Nguồn ảnh: https://dkn.news/wp-content/uploads/2017/12/557-700x366.jpg

Đời Sống

Khiêm nhường là cái gốc của đạo đức, càng khiêm nhường càng dễ thành công

By Đăng Dũng

July 26, 2021

Cổ nhân có câu “Khiêm giả, đức chi bính dã”, khiêm nhường là cái gốc của đạo đức. Vì khiêm nhường mới có thể giữ đức, kiêu ngạo sẽ mất đức. Duy chỉ có sự khiêm nhu mới được sùng kính, mới làm vẻ vang đức của người ấy. Đức hạnh càng cao thì tấm lòng càng quảng đại, con người cũng ngày càng trở nên cao quý.

Trong cuộc sống, một người nếu không biết hướng nội tìm lỗi sai ở bản thân, mà chỉ chăm chăm nhìn vào khuyết điểm của đối phương thì có thể tự chuốc lấy phiền não. Ngược lại, người có thể luôn dung nhẫn, khiêm nhường, thì sẽ biết nhìn vào sở trường của người khác và nhìn vào khuyết điểm của bản thân.

Có một câu chuyện như thế này: Có một vị thư sinh nọ bước tới chân núi Thái Sơn, nhìn lên hai chữ trên bia đá ở lưng chừng núi, bèn đọc lớn tiếng: “Tần Xuyên” (秦川). Một người nông dân đi ngang qua nghe thấy vậy, bèn vội vàng sửa lại nói: “Tiên sinh à, đây là núi Thái Sơn.”

Vị thư sinh quay đầu lại nhìn người nông dân, rồi lại ngước đầu lên nhìn trên đỉnh núi, bèn nói: “Rõ ràng viết là Tần Xuyên mà!”

Hai người không ai nhường ai, bèn cá cược với nhau tới gần đó tìm một thầy đồ phân định đúng sai.

Ông thầy đồ nhìn người nông dân, rồi lại nhìn vị thư sinh đang cao cao tại thượng kia, sau một thoáng thì nói rành rọt từng chữ: “Là Tần Xuyên!”

Vị thư sinh mừng quýnh, vênh vang đắc ý cầm tiền thắng cược rời đi. Người nông dân lặng người, hỏi ông thầy đồ: “Mặc dù tôi không học hành gì, nhưng rõ ràng chúng ta là người Thái Sơn, từ khi nào lại trở thành người Tần Xuyên vậy?”

“Ông bạn đồng hương à, không sao đâu! Chỉ là 20 đồng, để hắn ta tới núi Thái Sơn mà chẳng biết đó là núi Thái Sơn. Ông thử xem xem, có đáng xẩu hổ không?”, thầy đồ đáp.

Vị thư sinh vì đứng quá gần bia đá, nên khi ngước nhìn hai chữ “Thái Sơn” (泰山) thì những nét chữ phía dưới đã bị che khuất (秦川), từ đó mới đọc thành “Tần Xuyên”. Hoá ra một người khí thế quá thịnh, không đủ khiêm tốn, thì cũng giống như vị thư sinh kia, bị che mắt trước chân lý, cả đời cũng không biết tới núi Thái Sơn. Đây chính là “có mắt mà không thấy núi Thái Sơn” vậy.

Trong cuộc sống, khiêm nhường không phải là hèn nhát, không phải là bạn sai mà khiêm nhường là thể hiện của ý chí kiên cường, biết nhẫn nhịn. Ngược lại một người dù thông minh hơn người nhưng lại không biết khiêm nhường thì thường rất dễ gây ra họa.

Cổ nhân có câu “Tâm cung kính là công đức”, cung kính, khiêm nhường người khác chính là đang tích đức cho mình. Đức tính khiêm nhường không chỉ thành tựu sự nghiệp của biết bao người, mà khi con người càng khiêm tốn bao nhiêu thì sẽ càng cao quý bấy nhiêu. 

Tử Cống từng hỏi Khổng Tử rằng: “Nghèo mà không nịnh nọt, giàu mà không kiêu ngạo, thì thế nào?” 

Khổng Tử đáp: “Rất tốt, nhưng không bằng nghèo mà vui, giàu mà hiếu lễ.”

Đức hạnh của sự khiêm nhường vô cùng rộng lớn, khiêm nhường khiến con người dẫu là làm người hay hành sự đều được người khác thấu hiểu và quan tâm, bản thân lại càng dễ thành công hơn. 

Chân Kiến biên tập