Vinh Di công là một vị đại thần kề cận rất được vua Chu Lệ Vương sủng ái. Theo sử sách ghi chép lại, Vinh Di Công soạn thảo ra chính sách: tất cả đất đai, biển, hồ thiên nhiên đều thuộc về vua, đều do quan hoặc tầng lớp quý tộc quản lý, người dân không được phép khai thác hay kiếm lợi từ thiên nhiên.
Nhân dân thời đó đi làm bất cứ việc gì đều bị đánh thuế rất nặng nên ca thán đủ điều. Các đại thần can gián Chu Lệ Vương nhưng nhà vua không nghe. Còn Vinh Di Công bèn phái thuộc hạ đi khắp kinh thành trà trộn vào trong nhân gian, hễ nghe ai phàn nàn gì lập tức bắt trói ngay, từ đó về sau trong thiên hạ không ai dám nói gì nữa mà ra đường chỉ lấy tay ra hiệu cho nhau.
Vinh Di Công biết được điều đó liền rất cao hứng vào trầu, khoe với Chu Lệ Vương là đã trị được bọn dân đen rồi, nghe xong Lệ Vương rất hài lòng. Hai đại thần là Chu Định Công và Triệu Công Hổ hết lời khuyen can nhưng nhà vua vẫn bỏ ngoài tai.
Không lâu sau, người dân không chịu nổi áp bức đã vùng lên cầm vũ khí xông thẳng vào kinh thành. Chu Lệ Vương hốt hoảng cùng Vinh Di Công vượt sông Hoàng Hà bỏ chạy sang đất Trệ, nhà vua ở đó 14 năm thì chết.
Khổng Tử dạy rằng: “Đối xử với người bất nhân, mà căm ghét một cách quá đà, vậy thì sẽ lập tức nổi loạn.” Bởi vậy, khi người dân nổi loạn, phải từ việc triều chính mà tìm hiểu nguyên nhân; khi việc triều chính bị rối loạn, phải tìm hiểu nguyên nhân từ chính bản thân người nắm quyền. Khi tư tưởng quan điểm, hành động cử chỉ và ngôn từ đều đúng đắn, thiên hạ tự nhiên sẽ an định. Do vậy, người quân tử thường khen ngợi người lương thiện, lại có thể đồng cảm với những người không thể làm điều thiện đó, đối với những người đang chịu hình phạt mà ban cho ơn huệ, cũng lại ban ân đức cho những người thấp hèn. Khi ban ơn huệ, trong lòng cảm thấy vui sướng; còn khi bất đắc dĩ phải thi hành hình phạt lại cảm thấy buồn khổ. (Cuốn 42. Diêm Thiết Luận)
Đối ngược với cách làm của Chu Lệ Vương, vua Đường Thái Tông thả 390 tử tù về quê ăn tết, không chịu bất cứ sự giám sát nào. Với lời hẹn tất cả tử tù phải trở lại đúng thời hạn để nhận bản án tử hình. Các phạm nhân kinh ngạc, còn không tin vào tai mình.
Ngày hẹn đến, lần lượt từng người từ 1 cho đến 389 tử tù đến chờ lãnh án, còn một người cuối cùng đến muộn do dọc đường đi bị ốm nặng. Chờ cho 390 tử tù đến đầy đủ, Đường Thái Tông tuyên bố: “Trẫm đại xá tất cả tù nhân, cho các khanh tự do về nhà”. Sau này nhà Đường trở thành triều đại hoàng kim nhất trong lịch sử, được gọi là khai nguyên thịnh thế.
“Vua Nghiêu, vua Thuấn lấy nhân đức mà lãnh đạo thiên hạ, muôn dân sẽ noi gương mà thực hành nhân đức. Hạ Kiệt, Thương Trụ lấy bạo tàn mà hoành hành khắp thiên hạ, muôn dân lại theo đó mà làm những việc xấu xa.” (Cuốn 7. Lễ Kí)
Bởi vậy, chính sách áp chế vừa hại đến muôn dân trăm họ, vừa hại tới chính người ra chính sách đó, người áp dụng chính sách cũng bị báo ứng. Nhân quả tuần hoàn, chỉ có chính sách đem lại lợi ích cho toàn xã hội thì triều đại ấy mới lâu dài, còn chính sách chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm người, còn người dân vẫn là sưu cao thuế nặng, không đủ sinh tồn thì triều đại ấy cũng sắp đến lúc diệt vong.
Biên tập Thông Lộ