Ảnh: Internet

Đời Sống

Khi cảm thấy mất động lực hãy thử học hỏi Tôn Ngộ Không

By Truong Phong

September 28, 2021

Sự yếu đuối và mạnh mẽ của con người thường vượt qua sức tưởng tượng của bản thân, đôi khi bạn có thể yếu đuối tới mức nghe một câu nói thôi cũng có thể khóc nấc lên như một đứa trẻ, nhưng cũng có đôi khi ngoảnh đầu nhìn lại, bạn phát hiện ra, thì ra mình đã cắn răng đi được một quãng đường xa tới như vậy. Hãy cùng nhìn lại hình tượng Tôn Ngộ Không trong tác phẩm Tây Du Kí.

Trong mắt của mọi người, Tôn đại thánh chính là hóa thân của “dũng khí”, biểu tượng của sự tiêu diêu tự tại.

Tôn Ngộ Không dám vào điện Lăng Tiêu của Ngọc hoàng đại đế, dám đại náo thiên cung, là một Mỹ hầu vương vang danh khắp chốn, cũng là một Tề thiên đại thánh kiêu hãnh nhất.

Nhưng đằng sau tất cả những điều đó, Tôn đại thánh cũng giống như biết bao người trưởng thành khác, trải qua sự tôi luyện của tháng năm, gặp qua biết bao khó khăn vất vả, cũng từng không ít lần tủi thân và bất lực.

Thế gian ai cũng ngưỡng mộ Mỹ hầu vương, nhưng lại chẳng ai biết được cái khó của Ngộ Không.

Khoảng thời gian huy hoàng ngắn ngủi

Trong “Tây du kí”, Tề Thiên đại thắng chẳng khác nào sự tồn tại của một “quán quân”. Sinh ra bởi trời đất, sau khi học được bản lĩnh, đại náo tới cả thiên đình và địa phủ, bỏ qua tất cả mọi quy tắc của thiên đình. Dù có bị bao vậy, cũng chưa từng khuất phục.

Nhưng trên thực tế, khoảng thời gian huy hoàng như vậy của Tôn đại thánh rất ngắn ngủi, các loại kiếp nạn đến lại rất sớm.

“Tây du kí” có tổng cộng 100 hồi, thì ở hồi thứ 6, Tôn đại thánh đã bị Nhị Lang Thần dẫn quân đi vây bắt, sau cùng bị giam ở núi Ngũ Hành Sơn suốt 500 năm.

Sau một khoảng thời gian dài đằng đẵng, Tôn Ngộ Không cũng đã học được cách thỏa hiệp với hiện tại, đồng ý phò tá Đường Tăng đi lấy kinh. Trên đường lấy kinh, Tôn Ngộ Không nhiều lúc vẫn tỏ ra bất tuân.

Trong lần đầu tiên cãi nhau với Đường Tăng, Tôn Ngộ Không liền bị bạn thân Đông Hải long vương khuyên quay về: “Người mà không chịu phò tá Đường Tăng, không siêng năng, không chấp nhận giáo huấn, sau cùng vẫn chỉ là một yêu tiên, đừng mơ lấy được chính quả.”

Nhớ lại quãng thời gian bị giam cầm suốt 500 năm, Tôn Ngộ Không chỉ đành lựa chọn quay về cùng đi lấy kinh với đoàn của mình. Mỹ hầu vương oanh liệt năm nào của Hoa quả sơn sớm đã trở thành một cái bóng thời niên thiếu.

Khởi nghiệp bận rộn

Nếu không thể sống theo ý mình, vậy thì chuyên tâm cho sự nghiệp hiện tại cũng chẳng sao.

Nhưng đoàn đội lấy kinh lại chẳng lúc nào để Tôn Ngộ Không yên tâm. Là nhân vật cốt cán, Tôn Ngộ Không hầu như không có lúc nào được rảnh tay.

Đường Tăng tuy chuyên tâm sự nghiệp, nhưng lại vô cùng nhẹ dạ cả tin, người khác tỏ ra yếu đuối một hai câu thôi là đã lập tức tin tưởng, lúc đuổi Tôn Ngộ Không đi, thậm chí còn thề thốt rằng “nếu còn gặp lại người, ta sẽ bị đày xuống địa ngục.”

Trư Bát Giới suốt ngày chỉ tham ăn tham ngủ, không chút hứng thú với việc lấy kinh, đánh yêu quái cũng nhiều lần góp mặt cho có, động một chút là muốn chia hành lý về nhà.

Sa Tăng thì không kiên định, giấu tài, sư huynh sư phụ nói sao cũng đều ngả theo.

Trên suốt cả quãng đường lấy Kinh, Tôn Ngộ Không dường như là người bỏ ra nhiều nhất, nhọc lòng nhiều nhất. Chưa kể vừa đánh yêu quái còn vừa phải xem xem họ hàng yêu quái là ai, có được giết hay phải tha, điển hình như Kim Sí Điểu, họ hàng của lãnh đạo, sau cùng được Như Lai cho quy y.

Vừa nỗ lực hết mình làm việc, luôn đi tiên phong, lại vừa phải cẩn thận xem mình có đắc tội với ai không, thế giới của người trưởng thành, thật không dễ dàng…

Tề thiên đại thánh cũng có lúc xót xa

Bất kể ra sao, Tôn Ngộ Không vẫn là một hình mẫu của sự dũng cảm và kiên cường, cứu sư phụ, hàng yêu diệt quái, không tiếc bản thân.

Nhưng, có rất ít người chú ý tới một điều rằng, một Tề thiên đại thánh dám náo loạn cả Thiên cung, cũng đã từng có lúc tủi thân.

Một lần xót xa, là vì những ngày tháng vô tư đã kết thúc. Tôn Ngộ Không trải qua nhiều khó khăn, bái sư học nghệ, mỗi ngày đều rất lễ phép với sư huynh đệ, đàm kinh luận đạo, rảnh thì làm vài việc vặt, quét sân dọn vườn, trồng hoa chăm cây… những ngày tháng như vậy chỉ kéo dài sáu bảy năm.

Cũng giống như tuổi thơ của mỗi người, đây có lẽ là khoảng thời gian vui vẻ nhất trong cuộc đời của anh khỉ.

Nhưng sau cùng vẫn phải từ biệt tất cả mọi thứ, “người từ đâu đến thì quay về lại nơi đó là được.”

Một lần xót xa vì bị hiểu lầm. Dù đã hết sức mình đánh Bạch Cốt Tinh nhưng vẫn bị sư phụ hiểu lầm tới cùng, rõ ràng là người cố gắng nhất, quang minh lỗi lạc nhất nhưng sau cùng vẫn bị hiểu lầm là tâm địa xấu xa, hại người lương thiện.

Dù có bị đuổi đi, Tôn Ngộ Không vẫn dặn dò hai vị sư đệ phải chăm sóc sư phụ thật tốt. “Tây du kí” không tập trung miêu tả vào cái xót xa, buồn bã của Tôn Ngộ Không, nhưng người đọc qua cũng đều sẽ hiểu.

Ở Tôn Ngộ Không, có lẽ chúng ta sẽ học được một điều rằng, rất nhiều khi, trên đời này, không có cái gọi là đồng cảm, bi hỉ của con người không hề tương thông, không phải tất cả mọi nỗ lực đều được hồi đáp xứng đáng.

Người trưởng thành, rất nhiều khi, tự mình xót xa, tự mình rơi lệ, rồi lại tự mình vượt qua, tự mình phấn chấn và tiếp tục quay lại với cuộc sống.

Thế giới của người lớn

Cả bộ “Tây du kí”, cũng là quá trình trưởng thành và phấn đấu của Tôn Ngộ Không. Tôn đại thánh cùng sư phụ và hai huynh đệ trải qua chín chín tám mốt kiếp nạn, sau cùng lấy được chân kinh.

Từ 10, 20, đến 30 hay 40 tuổi, những thiếu niên từng đọc “Tây Du Ký” có lẽ cũng đã trải qua nhiều gian khổ tương tự như Ngộ Không trong cuộc đời, và họ cũng đang dần trưởng thành và già đi.

Nhiều người trưởng thành thường phải gặp những sự việc kiểu loại như: dự án theo rất lâu rồi, bỗng dưng bị đối thủ cạnh tranh có quan hệ rộng hơn giành mất. Có người luôn rất nỗ lực nhưng đi thi lại không đạt được kết quả như mong muốn, lỡ hẹn với ngôi trường mà mình muốn vào. Có người tính cách thẳng thắn, vô hình chung đắc tội với ai đó mà bị cả một nhóm ngó lơ…Cũng có người luôn âm thầm nỗ lực, hết mình với cuộc sống mưu sinh, nhưng sau cùng, nghèo vẫn hoàn nghèo…

Có rất nhiều lời khuyên dành cho chúng ta, những con người đã bước ra xã hội với cuộc sống mưu sinh rằng “hãy là chính mình trong tất cả mọi chuyện”, nhưng rất nhiều khi, chúng ta chỉ có thể không ngừng điều chỉnh bản thân, mài nhẵn sự sắc sảo của mình theo đủ các thể loại quy tắc của thực tế xã hội, bắt tay làm hòa với cuộc sống.

Vừa vấp ngã vừa trưởng thành

Không thể không mệt mỏi, nhưng cũng cần phải kịp thời kiên cường trở lại.

Sự yếu đuối và mạnh mẽ của con người thường vượt qua sức tưởng tượng của bản thân, đôi khi bạn có thể yếu đuối tới mức nghe một câu nói thôi cũng có thể khóc nấc lên như một đứa trẻ, nhưng cũng có đôi khi ngoảnh đầu nhìn lại, bạn phát hiện ra, thì ra mình đã cắn răng đi được một quãng đường xa tới như vậy.

Tôn Ngộ Không, hình mẫu ưu tú hoàn hảo trong mắt mọi người cũng phải chịu rất nhiều đắng cay, tủi hổ, cả cô đơn, cả bị hiểu lầm. Nhiều lần nổi cáu, nhiều lần bất lực, nhưng Tôn Ngộ Không biết mình muốn gì, mỗi một lần vấp ngã là một lần đứng dậy, không ngừng rèn luyện bản thân qua mỗi một lần trừ yêu diệt quái.

Vì vậy, sau cùng, Tôn Ngộ Không được phong thành Đấu chiến thắng Phật.

Không ngừng tiến bộ và luôn cố gắng tốt hơn mỗi ngày, mạnh mẽ đối mặt với mọi khó khăn trong cuộc sống, cuộc đời như vậy mới có nhiều hương vị và ý nghĩa hơn.

Nguồn: DNTT

Vũ Nam tổng hợp.