Khổng Tử: Làm thế nào để trở thành người quân tử? ( Ảnh: DKN)

Văn Hóa

Khổng Tử: Làm thế nào để trở thành người quân tử?

By Đăng Dũng

September 25, 2020

“Lấy ơn trả ơn, lấy oán trả oán” là cái lý của người bình thường trong cuộc sống xưa nay. Nhưng bậc quân tử, người có đức hạnh cao thượng lại không hành xử như vậy. Chỉ bằng cách đối đãi với ân oán, Khổng Tử dạy hậu nhân bài học làm người quân tử.

Trong “Luận Ngữ. Hiến vấn” ghi chép lại, có người hỏi Khổng Tử: “Dĩ đức báo oán, hà như?” (Tạm dịch: Lấy ân huệ để báo oán thù, có nên không?) Khổng Tử hỏi ngược lại:“Hà dĩ báo đức? Dĩ trực báo oán, báo đức” (Tạm dịch: Thế lấy gì để báo đáp ân huệ? Nên lấy chính trực mà báo oán thù, và lấy ân huệ để đáp lại ân huệ.)

Người có thể “lấy ơn báo oán” là bậc thánh nhân trong thiên hạ. Chỉ những người không “phàm phu tục tử”, các bậc thánh nhân, giác giả như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Chúa Jesus, Lão Tử … mới có thể đạt tới cảnh giới ấy. Khổng Tử cho rằng, khi đối mặt với oán hận, oan khuất mà có thể lấy công bằng, lấy chính trực để báo đáp thì đó là người có đức, là hành vi của người quân tử.

Trong “Luận Ngữ. Ung Dã thiên”, Khổng Tử còn giảng: “Nhân chi sinh dã trực, võng chi sinh dã hạnh nhi miễn” (Tạm dịch: Lẽ sống của con người là phải ngay thẳng, không ngay thẳng mà sống thì ấy là nhờ may mắn mà tránh khỏi tai họa mà thôi).

Người có đức hạnh chính trực mới có thể phân biệt được thị phi, loại bỏ được những suy nghĩ hiểm độc, có thể sống được yên phận, bảo dưỡng được thọ mệnh. Còn người mà rời bỏ chuẩn tắc sống chính trực thì việc không gặp tai họa bất quá chỉ là nhờ may mắn mà thôi. Chính trực không chỉ là tư tưởng của Khổng Tử mà nó còn là nhân tố trọng yếu xuyên suốt trong truyền thống đạo đức của người xưa.

Trong lịch sử, có rất nhiều danh sĩ hiển đạt vì giữ chính trực mà phải trả giá nhưng dù sao đi nữa một điều không thể phủ nhận là “tâm địa quang minh, chính đại” vẫn là lý tưởng đạo đức mà đại đa số con người hướng tới. Đặc biệt, đó cũng là lý niệm mà người quân tử xưa luôn nguyện ý dốc lòng theo đuổi.

Khổng Tử nói: “Quân tử hoài đức”, tức là người quân tử luôn nghĩ đến đạo đức, làm gì cũng đặt đạo đức lên trên hết. Có lẽ, trong cuộc sống đời thường việc thản nhiên ôm giữ một tâm ngay thẳng cũng không phải việc quá khó khăn. Cái khó chính là ở trong hoàn cảnh bần cùng, sống lang bạt mà vẫn có thể giữ được đức hạnh, đạo đức. Khó chính là khó ở chỗ ở vào thời khắc nguy hiểm sống chết mà vẫn có thể giữ được chính trực, không vì sợ hãi mà bị khuất phục.

“Lấy đức báo oán” nghe thì thấy dễ nhưng để làm được thật khó, nhưng vì khó mới hiển lộ rõ ra nhân cách và khí khái cao thượng của người quân tử. Nếu có thể “Lâm đại tiết nhi bất khả đoạt” (trong nguy khốn mà giữ tròn tiết tháo), dùng đại thiện đại nhẫn mà đối mặt với sự bức bách, uy hiếp, giữ được tấm lòng rộng mở, giữ được khí phách chính trực như cây tùng cây bách thì cảnh giới ấy nếu không phải bậc thánh hiền, quân tử thì sẽ không thể đạt tới được.

Có câu nói: “Quân tử hữu sở vi, hữu sở bất vi” (Người quân tử có việc không nên làm có việc tất phải làm). Người quân tử gặp việc, nhất định sẽ biết phân biệt đúng sai, thiện ác, tốt xấu mà lựa chọn việc gì nên làm việc gì không nên làm. Tiêu chuẩn của “nên làm” và “không nên làm” cũng giúp phân biệt được cảnh giới tinh thần của người có đức và người vô đức. Lấy ngay thẳng làm người, lấy đạo lý công bằng để xử thế là nguyên tắc sinh tồn của người có đức thời xưa.

Tuệ An TH