Khi học trò hỏi “Ba nhân tám bằng bao nhiêu?”, Khổng Tử điềm nhiên trả lời: “Bằng 23”. Ẩn sau đó là bài học nhân sinh sâu sắc mà Khổng Tử muốn dạy học trò.
Khổng Tử là nhà tư tưởng, triết học, chính trị lỗi lạc Trung Hoa. Theo ghi chép trong cuốn “Khổng Tử thế gia” của Tư Mã Thiên, Khổng Tử sinh ra ở ấp Trâu, người làng Xương Bình nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Quốc).
Câu chuyện 3 x 8 = 23 đầy tranh cãi
Khổng Tử thường dẫn cùng học trò đi khắp nơi để truyền bá các tư tưởng trung dung và tìm người theo những tư tưởng uyên thâm đó.
Nhan Uyên là một trong số học trò của Khổng Tử. Anh là người thông minh, tốt bụng, ham học hỏi, được Khổng Tử yêu quý.
Một lần, Nhan Uyên trên đường bắt gặp một đám đông ồn ào trước cửa tiệm vải. Anh đến tìm hiểu mới biết đang có tranh cãi giữa người mua và người bán vải.
Người mua quả quyết cho rằng: “Ba nhân tám là 23, sao ông cứ đòi ta 24 đồng?”. Nhan Uyên bèn đến trước mặt người mua, nói: “Vị đại ca này, ba nhân tám là 24, sao có thể là 23 được? Anh tính sai rồi, không nên cãi lộn ầm ĩ nữa”.
Không phục trước lời nói của Nhan Uyên, người mua chỉ thẳng tay vào mặt anh và nói: “Ai cần ngươi phân xử hay sao? Ngươi biết tính toán sao? Muốn phân xử chỉ có cách tìm Khổng Tử, đúng hay sai hãy để ông ấy định đoạt! Đi, ta hãy tìm ông ấy để phân xử!”.
“Được. Nếu Khổng Tử nói anh sai, vậy tính sao đây”, Nhan Uyên hỏi. Người mua nói: “Nếu ta sai, hãy lấy đầu ta. Nhà ngươi sai thì sao?”.
Nhan Uyên trả lời: “Nếu sai, tôi sẽ từ quan”. Hai người đánh cuộc với nhau như thế và cùng đến gặp Khổng Tử.
Nghe câu chuyện, Khổng Tử nói: “3 nhân 8 là 23 đó. Nhan Uyên, con thua rồi, lấy mũ quan xuống đem cho người ta đi”.
Nhan Uyên chưa bao giờ dám cãi lời sư phụ, nghe Khổng Tử nói vậy, anh đành tháo mũ xuống giao cho người mua vải. Trong bụng anh thầm cảm thấy không phục, nghĩ rằng Khổng Tử đã già nên hồ đồ, không muốn theo học ông nữa.
Lời dặn dò của Khổng Tử giúp học trò cứu 3 mạng người
Sau sự việc, Nhan Uyên lấy lý do nhà có việc nên xin nghỉ học. Khổng Tử tuy hiểu rõ tâm tư của học trò nhưng không nói gì, chỉ gật đầu đồng ý.
Ông dặn Nhan Uyên hai câu trước khi từ biệt: “Ngàn năm cổ thụ không náu thân, sát nhân không rõ chớ động thủ”.
Nhan Uyên trên đường về nhà gặp đúng lúc trời sắp mưa to. Gió thổi mạnh, sấm rung chớp giật. Anh tiến đến một cây đại thụ mục rỗng bên ven đường để tránh mưa. Nhưng lúc này anh nhớ lại lời sư phụ đã nói “ngàn năm cổ thụ không náu thân” nên vội tránh xa cái cây này. Anh vừa rời đi thì cây cổ thụ kia bị sét đánh tan.
Nhan Uyên vô cùng kinh ngạc khi thấy câu nói của sư phụ đã linh nghiệm. Anh tự nghĩ trong lòng, chẳng lẽ còn có thể sát nhân sao?
Khi Nhan Uyên về đến nhà thì trời đã khuya. Nhan Uyên dùng bảo kiếm mang theo bên người để đẩy chốt cửa phòng nơi thê tử đang ngủ.
Đến bên giường, Nhan Uyên vô cùng tức giận khi thấy hai người đắp chung chăn, bèn giơ kiếm định chém, lại nghĩ đến câu nói thứ hai của Khổng Tử: “Sát nhân không rõ chớ động thủ”, bèn đốt đèn lên xem, hóa ra một người là thê tử, người kia là muội muội của anh.
Vội vã quay lại khấu lạy tạ ơn thầy
Nhan Uyên sớm hôm sau vội vã quay trở lại gặp sư phụ. Vừa thấy Khổng Tử, anh liền quỳ xuống: “Sư phụ, hai câu người nói đã cứu ba người là con, vợ con và muội muội của con đó. Sao người lại biết trước chuyện sẽ xảy ra vậy?”.
Đỡ học trò đứng dậy, Khổng Tử nói: “Ngày hôm qua thời tiết khô nóng, đoán chừng sẽ có cơn dông, nên ta nhắc nhở con ngàn năm cổ thụ không ai náu thân. Con lại mang khí bực trong người, trên thân đeo bảo kiếm, cho nên ta khuyên con sát nhân không rõ chớ động thủ”.
Nhan Uyên vái lạy thầy, vô cùng kính nể khả năng liệu sự như thần của Khổng Tử. Khổng Tử tiếp tục giảng giải cho học trò: “Ta biết rõ con xin phép về nhà nghỉ là mượn cớ, thật ra cho rằng ta đã già nên hồ đồ rồi, không muốn học nữa. Con nghĩ xem, ta nói 3 nhân 8 bằng 23 là đúng, con thua, bất quá là thua cái mũ quan kia. Nếu ta nói 3 nhân 8 bằng 24 mới đúng, người mua kia thua, đây là một mạng người đó. Vậy con nói xem, chức vị quan trọng hay mạng người quan trọng hơn?”.
Lúc này, Nhan Uyên mới thực sự tỉnh ngộ. Anh quỳ gối trước mặt Khổng Tử nói: “Sư phụ trọng đại nghĩa, coi nhẹ tiểu tiết, đệ tử còn tưởng rằng sư phụ vì lớn tuổi mà thiếu minh mẫn, đệ tử hổ thẹn vạn phần”.
Từ đó về sau, bất luận Khổng Tử đi đến đâu, Nhan Uyên theo đến đó không rời sư phụ nửa bước.
Bài học nhân sinh sâu sắc
Cổ nhân có câu: “Lùi một bước biển rộng trời trong” quả thực không sai chút nào. Kẻ thất phu khi phải chịu nhận sự thua thiệt thường bất mãn, oán giận, tuốt kiếm tranh đấu, giành lấy mối lợi.
Người xưa nói: “Lùi một bước biển rộng trời trong” thực chẳng sai. Kẻ thất phu khi phải chịu nhận sự thua thiệt thường bất mãn, oán giận, tuốt kiếm tranh đấu, giành lấy mối lợi. Nhưng bạn hãy nghĩ thử xem, có phải là đôi khi những điều mất đi còn đáng quý hơn những thứ nhận được?
Đó là khi bạn biết nhẫn nhịn, bao dung người khác, biết lùi một bước nhường họ đi qua, biết chịu thiệt một chút để mọi sự yên ổn, đôi bên cùng giữ hòa khí.
Nếu Nhan Uyên cứ quyết phải thắng lần này, chắc chắn người thua cuộc kia phải trả giá, nặng thì bằng chính tính mạng (người xưa rất giữ lời hứa), nhẹ thì cũng phải chịu một phen bị sỉ nhục, mất hết phẩm giá.
Khổng Tử đã xử lý thật thông minh làm sao! Nhan Uyên thua cuộc, cùng lắm là từ bỏ một cái mũ quan. Người học Đạo chân chính, công danh vốn là chuyện không mấy đặt nặng. Vả lại, nếu Nhan Uyên là vị quan tốt thì triều đình có để ông từ nhiệm một cách… lãng xẹt như vậy không?
Như thế, Khổng Tử đã vừa giữ được thể diện, tính mạng cho người khách lạ kia, lại vừa rèn cho Nhan Uyên tính nhẫn nại, nhường nhịn, không tranh với đời. Chính là một mũi tên mà trúng hai đích vậy!
Bạn thử nghĩ xem, tranh đấu nhau để xem ai cuối cùng thua, ai thắng có được lợi gì cơ chứ? Tranh hơn thua với khách hàng, có thắng cũng chỉ làm mất khách. Tranh hơn thua với ông chủ, có thắng cũng làm mất lòng sếp. Tranh hơn thua với người già, có thắng cũng thành vô lễ. Tranh hơn thua với bạn bè, có thắng cũng mất bạn.
Khi phải đứng trước những lựa chọn quan trọng, hãy duy trì một đầu óc tỉnh táo và một tấm lòng Đại Nhẫn. Người có lòng nhẫn lớn mới làm được việc lớn. Gặp việc chưa xét đoán đã vội nóng giận thì chỉ tổ hỏng việc, mất đi lòng người, lại càng thể hiện ra bạn là người không có hàm dưỡng.
Lá trà nhờ nước sôi mới có thể tỏa ra mùi hương thơm ngát. Sinh mệnh vượt qua bao trắc trở mới để lại tiếng thơm cho đời. Hiểu được điều đó, dù phải chịu khổ đau nhường nào, bạn cũng sẽ luôn biết nói lời cảm ơn cuộc đời này và nhận ra đó mới là hạnh phúc lớn nhất.
Nguồn: dkn
Thái An biên tập