Có ai đó đã nói rằng: “ Người giàu có không phải là người có nhiều tiền, mà là người cho đi nhiều”. Nếu bạn không thể là mặt trời thì cũng đừng là một đám mây, nếu bạn không thể xây dựng một thành phô, thì hãy xây dựng cho mình một trái tim biết cho đi nồng ấm, cho đi không cần nhớ và nhận lại không thể quên
Cho và nhận đó là một cặp phạm trù của nguyên tắc ứng xử. Tính đối lập nhau của nó đã làm hiện rõ bản chất con người. Đôi khi những điều bạn làm nho nhỏ có thể thay đổi cả cuộc đời của người khác.
Khi chúng ta biết cho đi như thế nào và nhận lúc nào? Câu hỏi ấy khó có lời giải cụ thể vì cuộc sống này thiên biến vạn hóa. Bạn chỉ cần hiểu rằng khi bạn cho đi thì bạn sẽ thấy niềm vui nhân đôi, bạn sẽ thấy ý vị cuộc đời như thế nào khi bạn cảm nhận được niềm vui của người nhận.
Bạn không cần nhớ khi bạn cho ai đó thứ gì, vì cái bạn cho đi sẽ được đổi lại một cảm giác thanh thản yêu thương nhiều hơn, vả lại khi nhận của ai một chút gì dù nhỏ nhất bạn cũng không được quên ơn.
Có một câu chuyện vị giáo sư và chàng sinh viên trẻ:
Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh.
Trên đường đi, hai người bắt gặp một đôi giày cũ nằm giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình.
Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư: “Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi không tìm thấy đôi giày.”
Vị giáo sư ngăn lại: “Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãy đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng ông ta ra sao.”
Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó. Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày.
Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quì xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một mòn quà đúng lúc cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn, người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.
Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: “Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?”
Người thanh niên trả lời: “Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: “Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”. Chàng sinh viên trẻ đã hiểu được một bài học nhân sinh từ vị giáo sư đáng kính của mình. Anh ta đã rơi lệ khi nhìn thấy niềm hạnh phúc lớn lao từ người nông dân kia. Lúc người ta cần nhất chính là lúc món quà mình cho đi có ý nghĩa nhất.
Nếu như hôm đó anh ta hành xử theo cách của mình thì chắc chắn nỗi buồn của người nông dân kia sẽ như thế nào? Đã nghèo lại mất đôi giày dù nó đã rách nát nhưng đó là tài sản quí của anh ta vả lại lúc vợ đang ốm đau lại có người tặng tiền, anh ta không có cách nào khác chỉ biết quì xuống cảm ơn trời đất và đấng tối cao.
Sống trên đời, người ta có thể quên đi lời bạn nói, nhưng những gì bạn để lại trong lòng họ thì sẽ không bao giờ nhạt phai. Người giàu có không phải là người có nhiều tiền, là vì họ cho đi nhiều. Chính sự cho đi nhiều đó lại khiến họ hạnh phúc hơn.
Ngày hôm nay có thể trở thành một ngày đầy sinh lực với bạn và với người khác, nếu bạn bỏ thời gian để trao cho ai đó nụ cười… để nói lên một lời tử tế… để chìa tay ra cho người đang cần giúp đỡ… để viết một lời cảm ơn… để cho đi một lời khuyến khích với người đang cố gắng vượt qua rắc rối… để chia sẻ một phần tài sản vật chất với những người xung quanh. Bạn sẽ thấy hạnh phúc của mình đang nhân lên gấp bội.
Hãy nói lời cảm ơn với những người cần sự giúp đỡ của bạn. Bằng việc chấp nhận sự giúp đỡ của bạn, họ đã nâng cao lòng tự trọng của bạn và giúp bạn thể hiện được đức hạnh của mình. Giúp đỡ người khác còn có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe thể chất và cảm xúc của chính mình.
Hãy nhớ tới những người thân yêu của bạn hai lần bằng sự biết ơn. Điều này sẽ giúp bạn gửi năng lượng yêu thương theo cách của bạn và cũng là một cách để bạn cảm nhận được tình yêu. Cả hai điều này đều vô cùng có ý nghĩa và mang lại cho bạn niềm vui to lớn trong cuộc sống.
Gia An biên tập