Cách bảo quản thi thể của Hoàng Đế cổ đại. Nguồn ảnh: Soha

Khám Phá

Khi các vị hoàng đế cổ đại băng hà phải vài tháng đến vài năm sau mới chôn cất, nhưng nếu thi hài bị phân hủy thì làm thế nào?

By Đăng Dũng

September 02, 2021

Trong thời kỳ phong kiến, thân phận và quyền lực của hoàng đế rất lớn, còn nắm quyền sinh tử cho thiên hạ. Hoàng đế không chỉ được hưởng vinh hoa phú quý lúc còn sống mà còn được vinh danh đặc biệt sau khi qua đời.

Cái chết của một vị hoàng đế là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với một triều đại, và hầu hết các hoàng đế đều bắt đầu xây dựng lăng tẩm cho mình khi bắt đầu lên ngôi, sau khi hoàng đế qua đời sẽ được an táng trong lăng mộ đã được chuẩn bị trước khi mất, ngoài ra lăng mộ hoàng đế còn đặt nhiều đồ tùy táng quý giá.

Nghi thức mai táng ở Trung Quốc có thể được xem là nét văn hóa đặc biệt được kế thừa từ hàng nghìn năm trước, được phân thành 2 giai đoạn là “tang lễ” và “táng lễ”. Thời xưa, người ta không chôn cất người thân ngay sau khi qua đời, mà thường đặt thi hài ở trong nhà một vài ngày, thời gian này gọi là quàn. Đối với hoàng thất, thời gian quàn trước khi chôn cất còn lâu hơn những người dân.

Trong trường hợp người mất là Hoàng Đế, sau khi kết thúc thời gian quàn thì quan tài của họ vẫn chưa được chôn cất mà tiếp tục đưa đến Thấn cung, lưu giữ tại đây từ vài tháng đến vài năm.

Chẳng hạn như, Hoàng đế Thuận Trị của nhà Thanh, linh cữu của ông đã được quàn trong thời gian 25 ngày. Sau đó, thi hài của ông được đưa đến Thấn cung, đặt tại đây trong 2 năm lẻ 2 tháng mới được chôn cất. Đồng nghĩa với việc, sau khi Hoàng đế Thuận Trị qua đời, phải mất hơn 2 năm mới đem đi chôn cất.

Các vị Hoàng đế nhà Thanh sau khi qua đời cũng cũng thường phải để một thời dài như vậy mới đem đi chôn, chỉ có 1 số ít được chôn cất vài tháng sau khi mất.

Vậy thì vấn đề ở đây là người xưa có sợ thi hài bị thối rữa nếu không được chôn cất ngay hay không? Muốn trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta cần nắm được quy trình thực hiện tang lễ của hoàng tộc.

Lấy chế độ tang lễ ở nhà Thanh làm ví dụ, thời kỳ này, tang lễ của Hoàng đế được gọi là “Hung lễ”, được quản lý bởi Lễ bộ và Nội vụ phủ.

Trước hết, khi Hoàng đế sắp băng hà, những người phụ trách tang lễ (gọi là khỏa nhân và uất nhân) sẽ chuẩn bị sẵn nước nấu hoa uất kim hương, rượu trắng làm từ lúa nếp đen và nhiều loại ngũ cốc quý khác.

Đợi đến khi thái y thông báo Hoàng đế đã thật sự qua đời, khỏa nhân và uất nhân sẽ lập tức tắm rửa thi hài Hoàng đế bằng nước hoa uất kim hương, sau đó bôi rượu trắng lên. Đây là quá trình ức chế sự phát triển của vi sinh vật, ngăn cản sự thối rữa thi thể, được gọi là “Dục thi”, nghĩa là tắm rửa cho thi thể.

Sau khi hoàn thành quá trình này, thân thể Hoàng đế sẽ được khoác lên những lớp trang phục tinh tế rồi đặt vào linh cữu. Bên trong linh cữu đã được cho thêm hương liệu chống thối rữa, than củi,…

Trong thời gian quàn, linh cữu của Hoàng đế được đặt trên một chiếc giường băng, bên dưới chiếc giường này là những viên đá lạnh, mảng băng nhỏ. Chúng sẽ liên tục được bổ sung để giữ nhiệt độ ở mức thấp nhất có thể.

Bên cạnh nơi đặt linh cữu của Hoàng đế còn được bao bọc bởi những chiếc hoa cái (màn che) xếp chồng lên nhau. Giữa linh cữu và lớp hoa cái đó còn được đặt thêm một số loại tro thực vật, than củi,… với mục đích giảm độ ẩm trong không khí.

Có thể thấy, phương pháp chống thối rữa từ thời phong kiến Trung Hoa xa xưa không hề đơn giản và không ai lo lắng về vấn đề thi thể Hoàng đế mục nát trước khi chính thức chôn cất. Thậm chí, nếu có thật sự bị thối rữa thì lớp hương liệu và lớp hoa cái xếp chồng kia cũng sẽ ngăn cản mùi hôi rất tốt, khó ai có thể nhận ra.

Thiên Hà biên tập

Nguồn: Tổng hợp