Tương truyền, một vị quan thời Bắc Tống tên Trương Vịnh đã từng chiêm bao thấy một cảnh tượng kỳ lại. Ông mơ thấy mình đến một cung điện ở trên trời có các vị Thần Tiên ngụ tại đó. Khi ông vừa tìm được chỗ ngồi xuống thì có một vị Thần báo một người tên Hoàng Kiêm Tể đã đến” Lúc này một vị Đạo Thần bước xuống chào hỏi Hoàng Kiêm Tể một cách rất tôn trọng. Sau đó mời Hoàng Kiêm Tể ngồi ở vị trí cao hơn của Trương Vịnh.
Sau khi tỉnh dậy, Trương Vịnh vẫn chưa hiểu ra ý nghĩa của giấc mơ này. Nhưng ông cảm thấy có chút khó chịu mà tự hỏi không biết Hoàng Kiêm Tể là ai mà được các vị Thần coi trọng hơn mình. Dù sao ông cũng là vị quan lớn trong triều. Trong đời sống, Trương Vịnh là một quan chính trực. Ông cũng là người nghiêm cẩn, luôn tuân thủ theo luật pháp của triều đình. Sáng hôm sau, Trương Vịnh đi tìm người tên Hoàng Kiêm Tể; nào ngờ hai người đã thật sự được an bài gặp nhau, lúc đó Trương Vịnh rất kinh ngạc khi phát hiện rằng người kia chỉ là một người nông dân bình thường.
Sau khi kể lại giấc mơ của mình, Trương Vịnh hỏi rằng: “Ông hành thiện ra sao để đến mức các vị Thần rất coi trọng ông? Tôi không thấy công việc của ông cho ông nhiều cơ hội để tích được nhiều đức đến thế”. Hoàng Kiêm Tể trả lời: “Tôi thấy mình chưa làm được gì to lớn cả, tôi đơn thuần chỉ chăm sóc đất đai của mình. Tuy nhiên, có lần tôi đã mua một số cây giống với giá bình thường, sau đó tôi không cần dùng nữa nên đã bán nó với giá gốc cho những người nông dân nghèo có vụ mùa không tốt. Chỉ là tôi không kiếm được lời từ thương vụ đó. Tôi cũng không gian lận về trọng lượng của những cây trồng đó. Tôi chỉ thấy vui vì đã không mất một thứ gì mà lại còn giúp đỡ được những người kém may mắn hơn.”
Khi nghe điều này, Trương Vịnh mới hiểu được nguyên do, ông tự thấy mình là người có phẩm hạnh trong chức trách của mình. Nhưng bên cạnh đó, ông luôn nghĩ mình giỏi hơn người khác, cao ngạo trong cách hành xử. Bởi lẽ đó mà ông cũng cảm thấy phiền muộn khi bị coi thường. Trương Vịnh cũng nhận ra ông không vị tha được như Hoàng Kiêm Tể. Người nông dân này đã thực sự suy nghĩ cho người khác mà không màng đến lợi ích của bản thân. Trương Vịnh khiêm tốn nói: “Ông quả thực xứng vị hơn tôi” và cũng bày tỏ lòng kính trọng cao nhất của mình đối với người nông dân đó.
Minh Hoàng biên dịch Theo epochtimes