Ngẫm lại câu chuyện tình cảm chờ đợi 30 năm của Lưu tiểu thư, cuối cùng thì Lưu tiểu thư cũng gặp được Trình công tử và kết thành duyên vợ chồng, sống hạnh phúc với nhau ở tuổi xế chiều, sự chờ đợi ấy quả là có hậu, cũng là duyên phận và sự may mắn của nàng. Còn dì Yên, dì cũng chờ đợi ngần ấy năm, có lẽ còn lâu hơn thế nữa, nói ra cứ ngỡ là một câu chuyện tiểu thuyết nào đó…
Xưa nay chữ tín rất quan trọng trong mọi khía cạnh cuộc sống, từ trong gia đình cho đến tất cả các mối quan hệ ngoài xã hội, đâu đâu cũng không thể thiếu mất đi chữ tín ngàn vàng ấy.
Chữ Tín trong hôn ước xưa
Hôm rồi tôi tình cờ đọc được một câu chuyện của người xưa về chữ “tín” trong hôn ước, chuyện kể về mối nhân duyên tiền định của Trình Hiếu Tư và Lưu tiểu thư, một đôi nam nữ dưới thời trị vì của Hoàng đế Càn Long, họ đã “Giữ trọn lời hẹn ước trước sau như một suốt ba mươi năm”. Chuyện rằng:
Trình Doãn Nguyên, tự Hiếu Tư, xuất thân từ một gia đình quyền quý nổi danh vùng Hoài Nam. Phụ thân của ông là Trình Huân Trứ, một thương nhân mua bán quả đậu mặn ở Hoài Nam. Tuy nhiên, việc làm ăn buôn bán suy bại nên ông đành bỏ nghề và lên kinh đô Bắc Bình đi học (thời nay gọi là Bắc Kinh).
Lúc bấy giờ có một người tên là Lưu Đăng Dung – người huyện Bình Cốc, Bắc Bình, lên kinh nhậm chức Bộ tào. Trình Huân Trứ và Lưu Đăng Dung tình cờ gặp nhau ở quán trọ, cùng nhau đàm đạo vô cùng hào hứng. Hai bên nói chuyện con cái, rồi định hôn ước kết thân hai nhà khi chúng trưởng thành. Bấy giờ Lưu tiểu thư và Trình công tử đều còn nhỏ tuổi.
Về sau, Lưu Đăng Dung nhậm chức Thái thú Bộ Châu tại Hà Đông. Hơn sáu mươi tuổi mà ông vẫn chưa có con trai, trong phủ chỉ có vợ già cùng con gái nhỏ và một vài người hầu kẻ hạ. Không lâu sau thì vợ ông qua đời, ông quá thương xót đau khổ nên cũng ngã bệnh.
Trước khi lâm chung, Lưu Đăng Dung nói với con gái: “Trình Doãn Nguyên ở Hoài Nam là chồng của con. Phụ mẫu hai bên đã định hôn ước cho các con, con hãy ghi nhớ đừng quên nhé!”
Trình Huân Trứ cũng qua đời vài năm sau khi Lưu Đăng Dung nhậm chức Thái thú. Trình Doãn Nguyên dự định sẽ đến Sơn Tây sau khi mãn tang phụ thân. Anh nghe nói nhạc phụ lâm bệnh nên liền đến Bình Cốc để thăm nom.
Người họ hàng ở đó nói với anh: “Sau khi mai táng phụ thân xong, không ai biết Lưu tiểu thư đã đi đâu. Chỉ còn lại ngôi nhà cũ và cửa nhà vẫn đóng kín cho đến nay.”
Lưu Đăng Dung là một vị quan thanh liêm chính trực, cho đến hết đời cuộc sống cũng không hề dư dả. Lưu tiểu thư giúp người ta may vá, thêu thùa kiếm sống qua ngày. Những người hàng xóm quen biết đều thấy cô hiền thục, nhu mì nên người người đến cầu hôn cô. Mỗi lần như vậy, Lưu tiểu thư đều nói thật lòng với họ rằng mình đã có vị hôn phu rồi, nhưng không ai tin cô.
Cô mẫu của Lưu tiểu thư xuất gia làm ni cô ở am Tiếp Dẫn tại Tân Môn. Lưu tiểu thư vì tránh chuyện mai mối đành phải lén đến am ở cùng cô mẫu. Cô mẫu khuyên cô xuống tóc đi tu.
Lưu tiểu thư nói: “Thân thể đầu tóc là vật nhận từ phụ mẫu, con sao có thể dám làm tổn hại? Hơn nữa phụ thân lúc lâm chung đã dặn đi dặn lại con về hôn ước đã định với Trình công tử, phận làm con sao dám không vâng lời cha? Vậy nên con không còn cách nào khác, đành đến ở với cô mẫu để tránh lời ra tiếng vào của người ta. Cô mẫu bảo con xuống tóc đi tu, việc này con đây không dám vâng theo.”
Mỗi ngày sáng tối, cô đều âm thầm cầu nguyện để có thể gặp Trình công tử dù chỉ một lần trong đời thì có chết cũng không hối tiếc.
Từ sau khi Trình Hiếu Tư trở về nhà, mỗi ngày anh đều khốn đốn với việc mưu sinh. Cũng có người khuyên anh kết hôn với người khác để có người cùng chung sức đỡ đần.
Hiếu Tư tâm tình nặng nề, buồn rầu đáp lại: “Lưu tiểu thư sống hay chết ta còn chưa biết rõ. Nếu muội ấy chết rồi thì duyên nợ giữa đôi ta xem như là kết thúc. Lỡ như muội ấy còn sống, vẫn luôn vì ta mà giữ gìn trinh tiết, vẫn chưa xuất giá thì trong lúc còn chưa biết rõ thực hư thế này, ta tuyệt đối không thể bỏ mặc muội ấy mà không lo.”
Trình Hiếu Tư sống độc thân như thế khoảng 30 năm. Lúc Trình Hiếu Tư đã gần năm mươi tuổi, cơm canh đạm bạc vẫn chưa thỏa lòng. Về sau, ông làm việc giảng dạy trên thuyền. Năm này qua năm khác, ông thường xuyên đi lại giữa phương Bắc và phương Nam.
Tháng tư năm Đinh Dậu (1777 SCN), dưới thời trị vì của Hoàng đế Càn Long, thuyền của ông cập bến ở Tân Môn. Trình Hiếu Tư cùng các thuyền viên lên bờ thưởng thức trà. Tình cờ có người đàm luận về chuyện của Lưu tiểu thư, Trình Hiếu Tư lắng nghe cẩn thận. Cuối cùng, ông đã biết được tin tức của Lưu tiểu thư. Ngay lập tức, ông đến am Tiếp Dẫn để gặp mặt.
Lưu tiểu thư nói: “Đào và mai quý ở chỗ quả chín được hái đúng thời đúng lúc. Muội giờ đã già rồi. Nếu muội đồng ý kết hôn cùng huynh để hoàn tất hôn ước thì người khác nghe được ắt sẽ cười chê, muội sẽ trở nên kỳ lạ trong mắt họ. Muội vô cùng cảm tạ lòng thành của Trình quân, chỉ là duyên phận chúng ta bèo bọt, muội còn lời nào có thể nói chăng?”
Trình Hiếu Tư nhiều lần thành tâm mong Lưu tiểu thư xem xét lại nhưng Lưu tiểu thư đều từ chối.
Trình Hiếu Tư không còn cách nào khác, đành đến huyện nha thổ lộ nỗi buồn với huyện lệnh Kim Chi Trung. Huyện lệnh Kim là một vị quan lương thiện toàn tâm vì dân. Sau khi nghe xong câu chuyện, ông lập tức tìm đến am Tiếp Dẫn thuyết phục Lưu tiểu thư kết hôn với Trình Hiếu Tư. Ngày hôm sau, huyện lệnh Kim đã đưa được Lưu tiểu thư về phủ cùng Trình Hiếu Tư kết thành phu thê.
Trình công tử là một người chồng rộng lượng, luôn giữ đạo nghĩa và không bao giờ làm những điều sai trái. Lưu tiểu thư là một người vợ mẫu mực, giữ gìn trinh tiết, không vì được mất mà ôm oán hận. Tuy cả hai vợ chồng đều đã 57 nhưng lại trông trẻ hơn tuổi, tóc vẫn đen và răng vẫn khỏe. Người nào không biết đều cho rằng họ chỉ chừng 40 tuổi.
Từ xưa đến nay người thuỷ chung, nhân nghĩa đã hiếm, có thể như hai vợ chồng Trình Lưu lại càng là chuyện chưa từng có. Phu thê cách mặt vạn dặm, chưa từng gặp gỡ, không rõ tin tức về nhau, cũng không biết rõ sống chết thế nào nhưng mỗi người họ đều hạ quyết tâm giữ gìn trinh tiết, đạo nghĩa trải qua 30 năm vẫn như thuở ban đầu.
Nguồn NTD.com
Đường Vân