Bạn đang gặp rất nhiều những vấn đề trong quản lý tài chính cá nhân hay cảm thấy tiết kiệm là một việc cần thiết nhưng quá khó thực hiện. Hãy tham khảo bí quyết giúp người Nhật thực hành được triết lý “lấy ít làm nhiều”, để có tiền tiết kiệm dù thu nhập bạn không phải nhiều chữ số.
Kakeibo là gì và những nguyên tắc cốt lõi
Nữ nhà báo Hani Matoko đã truyền rộng phương pháp Kakeibo từ năm 1904. Bà mong muốn giúp các bà nội trợ Nhật Bản có được một công cụ và phương pháp quản lý chi tiêu hiệu quả. Bởi phụ nữ Nhật là tay hòm chìa khóa của gia đình, khi phương pháp này ra đời, nó đã được đón nhận nồng nhiệt và được người Nhật duy trì cho tới tận ngày nay.
Kakeibo vừa là một công cụ, vừa là phương pháp để quản lý chi tiêu cá nhân hoặc gia đình. Khi áp dụng phương pháp này, người dùng sẽ sử dụng một cuốn sổ chi tiêu được thiết kế đặc biệt để ghi chép lại các chi tiêu và lên kế hoạch cho việc tiêu dùng hàng ngày.
Theo phương pháp Kakeibo, chúng ta không chỉ đơn thuần ghi lại các khoản thu chi trong tháng. Nó phức tạp hơn và đòi hỏi bạn có một khoảng thời gian để suy nghĩ nghiêm túc về việc sự dụng tiền trong tháng tới. Các cuốn sổ Kakeibo được thiết kế để bạn nắm rõ các con số sau:
- Số tiền bạn có: Số tiền bạn thực lĩnh khi đến kỳ lương, cộng với thu nhập từ các nguồn khác mà bạn có (ví dụ: tiền làm thêm, tiền bạn được tặng nhân dịp đặc biệt nào đó).
- Số tiền bạn cần chi: Đây là con số gần như cố định mà bạn phải chi trả hàng tháng cho các hóa đơn ( ví dụ: tiền thuê nhà, tiền điện nước internet, tiền học cho con, tiền xăng xe,…)
- Số tiền bạn muốn tiết kiệm được trong tháng: đây là con số bạn tự đặt ra cho bản thân để làm mục tiêu cho tháng. Ví dụ khi mới bắt đầu, số tiền bạn kiếm được là 5 triệu một tháng, bạn có thể đặt một mục tiêu hợp lý và dễ dàng để bắt đầu là 300 ngàn. Số tiền này có thể tăng dần khi bạn đã làm quen và điều chỉnh được tốt hành vi tiêu tiền của mình. Bạn không nhất định phải cất riêng 300 nghìn vào tủ. Việc bạn giữ nó như một mục tiêu cần hoàn thành trong tâm trí quan trọng hơn nhiều.
- Số tiền mà bạn có thể tiêu: Để tính được số tiền này bạn chỉ cần lấy “Số tiền bạn có” trừ đi “số tiền bạn cần chi” và “số tiền bạn muốn tiết kiệm”. Con số này sẽ cho bạn thấy được mình cần chi tiêu trong giới hạn nào để có thể đạt được mục tiêu tiết kiệm. Nếu bạn đem “số tiền có thể tiêu” này chia 4, bạn sẽ nhìn thấy được mình có bao nhiêu tiền trong một tuần để tiêu xài ngoài các khoản chi phí cố định kể trên.
Khi đã nắm bắt được các con số trọng yếu này, bạn cần ghi chép tỉ mỉ các chi tiêu trong tuần của mình, cùng tổng số tiền mình đã tiêu trong tuần đó. Việc nhìn vào con số chi tiêu mỗi tuần như vậy, sẽ giúp bạn biết mình có đang tiêu tiền hợp lý hay không và có những điều chỉnh nếu cần thiết. Việc ghi chép tỉ mỉ những khoản mình đã tiêu cũng sẽ giúp bạn nhìn lại cách chi tiêu của mình trong các lĩnh vực khác nhau.
Tại sao Kaikeibo lại tối ưu?
Phương pháp này của người Nhật có gì khác biệt với những phương pháp quản lý chi tiêu khác? Chúng có thật sự hữu dụng?
Kakeibo khuyến khích cá nhân chi tiêu lý trí
Một trong những nguyên tắc được nhấn mạnh nhiều nhất trong cuốn sách “Kakeibo- Nghệ thuật tiết kiệm của người Nhật” của tác giả Fumiko Chiba chính là: Phân biệt rõ món hàng bạn mua thuộc loại “muốn có” hay loại “phải có”. Sự khác biệt là rất lớn. Bạn cần mua sắm quần áo cho mùa mới, đó là thuộc loại “phải có”, nhưng bạn muốn mua những chiếc áo đúng mùa và đang thịnh hành thì đó lại thuộc cái “muốn có”.
Khi theo dõi chi tiêu theo phân loại này, bạn sẽ biết mình có đang bị cảm xúc và các ý thích dẫn dắt, hay đang đi đúng hướng trong việc chi tiêu những thứ thực sự cần thiết vào đúng thời điểm. Đây cũng là cách bạn tìm ra chỗ bạn làm rò rỉ tiền bạc của mình.
Khi phân biệt thành thạo những thứ “muốn có” và “phải có”, bạn sẽ hình thành được thói quen cân nhắc trước khi đưa ra quyết định mua bán, để có những lựa chọn phù hợp hơn với số tiền mà bạn có, chứ không phải để thỏa mãn “con sói ham muốn” đang hành hạ bạn.
Kakeibo giúp bạn chủ động hơn và tạo động lực tiết kiệm lớn hơn
Theo phương pháp Kakeibo, một trong những điều giúp bạn có động lực để tiết kiệm chính là xem xét lên kế hoạch chi tiêu trước cho cả tháng. Khi nắm được số tiền mình có thể tiêu để thực hiện mục tiêu tiết kiệm, bạn dễ đưa ra quyết định chi tiêu trong những hoàn cảnh mua sắm ngoài kế hoạch. Ví dụ, khi được rủ đi mua sắm cùng bạn bè, bạn biết mình có thể mua món đồ thuộc tầm tiền nào, hay không thể mua món mới vào tháng đó.
Thêm vào đó, số tiền bạn muốn tiết kiệm trong tháng là do chính bạn đặt ra. Nó sẽ khiến bạn cảm thấy bớt gò bó: Khi mới bắt đầu, bạn có thể đặt mục tiêu vừa sức, và nâng dần mục tiêu đó lên trong những tháng tiếp theo.
Hơn thế, chỉ cần bạn chi tiêu hợp lý, cân đối tốt cái “muốn có” và cái “phải có”, số tiền tiết kiệm của bạn sẽ tăng lên, mà không phải chờ đến khi được tăng lương. Khi bạn chủ động tiêu dùng để tăng số tiền bạn có thể tiết kiệm mỗi tháng, việc tiết kiệm sẽ trở thành động lực để đưa ra các quyết định mua sắm đúng đắn, thay vì là “áp lực” phải thắt lưng buộc bụng. Thay đổi cách nhìn đôi khi là cách hữu hiệu để tạo nên nguồn động lực mạnh mẽ.
Kakeibo giúp bạn thay đổi thói quen tiêu dùng một cách sáng tạo
Việc ngồi xuống và xem xét các chi tiêu cuối mỗi tháng, so sánh cách bạn tiêu tiền với mục tiêu đặt ra sẽ mang đến cho bạn nguồn động lực lớn để thay đổi thói quen chi tiêu. Tuy nhiên, người Nhật cho rằng tiết kiệm không có nghĩa là bạn phải ép mình chi tiêu ít hơn trong tháng sau, mà có thể sử dụng sự sáng tạo của mình để tìm ra các biện pháp thay thế có chi phí thấp hơn.
Ví dụ, thay vì ăn cơm trưa ở ngoài, bạn có thể chuẩn bị cơm trưa từ các nguyên liệu có sẵn trong nhà. Một hộp cơm rang hay bánh đa xào rau củ tự làm vừa giúp bạn tiết kiệm thức ăn thừa, đổi bữa và tiết kiệm tiền ăn trưa.
Ngoài ra, để thay đổi thói quen chi tiêu, bạn cũng có thể thay đổi trọng tâm chi tiêu của mình. Thay vì dàn trải trong việc mua sắm, chúng ta có thể tiết kiệm để chi trả cho chất lượng các món đồ hoặc chi trả cho các dịp đặc biệt. Thay vì mua ngay chiếc áo bạn thích khi lướt shoppe, bạn sẽ có động lực để dành, để mua cho mình một bộ cánh trang trọng hơn cho sự kiện lớn sắp tới.
Một tầm nhìn dài hơn sẽ khiến bạn dễ dàng chi tiêu có trách nhiệm hơn
Khi sử dụng phương pháp này, người Nhật khuyên chúng ta để tầm nhìn của mình vươn xa hơn. Bạn không chỉ lên kế hoạch cho tháng tiếp theo, mà cần hình dung những chi tiêu lớn và có ý nghĩa trong cả một năm tới: Ví dụ kỳ nghỉ cho gia đình, một món quà cho dịp mừng thọ ông bà, vé tham dự một buổi hòa nhạc lớn dành cho vợ,…Tầm nhìn này sẽ hình thành động lực mạnh mẽ để bạn có thể nhanh chóng gạt đi những cái “muốn có” của bản thân, tiết kiệm tiền để có thể chi trả cho những cái “muốn có” cho người khác và cho gia đình mình.
Với những lý do nêu trên, bạn đã thấy đủ hấp dẫn để thử áp dụng phương pháp Kakeibo cho chính mình. Dù có thể không lựa chọn phương pháp này, việc chủ động quản lý chi tiêu để xây dựng một lối sống cần kiệm bằng các phương pháp khác cũng là điều rất tuyệt vời.
Biên tập Huệ Bình