiệp, giảm 44,6% về vốn đăng ký và giảm 39,1% về số lao động so với tháng 07/2021; giảm 57% về số doanh nghiệp, giảm 76,5% về số vốn đăng ký và giảm 54,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Theo tờ VnEconomic hiện nay số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam chiếm 97,8% tổng số doanh nghiệp cả nước. Đây là nhóm đối tượng đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khi phải ngừng hoạt động do giãn cách xã hội, các chi phí liên tục tăng cao, nặng gánh nhất là chi phí “3 tại chỗ”, chi phí mặt bằng, kho bãi, bảo hiểm xã hội…
Mặc dù các doanh nghiệp hiểu được Chính phủ đang nỗ lực chống dịch và duy trì hoạt động kinh tế nhằm đạt mục tiêu kép. Tuy nhiên, những khó khăn đã gần vượt sức chịu đựng của đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Mới đây các doanh nghiệp SME này đề nghị Chính phủ hỗ trợ ở 3 nhóm vấn đề chính liên quan đến người lao động, thuế – chi phí, và tài chính – ngân hàng. Cụ thể:
Về nhóm chính sách liên quan đến người lao động, các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội ít nhất đến 6 tháng sau khi công bố hết dịch, không áp dụng phạt đối với doanh nghiệp không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội trong thời kỳ đại dịch. Đồng thời, kiến nghị miễn giảm 100% phí bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và giãn cách xã hội, có chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với người lao động đã và đang hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho đến hiện tại.
Về nhóm chính sách thuế và chi phí, các doanh nghiệp mong muốn được miễn thuế VAT trong năm 2021; giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022-2023; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề nghị được chấp nhận tất cả các loại chi phí phát sinh trong đại dịch mà doanh nghiệp phải bỏ ra như xét nghiệm, chi phí chống dịch và “3 tại chỗ”.
Về nhóm chính sách tài chính – ngân hàng, các doanh nghiệp kiến nghị được hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2008-2009 từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài; khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2-3% kể từ 1/8/2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các doanh nghiệp còn lại.
Thư kiến nghị này được 11 lãnh đạo các doanh nghiệp đã đồng soạn thảo và đăng tải lên website, dự tính sau khi kêu gọi đủ 5.000 chữ ký online sẽ in và chuyển văn bản đến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ Tài Chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông Vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Nội dung kiến nghị này được đăng tải vào ngày 29/8 và tính đến sáng 31/8 đã nhận về hơn 2.000 chữ ký.
Vũ Nam tổng hợp.