Khổng Dung là cháu đời thứ 20 của Khổng Tử, ngay từ khi còn nhỏ đã thấm nhuần đạo lý làm người cần có nhân lễ nghĩa tín, cung kính khiêm nhường, biết nghĩ cho người khác.
Năm Khổng Dung lên 4, một hôm trời nóng như đổ lửa, Khổng Dung đang chơi ngoài sân vườn còn các anh của mình thì đang học trong lớp. Đến lúc nghỉ giải lao vừa hay có một người bạn của cha Khổng Dung đến chơi và xách theo một giỏ Lê sang tặng. Mẹ Khổng Dung bảo Khổng Dung và các anh cậu rửa tay rồi vào ăn Lê cho mát.
Khi các anh em rửa tay xong vào trong nhà, cha Khổng Dung mới bảo Khổng Dung chọn lấy một quả, Khổng Dung không lập tức lấy ăn ngay mà xếp từng quả lên bàn. Cha Khổng Dung nghĩ con mình bỏ ra như vậy để chọn quả ngon nhất để ăn, như vậy thật không tốt nhưng lại ngại vì có khách nên không tiện mắng con.
Sau khi xếp hết Lê ra bàn, Khổng Dung lại chọn quả nhỏ nhất để lấy, còn mấy quả to, chín hơn lại không lấy. Thấy làm lạ nên cha Khổng Dung mới hỏi:
– Tại sao con không chọn quả to chín mà ăn, lại chọn quả nhỏ nhất?
– Thưa cha, con là người nhỏ nhất, nên con chọn quả nhỏ nhất để ăn, còn các quả to thì nên để cho cha mẹ và các anh ăn ạ.
Cha của Khổng Dung nghe con trả lời như vậy thì rất hài lòng, người bạn của cha Khổng Dung chứng kiến mọi việc cũng hết mực cảm phục về đức tính khiêm nhường, biết nghĩ cho người khác của cậu.
Quả nhiên, nhân tâm có thiện ắt thành người tài chí, Khổng Dung sau khi lớn lên làm thái thú quận Bắc Hải, thơ văn của ông nổi tiếng khắp vùng, là một trong bảy danh sỹ thời Hán Hiến Đế.
Biên Tập Thông Lộ