Đời Sống

Không trì triết, nhiếc mắng, người xưa lấy đức độ để cảm hóa người sai

By Đăng Dũng

May 08, 2021

Người xưa khi đối diện với những thói hư tật xấu của người thân, bạn bè đều không dùng lời nhiếc mắng, trì triết. Họ dùng đức độ để cảm hóa người kia, khiến người đang lầm đường tự mình bỏ đi cái xấu, quy về chính đạo.

Hai câu chuyện về người xưa khiến chúng ta suy ngẫm. Một câu chuyện từ Trung Hoa xa xôi, một câu chuyện khác đến từ chính lịch sử Việt Nam.

Xin ly hôn để thức tỉnh chồng

Vào thời Xuân Thu, có một vị tể tướng đức độ tên là Yến Anh. Yến Anh đã làm ra rất nhiều tấm gương tốt, Khổng Tử cũng vô cùng tôn trọng và tán thưởng ông.

Người phu ngựa của Yến Anh chính là người giúp ông đánh xe, hàng ngày đưa ông vào triều. Người phu ngựa mỗi lần gặp ai đều ưỡn ngực ngẩng cao đầu, dáng vẻ đầy cao ngạo. Vì sao ông lại cao ngạo vậy? Vì ông là người đánh xe của tể tướng, ông cũng phải thể hiện một dáng vẻ hơn người. Người ta vẫn bảo “Cáo mà đòi oai như hổ”.

Khi biết chuyện, vợ của người phu xe tìm cách khuyên chồng (Ảnh: baohomnay)

Về sau vợ của người phu ngựa biết được, một ngày bà nói với ông ấy: “Tôi phải bỏ anh, tôi phải đi thôi”. Người phu ngựa liền rất lo lắng, ông hỏi: “Sao lại thế? Vì sao bà lại bỏ tôi vậy?”, bà nói: “Mọi người đều rất kính trọng đức hạnh của ngài Yến Anh, tể tướng Yến Anh vừa đức độ lại vừa khiêm tốn, còn anh thì vốn không có đức hạnh mà lại cao ngạo thế này, cho nên tôi không muốn sống cùng anh, tôi muốn bỏ đi”.

Người phu ngựa nghe được cảm thấy xấu hổ, liền nói với vợ ông: “Tôi nhất định sẽ sửa đổi, bà đừng bỏ tôi nữa”. Vợ ông thực sự cũng rất hiểu biết, lại biết tiến thoái mà khuyên bảo chồng mình. Đương nhiên, chồng bà cũng rất mở lòng tiếp nhận ý kiến của người vợ. Sau này, người phu ngựa này rất nghiêm túc sửa đổi, Yến Anh cảm thấy đức hạnh của ông tiến bộ rất nhanh, liền tiến cử ông làm đại phu của nước Tề.

Giả vờ làm “bạn đểu” để hối thúc bạn tu chí học hành

Lưu Bình, Dương Lễ làm bằng hữu vô cùng thân thiết. Lưu Bình là con nhà giàu, lười biếng, ham chơi nên thi đâu hỏng đó. Dương Lễ biết phận mình nghèo, nên chuyên tâm học hành để lên Kinh ứng thí. Lưu Bình thương bạn nghèo, nên hay cho Dương Lễ tiền mua giấy mực, quần áo, cơm gạo để bạn yên tâm mà học.

Đến kỳ thi, Dương Lễ được vinh danh bảng vàng, trở thành quan lớn, dinh thự có lính hầu. Còn Lưu Bình khi đó lại cờ bạc mất hết tiền của. Hai người bạn như đổi chỗ cho nhau. Khi ấy, Lưu Bình vì thiếu thốn nên tìm đến Dương Lễ hy vọng có thể nhận được sự giúp đỡ.

Không ngờ, khi đến tư gia, Lưu Bình đã phải đợi rất lâu mới gặp được Dương Lễ. Khi gặp, bạn hiền ngày xưa lại tỏ ra lạnh lùng, không muốn tiếp đón. Tới giờ cơm, Lưu Bình than đói, Dương Lễ sai gia nhân mang cơm đựng trong cái bát mẻ, cùng mấy quả cà thiu ra mời bạn. Không những thế, còn bắt bạn ngồi dưới đất mà ăn.

Lưu Bình trở về nhà mà giận tím ruột gan. Tình nghĩa bằng hữu bấy lâu nay sao lại đối xử với nhau như vậy. Lưu Bình vì tức giận mà quyết chuyên tâm học hành, phải thi đỗ, làm quan để cho bạn không thể khinh thường. Nhưng than ôi, gia sản đã bị anh tiêu sạch cả rồi, giờ không có tiền để lo cơm gạo, giấy mực.

Đang lúc túng quẫn, bên cạnh nhà Lưu Bình xuất hiện một thiếu phụ xinh đẹp. Nàng chuyển tới đó sinh sống bằng nghề bán lụa. Lưu Bình làm quen với nàng, lâu dần thành thân thiết. Thiếu phụ xinh đẹp từ đó chăm chỉ dệt lụa bán nuôi Lưu Bình ăn học. Ba năm trời, họ giữ lễ nghĩa với nhau, Lưu Bình hẹn ngày thi đỗ, sẽ về xin nàng làm vợ.

Lưu Bình vinh quy bái tổ (Ảnh: Youtube)

Thế rồi, khoa cử năm đó, Lưu Bình đỗ bảng vàng. Chàng cũng trở thành quan lớn, được vinh quy bái tổ. Về tới nhà, điều chàng muốn làm đầu tiên là báo tin vui lớn với ân nhân của mình. Nhưng, nàng bán lụa đã không còn ở đó.

Lưu Bình buồn bã, nhưng nghĩ tới còn một người cần gặp, chàng đến nhà Dương Lễ. Lần này, trái ngược hẳn với lần trước, Dương Lễ bày tiệc rượu long trọng để thiết đãi bạn hiền. Lưu Bình vẫn mang trong lòng hiềm khích khi xưa. Chàng lấy chuyện cũ ra, tính mỉa mai. Khi ấy, Dương Lễ mới gọi vợ ra để mời rượu bạn.

Khi thấy vợ Dương Lễ, Lưu Bình sửng sốt, hóa ra nàng Châu Long, ân nhân bán lụa ba năm để nuôi mình lại là vợ Dương Lễ. Đến lúc này, Lưu Bình mới hiểu hành động của bạn năm xưa. Dương Lễ muốn ông bỏ thói chơi bời vì sẵn tiền sẵn của, rồi tu chí học hành để thi đỗ, làm quan.

Không cho bạn một xu, nhưng lại gửi cả vợ mình tới để nuôi bạn, Dương Lễ quả là một người bạn chí thiết. Hiểu được tấm lòng bạn, Lưu Bình cảm động đến độ quỳ xuống để cảm tạ ân nghĩa đó. Từ đó về sau hai gia đình Lưu Bình, Dương Lễ càng thêm thân thiết.

Để giúp người sửa sai, điều quan trọng là thấy được cái sai của họ. Thẳng thắn góp ý, hoặc tìm cách giúp người đó nhận ra, tu bỏ cái sai ấy đi. Khi tấm lòng ta thực sự muốn tốt cho người kia, ta sẽ tìm được cách để giúp đỡ hiệu quả nhất.

Huệ Bình biên tập