Nguồn ảnh: Facebook

Văn Hóa

 Khiêm hạ là cái gốc của đức hạnh, kính thuận là chính đạo của Trời Đất

By Đăng Dũng

February 02, 2021

Đạo vợ chồng là điểm khởi đầu của nhân luân, ngàn vạn lần không được xem nhẹ. Người làm chồng nếu như không có phẩm hạnh hiền đức thì sẽ không thể quản thúc được vợ. Vợ nếu như không phải là người hiền huệ thì cũng không thể phụng sự được chồng. Nếu như chồng không thể quản giáo được vợ thì sẽ mất đi sự uy nghiêm. 

Người xưa sau khi sanh hạ con gái ba ngày, đặt con ngủ ở dưới giường, lấy con thoi dệt vải bằng đất nung cho con làm đồ chơi. Sau đó, tắm gội trai giới, đến từ đường tác bạch với tổ tiên về việc hạ sanh trẻ gái.

Để bé gái ngủ ở dưới giường thể hiện rằng phụ nữ phải biết khiêm hạ, đối xử với người khiêm hòa, nhẫn nhường. Để cho bé gái dùng con thoi dệt vải làm đồ chơi vì bé gái đó sau này sẽ là người giữ việc canh cửi, làm những việc lao tác trong gia đình, giữ đạo cần kiệm. 

Vì sao phải cáo trình với tổ tiên? Vào thời xưa, chức phận của phụ nữ là bếp núc, phải chuẩn bị rượu và thức ăn tươm tất sạch sẽ, giúp chồng lo việc tế tự tổ tiên. Ba điều trên là thường đạo của phụ nữ, là cái gốc để lập thân của người nữ, cũng là lời dạy Kinh điển từ xưa đến nay về mặt lễ nghi phép tắc. 

Khiêm nhường với người, chịu thương chịu khó, kế thừa tế tự

Làm phụ nữ thì phải khiêm hạ, nhẫn nhường, đối với người cung kính. Khi gặp việc tốt thì luôn nhường người lên trước, mình lui lại phía sau. Dù bản thân làm điều tốt cũng không được khoe khoang tự mãn, còn làm việc sai thì không được thoái thác trách nhiệm. 

Hàm dưỡng đức nhẫn nhục, không tranh biện với người. Thường giữ tâm kính sợ, dè dặt cẩn thận. Nếu có thể thực hành không mỏi những việc trên thì đã tận đạo nghĩa ti nhược, khiêm nhường rồi vậy.

Phụ nữ nên thức khuya dậy sớm, không vì sự vất vả ngày đêm mà có tâm sợ khó, tự tay chăm sóc lo liệu việc nhà. Dù là việc hệ trọng hay giản đơn cũng đều kiên nhẫn xử lý từ đầu đến cuối. Cẩn thận thâu vén sắp xếp mọi việc cho được chỉnh tề, gọn gàng, sạch sẽ. Nếu có thể thực hành không mỏi, tức đã tận được đạo chuyên cần rồi vậy.

Phụ nữ phải có cử chỉ đoan trang, phẩm hạnh đoan chánh, phụng sự chồng mình. U nhàn trinh tịnh, giữ cho bản thân được thanh tịnh, biết tự trọng, không ăn nói lung tung, cười đùa cợt nhả. Sắm sửa rượu và thức ăn thanh khiết, cùng chồng cúng tế tổ tiên. Nếu có thể thực hành không mỏi điều trên tức đã tận đạo nghĩa kế thừa việc tế tự rồi vậy.

Phụ nữ nếu như có thể làm chu toàn ba điều trên: Khiêm nhường với người, chịu thương chịu khó, kế thừa tế tự thì tiếng thơm sẽ lan tỏa khắp trong ngoài, tiếng xấu không thể đến được nơi thân. Nếu không làm được vẹn toàn ba việc trên thì còn gì là tiếng thơm, tránh sao khỏi sự hổ thẹn bị người chê bỏ.

 Đạo nghĩa vợ chồng

Đạo nghĩa vợ chồng là sự phối hợp âm-dương, cảm ứng thần minh. Đây là đại đạo nghĩa trong trời đất, cũng là đạo lớn trong quan hệ nhân luân. Thế nên chương đầu tiên của sách “Lễ Ký” xem trọng đến sự khác biệt về vai trò giữa nam và nữ. Bài thơ đầu tiên trong “Kinh Thi” là “Quan Thư” cũng ngụ ý rằng vợ chồng nên có quan hệ tình nghĩa như đôi chim Thư Cưu một đời trung thành với nhau. 

Đạo vợ chồng là điểm khởi đầu của nhân luân, ngàn vạn lần không được xem nhẹ. Người làm chồng nếu như không có phẩm hạnh hiền đức thì sẽ không thể quản thúc được vợ. Vợ nếu như không phải là người hiền huệ thì cũng không thể phụng sự được chồng. Nếu như chồng không thể quản giáo được vợ thì sẽ mất đi sự uy nghiêm. 

Vợ nếu như chẳng thể phụng sự chồng thì đạo nghĩa cũng chẳng còn. Tác dụng của hai việc này là như nhau, thiếu đi một thứ cũng không được. Hãy nhìn những bậc quân tử xem trọng đạo đức hiện nay, biết phải quản giáo vợ cho tốt, không thể không giữ oai nghi của người làm chồng. 

Thế nên họ thường xuyên dạy dỗ con trai trong gia đình đọc các sách xưa, Kinh điển, truyện ký. Dùng kinh nghiệm truyền lại trong các Kinh điển mà kiểm điểm lời nói, hành vi, phẩm đức của mình. Nếu như trọng nam khinh nữ, không dùng những đạo lý trong Kinh điển xưa để dạy dỗ con gái thì phụ nữ sẽ không biết phụng sự chồng và lễ nghi chốn khuê môn. Chồng không thể không phụng sự, lễ nghi không thể không tuân giữ. 

Nếu như chỉ dạy con trai mà không dạy con gái, há chẳng phải đã có sự thiên chấp không rõ lý rồi hay sao? Trong sách “Lễ Ký” có nói: “Con trai từ tám tuổi trở đi thì phải dạy chúng đọc tụng Kinh điển, truyện ký, đến mười lăm tuổi thì dạy chúng chuyên chí vào học vấn để thành nhân”. Nếu như có thể giáo dục con trai như thế thì sao không thể dạy dỗ con gái như vậy chứ?

Kính thuận

Một âm một dương là đạo của trời đất, tánh của âm và dương không đồng nhau. Người nam thuộc tính dương, người nữ thuộc tính âm. Hai tính âm-dương không đồng nhau, thế nên phẩm hạnh giữa nam và nữ có sự khác biệt. 

Dương lấy cương làm đức tính của nó. Âm lấy nhu là tướng dụng của mình. Người nam lấy cương cường làm quý, người nữ lấy nhu thuận làm mỹ đức. Thế nên, tục ngữ có câu: “Sanh con trai mạnh mẽ như sói, mà sợ nó nhút nhát nhu nhược. Sanh con gái gan nhỏ như chuột mà sợ nó hung dữ như hổ”

Đạo tu thân của người nữ không gì hơn chữ “kính”. Có thể chung sống với người cang cường mà không xung đột, được lợi ích dài lâu, không gì hơn thực hành chữ “thuận”. Thế nên nói rằng: “Dùng Lễ để hộ vệ chính mình, kính và thuận là hành vi chuẩn tắc quan trọng nhất của phụ nữ, cũng là sự bảo vệ lớn nhất của phụ nữ”.

Kính không có gì khác ngoài việc giữ được bền lâu, thuận không có gì khác ngoài việc có thể khoan dụ. Thế nào là giữ được bền lâu? Chính là biết dừng lại, biết đủ, biết đủ thường vui, an với bổn phận. 

Thế nào là khoan dụ? Chính là biết khoan dung, cung kính, khiêm hạ. Tình yêu thương giữa vợ và chồng phải giữ được cho đến trọn đời. Vợ chồng chung sống với nhau dưới một mái nhà, lâu ngày chầy tháng sự thân mật đùa giỡn thái quá sẽ trở thành tâm khinh mạn. Đã sanh tâm khinh mạn thì ngôn ngữ sẽ thành bất kính. 

Khi lời nói đã bất kính thì hành vi sẽ phóng túng. Hành vi một khi đã phóng túng thì nào tránh khỏi việc xúc phạm chồng. Đây đều do không biết lẽ chừng mực, không biết tri túc an phận, phóng túng do nết cang cường mà ra. 

Sự tình có cong có thẳng, lời nói có đúng có sai. Vì để tranh mình đúng, người sai mà hai bên phát sinh tranh cãi, từ tranh cãi sẽ sinh ra phẫn nộ. Đây là do người nữ không biết kính thuận, khiêm hạ mà nên. 

Tâm khinh mạn, xúc phạm chồng nếu như không tiết chế ắt dẫn đến việc nhiếc móc, trách cứ. Nếu nhiếc móc, trách cứ không thể khống chế được lòng phẫn nộ thì sẽ dùng đến roi, đến gậy. 

Đạo vợ chồng vốn dĩ dùng lễ nghĩa mà chung sống hòa thuận, dùng ân nghĩa mà hòa hợp thân ái. Nếu như dùng đến roi gậy mà đối đãi nhau thì còn chi là lễ nghĩa nữa! Lời nhiếc móc đã thốt ra thì còn gì là ân ái nữa đâu! Nếu không còn lễ nghĩa và ân tình thì vợ chồng ắt sẽ phân ly.

Nguồn: Nuduc

Hằng Tâm