Nguồn ảnh: Đkn

Văn Hóa

Khổng Tử dạy con và học trò về đạo đức đối nhân và cách hành xử cao đẹp

By Đăng Dũng

July 30, 2021

Khổng Tử suốt đời coi việc truyền bá văn hóa truyền thống là nhiệm vụ của chính mình, ông coi trọng việc giáo dục, cả đời ông luôn tuân theo tôn chỉ “Học nhi bất yêm, hối nhân bất quyện” (Học không ngừng nghỉ, dạy dỗ không mệt mỏi).

Nhan Hồi đã từng nói: “Phu tử tuần tuần nhiên thiện dụ nhân” (Thầy tuần tự mà khéo léo dẫn dắt người). Còn Chu Hy thì nói: “Phu tử giáo nhân, các nhân kỳ tài” (Thầy dạy người ta dựa trên trình độ khác nhau của từng người). Qua những câu chuyện dưới đây có thể thấy Khổng Tử giáo dục học trò ngay cả trong sự giao tiếp thông thường.

1. Đạo đối nhân

Một lần Khổng Tử bàn luận với các đệ tử của mình về đạo đối nhân. Tử Lộ nói: “Người khác dùng thiện ý đối đãi với ta thì ta cũng dùng thiện ý đối đãi với họ; người khác không dùng thiện ý đối đãi với ta thì ta cũng không dùng thiện ý đối đãi với họ.” Khổng Tử đáp: “Đây là cách đối xử của những dân tộc thiểu số không có đạo đức lễ nghĩa.”

Tử Cống nói: “Người khác dùng thiện ý đối đãi ta thì ta cũng dùng thiện ý đối đãi với họ, người khác không dùng thiện ý đối đãi ta thì ta sẽ dẫn dắt họ hướng thiện.” Khổng Tử đáp: “Đây là cách ứng xử giữa bằng hữu với nhau.”

Nhan Hồi nói: “Người khác dùng thiện ý đối đãi với ta thì ta cũng dùng thiện ý đối đãi với họ, người khác không dùng thiện ý đối đãi với ta thì ta cũng dùng thiện ý đối đãi với họ, và hướng dẫn họ hướng thiện.” Khổng Tử đánh giá rằng: “Đây là cách ứng xử nên có giữa những người thân. Nói rộng ra thì thành tâm đối đãi với người trong thiên hạ mới thực sự là hành thiện.”

Lòng từ bi hành thiện của người quân tử là vô điều kiện. Dù cuộc đời đối xử với mình như thế nào thì mình vẫn lấy Thiện đãi người. Khổng Tử luôn dạy học trò những chuẩn tắc đạo đức cao quí.

Người quân tử giúp người mà không so đo tính toán, kẻ tiểu nhân so đo tính toán mà không giúp đỡ người. Người quân tử hòa mình chứ không cùng người khác câu kết, móc ngoặc nhưng kẻ tiểu nhân lại câu kết với người khác mà không hòa mình cho dù bề ngoài thì tưởng như hòa mình với mọi người.

Có ba hạng bạn bè ích lợi và có ba dạng làm bạn nguy hại. Bạn ngay thẳng, bạn trung thực và bạn nghe nhiều học rộng là bạn lợi ích. Bạn làm nhiều bộ tịch, bạn ưu chiều chuộng và gian xảo, nịnh bợ là bạn nguy hiểm.

2. Lời nói khi tiễn biệt

Một lần Tử Lộ đến để cáo biệt Khổng Tử trước khi lên đường đi xa. Khổng Tử nói: “Con muốn ta tặng cho con một chiếc xe hay là tặng cho con vài lời?” Tử Lộ nói: “Xin thầy cho con một vài lời.”

Khổng Tử nói: “Nếu không ngừng nỗ lực vươn lên thì không thể đạt được mục tiêu to lớn; không chăm chỉ làm tốt việc của mình thì không thể có được kết quả tốt; không đối xử chân thành với người khác mà so đo tính toán thì không thể thân cận với người ta; bản thân không coi trọng chữ tín thì không thể mong người khác giữ chữ tín với mình; không chân thành và khiêm tốn với người khác thì không thể phù hợp với lễ nghĩa. Nếu con có thể áp dụng năm điều này trong cách hành xử và làm việc thì có thể làm được lâu dài.” Tử Lộ cảm ơn thầy đã chỉ giáo rồi lên đường.

Dạy trò những phẩm chất tốt đẹp, dạy con mình khi nào cũng đề cao sự tu tâm mình là trên hết: nỗ lực, chăm chỉ, chân thành, khiêm tốn và coi trọng chữ tín. Đó chính là những bảo bối mà Ông đã trao cho học trò, cũng như con ruột của mình, để những điều ấy trở thành hành trang quí giá của mỗi người trong suốt cuộc đời.

Nguồn: minhhue Nhung Nguyễn