Nguồn ảnh: Internet

Đời Sống

Thương cha ốm đau không ai chăm sóc, cậu con trai vượt 30km đường rừng để hỏi vợ cho cha

By Đăng Dũng

March 18, 2021

Chuyện tưởng chỉ có trên phim, lại hiện hữu trong đời thực tại gia đình ông Đặng Giáp (SN 1955) ở xóm 10, xã Hương Giang (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).

Ông Đặng Giáp và bà Nguyễn Thị Xuân có với nhau năm người con, gia cảnh khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng hạnh phúc và an yên. Năm 2002, bà Xuân lên cơn đau tim và đột ngột qua đời, khi con gái út mới lên chín tuổi. 

Gia đình lâm vào cảnh nợ nần vì công việc làm ăn khó khăn, ông Giáp phải bán đất, bán rẫy, nai lưng làm đủ việc để trả nợ. Ông vừa làm cha, vừa làm mẹ, chăm lo các con ăn học.

Bữa ăn thường chỉ có rau muống, rau khoai xào qua loa. Những lúc như thế, cả nhà mong có bàn tay phụ nữ lo bếp núc, để gia đình thêm ấm áp. 

Bạn bè, hàng xóm mong ông Giáp đi bước nữa để có người đỡ đần, nhưng ông bỏ ngoài tai vì sợ không lo được cho các con, sợ người ta không thương con mình. Thương cha vất vả, năm người con luôn ngoan ngoãn, bảo ban nhau học hành.

Rồi những người con khôn lớn, trưởng thành, ngỡ đến lúc ông Giáp được hưởng “quả ngọt” mình vun trồng, thì ông ngã bệnh, nằm liệt giường. 

Thương cha ốm đau, các con thay nhau nghỉ học để chăm sóc. Hơn lúc nào hết, các con ông càng thấu hiểu “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Dù từng bị cha phản đối nhưng người con trai thứ Đặng Hoàng Cung vẫn quyết tâm tìm “mối” để… cưới vợ cho cha.

Nghe người bạn thân kể ở xã Hương Liên có một phụ nữ tên Diệm hiền lành, dễ mến, đứng tuổi nhưng không chồng, Cung cùng em gái vượt hơn 30km đường rừng tìm đến nơi để “duyệt” vợ cho cha. Anh em Cung gặp chị Diệm (sinh năm 1974) ở một mình nơi núi rừng hẻo lánh.

Sau gần một ngày tiếp xúc, trò chuyện, bằng tấm lòng chân thành của những người con, cuối cùng anh em Cung đã thuyết phục được chị Diệm đồng ý về với gia đình mình.

Về nhà, Cung bàn bạc với các em “tính kế”. Cung nói với cha, nếu cha không cưới vợ thì chúng con sẽ không an tâm học hành. Cuộc “thương thuyết” diễn ra trong nhiều ngày vì ông luôn từ chối. Nhưng rồi người đàn ông gà trống nuôi con bao năm qua đã nhiều lần bật khóc khi nghĩ đến tuổi già của mình và đàn con nheo nhóc cần chỗ dựa để yên tâm học hành.

Thế rồi, đám cưới của ông Giáp với bà Bùi Thị Diệm diễn ra với đầy đủ hai họ, cỗ bàn, lễ rước dâu trang trọng trong sự hoan hỉ của bà con lối xóm và sự đồng thuận của các con. Duy chỉ có Ngọc, cô con gái út, trốn sau vườn nhà bưng mặt khóc vì nhớ mẹ đẻ và chưa hiểu chuyện.

Muốn cha nhanh khỏi bệnh, cùng “mẹ mới” sống hạnh phúc, anh em Cung thống nhất gọi dì Diệm là mẹ. Đã gần 5 năm không được gọi tiếng “mẹ” nên ban đầu khá ngượng nhưng dần rồi cũng quen, chị Diệm yêu thương anh em Cung như ruột thịt từ lúc nào không hay.

Lúc mới về nhà chồng, chị Diệm cũng gặp không ít khó khăn vất vả, nhất là với Ngọc, đứa con gái út vẫn luôn e dè mỗi khi chạm mặt chị. Nhiều bữa cơm, Ngọc trốn ra sau nhà ngồi một mình, anh trai dỗ dành mãi mới chịu vào ngồi ăn. 

Cô bé còn quá nhỏ nên chưa hiểu hết được mọi chuyện, chưa sẵn sàng để đón người mẹ mới. Những lúc như thế, chị Diệm thoáng chạnh lòng, nhưng vốn hiền lành, thật thà, chị hiểu và cố gắng hòa nhập. Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình chị lo liệu chu toàn. 

Thấu hiểu tấm lòng mẹ Diệm, anh em Cung càng yêu thương và quý trọng “mẹ mới”. Bé Ngọc cũng dần đón nhận sự chăm sóc của chị Diệm rồi bỗng một ngày gọi “mẹ Diệm” đầy yêu thương.

Vượt lên nỗi gian truân, hai ông bà đã cật lực làm việc để nuôi các con ăn học đại học. Tổ ấm nhỏ của họ luôn ngập tiếng cười và hạnh phúc. Dù gia cảnh khó khăn lại đông con nhưng vợ chồng ông Giáp và bà Diệm đã nuôi được 4 người con tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

Theo: Phunuonline.com

Sơn Hà