Những câu chuyện xoay quanh Trương Tăng Diêu rất ly kỳ thú vị, chính điều này đã ‘thần cách’ hóa các tác phẩm hội họa của ông…
Cây bút kỳ diệu có thể câu thông với Thần
Sách Lịch đại Danh họa ký (Ghi chép về các danh họa các triều đại), quyển 7 có chép: Giang Lăng có ngôi chùa Thiên Hoàng được xây dựng thời Tề Minh Đế, trong có điện tên là Bách Đường. Trong điện Bách Đường, Trương Tăng Diêu có vẽ chân dung một vị triết nhân đó chính là Khổng Tử; Bức họa còn lại là chân dung của Phật Lư Na Xá (Locanabuddha). Minh Đế sau khi xem tranh trách ông rằng: “Trong Phật môn sao lại vẽ chân dung Khổng Tử?”.
Trương Tăng Diêu trả lời: “Sau này còn phải nhờ vào vị Thánh nhân họ Khổng này đó”.
Quả nhiên sau này Chu Thế Tông diệt Phật, đốt cháy tất cả các chùa chiền, Phật tháp trong thiên hạ, duy có điện Bách Đường của chùa Thiên Hoàng, vì có vẽ tranh chân dung của Khổng Thánh nhân mà không bị thiêu hủy.
Trương Tăng Diêu cũng đã từng vẽ tranh “Thiên Trúc nhị Hồ tăng đồ” (Bức tranh hai tăng nhân người Hồ nước Thiên Trúc), vừa đúng lúc Hà Nam Vương Hầu Cảnh khởi binh tạo phản. Trong chiến loạn, bức tranh “Thiên Trúc nhị Hồ tăng đồ” tuy không bị phá hủy nhưng hai tăng nhân trong bức tranh bị tháo dỡ, một Hồ tăng trong đó được Hữu thường thị Lục Kiên đời Đường thu thập cất giữ. Khi Lục Kiên trọng bệnh, ông mơ thấy Hồ tăng đó nói với ông rằng: “Tôi có người bạn ly tán đã nhiều năm. Hiện nay ông ấy ở nhà họ Lý ở Lạc Dương, nếu ngài có thể tìm được ông ấy để hai chúng tôi ở cùng nhau thì chúng tôi sẽ dùng Pháp lực của Phật môn trợ giúp ngài”.
Lục Kiên đến nhà họ Lý ở Lạc Dương như Hồ tăng đã nói. Lý gia quả nhiên có cất giữ bức tranh còn lại của vị Hồ tăng kia. Lục Kiên mua lại bức tranh trở về. Sau đó không lâu, bệnh của Lục Kiên quả nhiên khỏi hẳn.
Những câu chuyện như trên rất thú vị, đã Thần cách hóa tranh của Trương Tăng Diêu. Nhưng cũng có những nhận định đánh giá chính thống như Trương Hoài Quán từng đánh giá trong sách “Lịch đại Danh họa ký”, quyển 7 rằng: “Vẽ dung mạo, phong cách người thì Trương đứng sau Cố và Lục. Trương vẽ được thịt, Lục vẽ được cốt, Cố vẽ được thần. Thần diệu thì Cố là nhất”.
Vẽ diều hâu để đuổi chim ở chùa Hưng Quốc
Còn có một sự kiện nữa cũng minh chứng cho nghệ thuật hội họa xuất thần của Trương Tăng Diêu. Sách Triều dã thiêm tải (Cung đình và dân gian cùng ghi chép) của Tinh Trạc đời Đường có viết, ở chùa Hưng Quốc tại Nhuận Châu, các loài chim hoang dã như chim ngói, bồ câu rất thích bay vào đại điện, đậu trên dầm xà. Các tăng nhân khổ sở vì phân chim vương vãi khắp nơi, vấy bẩn cả tượng Phật. Công việc vệ sinh tượng các bức tượng Phật lớn cũng khá khó khăn vất vả. Sau này có người đề nghị mời Trương Tăng Diêu vẽ một con chim ưng trên bức tường phía đông Đại điện, còn bức phía tây vẽ một con diều hâu, hai con chim đều nghiêng đầu nhìn ra mái hiên, thần thái dũng mãnh hiên ngang ngạo nghễ. Từ đó những loài chim như chim sẻ, bồ câu, chim ngói… tuyệt nhiên đều không dám bay vào Đại điện nữa. Trương Tăng Diêu quả là công lực cao siêu, có thể thấy được tác phẩm của ông sống động giống thật như thế nào.
Minh chứng “Thư họa đồng nguyên” (Thư pháp và hội họa có cùng chung một ngồn gốc)
Ngoài ra sách Lịch đại danh họa ký, quyển 2 cũng có viết rằng, Trương Tăng Diêu chuyên tâm luyện “điểm, duệ, chước, phất” (các nét trong thư họa) trong thư pháp của Vệ phu nhân. Ngày ngày ông luyện tập không gián đoạn, đồng thời dựa theo bức “Bút trận đồ” của Vệ phu nhân để nghiên cứu, “Mỗi chấm mỗi nét, khéo léo độc đáo, móc câu gươm giáo lạnh lẽo”. Trong thời gian dài không mệt mỏi dốc sức nghiên cứu, thành quả của ông là nét bút nhẹ nhàng thanh thoát linh hoạt, nét chấm, phết, hất… viết ra đều tinh xảo độc đáo. Khi luyện đến bút họa cô đọng thì nó giống như móc câu như gươm giáo, lạnh lẽo như gươm sắc. Nhưng bất kể là tinh xảo hay cô đọng, đều có thể được ông đưa vào trong bút pháp vẽ tranh sơn thủy, hoa điểu của mình một cách vô tri vô giác, đã minh chứng rõ nét thực chất “Thư họa đồng nguyên”. Người luyện tập đời sau nếu có thể kiên trì nhẫn nại nghiên cứu, phát hiện thì có thể thọ ích vô cùng.
Sách Lịch đại danh họa ký, quyển 2 cho rằng, ông có “cốt khí vĩ đại, ‘lục pháp’ tinh vi, hình tượng đầy đủ, có sự tuyệt diệu của thủ pháp ý đến mà bút chưa đến”. Ý nghĩa là thủ pháp hội hoạ của ông vô cùng cô đọng súc tích, ‘bút mới một hai mà hình tượng đã xuất hiện’. Loại thủ pháp cô đọng súc tích của ông cùng với Ngô Đạo Tử đời Đường được gọi là “Sơ thể” (vẽ thưa, thoáng), khác biệt với phong cách “Mật thể” (vẽ dày đặc) của Cố Khải Chi và Lục Thám Vi.
Nhà điêu khắc nổi tiếng đời Đường là Dương Huệ Chi và ‘Họa Thánh’ Ngô Đạo Tử đều trực tiếp kế thừa phong cách của ông. Họa sỹ Bắc Tống là Lưu Đạo Thuần viết trong sách Ngũ Đại Danh Họa Bổ Di rằng: “Tranh của Đạo Tử, tượng của Dương Huệ có bút pháp thần kỳ của Tăng Diêu”. Có thể nói đó là câu khẳng định khá chính xác.
Theo các điển tịch ghi chép, tác phẩm của Trương Tăng Diêu có “Ngũ Tinh nhị thập bát tú Thần hình đồ” (Bức tranh vẽ 5 Thần Ngũ Tinh và 28 Thần Tinh Tú), tượng Lương Võ Đế, tranh Hán Võ Tạ Giao, tranh Ngô Vương Cách Vũ, tranh Hành Đạo Thiên Vương, “Thanh Khê cung thủy quái đồ” (tranh thủy quái ở cung Thanh Khê), tranh Ma Nạp Tiên Nhân… được thu lục vào các sách Tuyên Hòa Họa Phổ (Hội họa thời Tuyên Hòa), Lịch đại danh họa ký và Trinh Quán công tư họa sử (Lịch sử hội họa cung đình và tư nhân thời Trinh Quán).
Những tác phẩm tranh theo phong cách của Trương Tăng Diêu còn lưu truyền đến nay, chúng ta vẫn có thể thấy có bức “Tuyết sơn hồng thụ đồ” mà giới bình luận cho rằng là tác phẩm cuối đời Minh phỏng tác phong cách tranh của ông. Bức tranh này được thu lục ở sách “Cố Cung thư họa đồ lục” (Tập hợp tranh và thư pháp Cố Cung). Còn tranh “Ngũ Tinh nhị thập bát Tú Thần hình đồ quyển” (Tranh cuốn 5 Thần Ngũ Tinh và 28 Thần Tinh Tú) cũng chỉ lưu lại bản do Lương Lệnh Toản đời Đường mô phỏng, hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Osaka Nhật Bản.
Hoàng Mai (biên dịch)
Tác giả: Trịnh Hành Chi
Nguồn epochtimes.com