Khám Phá

Kinh dịch học: Vì sao nói trên thân một người đều có một Bát Quái đồ?

By Đăng Dũng

November 27, 2021

Kinh Dịch không phải để xem bói hay đoán biết mệnh vận của bất kỳ ai, bất kỳ điều gì. Đó là hiểu biết rất sơ khai và nông cạn thường thấy khi thế nhân nghiên cứu và sử dụng Kinh Dịch. Vì tâm mong cầu danh lợi và thỏa mãn ích kỷ cá nhân, nên hầu hết đã làm mất đi tinh hoa của Kinh Dịch vốn là lời dạy của Thần dành cho con người.

Kinh Dịch là gì?

“Kinh” có thể hiểu là lời dạy bảo của Thần Phật, Thánh nhân, để điểm hóa cho con người, để con người thông qua sự tu học, khám phá ra bí ẩn của sinh mệnh, khai ngộ và quay trở về, vì cõi trần này vốn luôn được xem là cõi tạm.

“Dịch” không chỉ đơn giản là sự chuyển động và biến hóa của các quẻ. Có thể hiểu “Dịch” là biểu thị cho quá trình phát triển của mọi sinh mệnh, vạn sự vạn vật trong vũ trụ bao la này, từ lúc khởi nguyên cho đến lúc kết thúc; tuần hoàn theo một quy luật trong cái quy luật lớn nhất gồm hết thảy mọi thứ trong vũ trụ – chính là cái mà Lão Tử gọi là Đạo, Phật gọi là Pháp.

Vì các lẽ trên, có thể hiểu rằng Kinh Dịch chính là biểu thị của Đạo trong phạm vi tam giới này, là đạo lý hữu hạn có thể cấp cho con người mà Thần Phật qua đó giảng về sự huyền diệu của sinh mệnh, sự vô tận vĩnh hằng của vũ trụ, và quan trọng nhất là làm thế nào để sống đạt tiêu chuẩn có thể đắc Đạo, có thể quay về.

Kinh Dịch là của Trung Quốc hay của Việt Nam?

Đây là câu hỏi mà rất nhiều học giả đã đưa ra khi nghiên cứu Kinh Dịch, rất nhiều công trình nghiên cứu đã viết về vấn đề này. Mỗi công trình đều cố đưa ra những luận cứ, diễn giải thuyết phục  để chứng minh rằng Kinh Dịch là thuộc về Việt Nam hay Trung Quốc.

Nhưng sự thật không đơn giản như vậy. Theo sự hiểu biết của người viết, Kinh Dịch bắt đầu xuất hiện trước tất cả các nền văn minh trên Trái Đất này.

Nó là một di sản vỡ vụn của một nền văn minh cao cấp cổ xưa, và rải rác khắp nơi trên thế giới còn sót lại sau một thảm họa hủy diệt. Người Maya, người Ai Cập cổ đại, người Khmer, Ấn Độ cổ cũng đều có những phần tri thức tương tự như Kinh Dịch.

Người Trung Hoa và Việt Nam may mắn có được nhiều mảnh vụn hơn mà thôi, và may mắn nhất là Trung Hoa đã sinh ra một Khổng Tử và Chu Công để san định và chú giải Kinh Dịch có hệ thống, nên người ta mới luôn nghĩ rằng Trung Hoa là cái nôi của Kinh Dịch.

Vì sao nói trên thân người có một Bát Quái đồ?

Trong Kinh dịch có Bát quái. 8 quẻ trong Tiên thiên Bát quái bao gồm như sau: CÀN, KHÔN, CHÂN, TÔN, KHÁM, LY, CÂN, ĐÀI

Bát quái là 8 quẻ được sử dụng trong vũ trụ học Đạo giáo, đại diện cho các yếu tố cơ bản của vũ trụ. Mỗi quẻ gồm ba hàng, mỗi hàng là nét rời (được gọi là Hào âm) hoặc nét liền (được gọi là Hào dương), tương ứng đại diện cho âm hoặc dương.

Bát quái có liên quan đến ngũ hành, được các nhà phong thủy và y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng. Bát quái (8 quẻ) bao gồm: Quẻ Càn (hình bát quái ☰), quẻ Khôn (hình bát quái ☷), quẻ Đoài (hình bát quái ☱), quẻ Ly (hình bát quái ☲), quẻ Chấn (hình bát quái ☳), quẻ Tốn (hình bát quái ☴), quẻ Khảm (hình bát quái ☵), quẻ Cấn (hình bát quái ☶).

8 bộ phận của thân thể con người cũng đối ứng với từng quẻ trong Bát quái và được xem là một “Bát quái đồ”.Dựa vào 8 quẻ cũng có thể dự đoán vận mệnh một người vô cùng chính xác.

Dưới đây là diễn giải sơ lược về 8 quẻ:

1. Quẻ càn là đầu

Lấy thân thể con người mà nói, đầu là đại biểu cho quẻ Càn (hình bát quái ☰). Bởi vì Càn là trời, là bên trên, là vua. Càn đại biểu cho sự tôn quý, đại biểu cho người đứng đầu. Đầu của con người là ở nơi cao nhất trong thân thể, là nơi tôn quý nhất. Những từ  như thủ lĩnh, thủ trưởng, đầu não…đều là được dẫn dắt từ bộ phận đầu mà nói lên ý nghĩa. Cho nên, đầu là càn quẻ.

Đầu là đại biểu cho Càn, cho nên luôn phải giữ cho đầu não thanh tỉnh, thì mới dẫn dắt được suy nghĩ của mình đi theo con đường chân chính.

2. Quẻ khôn là Bụng

Khôn (hình bát quái ☷) là bụng. Bụng của con người là nơi chứa đựng rất nhiều bộ phận “lục phủ ngũ tạng”. Khôn trong Bát quái là đại biểu cho mặt đất, nơi có diện tích rộng lớn, có thể nâng đỡ được vạn vật.

Bụng của con người đại biểu cho Khôn quẻ là có ý nhắc nhở con người chúng ta rằng, làm người phải có tấm lòng rộng lớn như đất. Phải có thể nuôi dưỡng, nâng đỡ được vạn vật, phải có thể dung nạp được trăm sông.

3. Quẻ chấn là chân

Quẻ chấn có đặc tính là động, là di chuyển, mà chân là để đi lại. Nét liền (dương hào) là thể hiện cho động, nét đứt (âm hào) là thể hiện cho tĩnh. Hình bát quái của quẻ chấn là (☳), từ trong ra ngoài, nét đầu tiên là nét liền, nét hai và ba là nét đứt, ý nói mọi người muốn đi phải dùng hai chân để bước đi qua lại. Do đó, dùng đặc tính của quẻ chấn để đại biểu cho chân.

4. Quẻ tốn là bắp đùi

Bắp đùi là chỗ có lực nhất của cơ thể con người. Trong Bát quái, trạng thái của quẻ tốn là tham gia, gia nhập, len vào.

Chúng ta muốn đi vào một cảnh giới cao thâm, đi vào một khu vực nào đó thì nhất định phải đầu tư nhiều năng lượng, tinh lực, thể lực. Cho nên dùng đặc tính của quẻ tốn đại biểu cho bắp đùi.

5. Quẻ khảm là tai

Trong thiên nhiên, khảm là nước. Nước ở bên trong thân thể người là đại biểu cho thận mà thận lại khai khiếu (thông suốt) ra tai, cho nên khảm là tai. Hình bát quái của quẻ khảm là “☵”, ở giữa là nét liền (hào dương), bên trên và bên dưới là nét đứt (hào âm), thể hiện ánh sáng trong bóng đêm. Cho nên, khảm cũng đại biểu cho trí huệ, sự thông minh.

Chúng ta thường nói “tai thính, mắt tinh”, ý nói rằng một người có tai minh mẫn, nghe được hiểu rõ, nghe được minh bạch. Người mà trong thận có tràn đầy nước thì sẽ “tai thính mắt tinh”.

6. Quẻ ly là mắt

Quẻ ly đại biểu cho thái dương, có đặc tính soi sáng cho vạn vật ở thế gian con người. Mắt người có thể nhìn được trời đất, vạn vật có hình dạng cho nên quẻ ly là đại biểu cho mắt.

Cũng có ý nhắc nhở con người, dùng đôi mắt của mình để nhìn thật thấu, thật rõ mỗi sự vật sự việc trong thế gian.

7. Quẻ cấn là tay

Quẻ Cấn là đại biểu cho tay. Từ hình bát quái của quẻ Cấn là (☶) phân tích, thấy rằng nét trên cùng là nét liền (hào dương), phía dưới là hai nét đứt (hào âm). Hình dạng của nó giống như một người đang dùng hai tay tập chống đẩy. Vì thế, quẻ cấn đại biểu cho tay.

8. Quẻ đoái là miệng

Trong thiên nhiên, quẻ Đoái là đại biểu cho biển, hồ, là một chỗ hổng của mặt đất bằng phẳng. Lỗ hổng lớn nhất của con người chính là cái miệng.

Đặc tính của quẻ Đoái là vui sướng, dễ chịu. Con người trong lúc vui sướng sẽ thường thường nói không có kiểm soát, nói quá, nói khoa trương. Cho nên, dùng quẻ Đoái để đại biểu cho Miệng.

Đăng Dũng biên tập

Nguồn: dkn