Khám Phá

Kỹ thuật lâm nghiệp cổ xưa của người Nhật: Lấy gỗ không cần chặt cả cây

By Đăng Dũng

April 13, 2021

Với sự thông minh, tỉ mỉ và trân trọng tự nhiên, người dân xứ Phù Tang đã tìm ra một kỹ thuật lâm nghiệp giải quyết một cách tối ưu vấn đề nguyên liệu, đáp ứng cho niềm đam mê kiến trúc từ các nguyên liệu tự nhiên của mình. Đó chính là kỹ thuật Daisugi.

Daisugi là gì?

Khi nhìn vào một cây tuyết tùng được trồng theo kỹ thuật Daisugi, bạn có thể rất ngạc nhiên về hình dạng tương đối kì lạ của nó. Bên dưới là một thân “cây mẹ” to lớn, chắc chắn. Bên trên cây mẹ ấy, hàng chục chồi cây con vươn thẳng đứng, đều tăm tắp. Các thân con hầu như không có cành lá. Chỉ có một nhóm cành lá thẳng đứng được giữ lại trên đầu mỗi chồi cây.

Kỹ thuật lâm nghiệp này được người Nhật tìm ra vào thế kỷ thứ 14. Nó có nhiều nét tương đồng với kỹ thuật Bonsai – tỉa cây cảnh nổi tiếng của Nhật Bản. Tuy nhiên, kỹ thuật này được áp dụng cho các cây gỗ lớn, tuyết tùng chính là một ví dụ điển hình. Các cành của cây mẹ sẽ được tỉa kỹ lưỡng sao cho chỉ có các chồi khỏe mạnh và thẳng nhất được mọc lên. Chúng sẽ được chăm sóc cẩn thận. Mỗi hai đến ba năm người ta sẽ cắt tỉa những chồi cây này một lần, mục đích không để nhánh con nào được mọc ra, và chỉ giữ lại những cành lá trên ngọn. Các chồi to khỏe này sẽ phát triển trở thành những cây tuyết tùng con trong tương lai. Những cây tuyết tùng nhỏ mọc lên sẽ thẳng mảnh, đồng nhất và không có mấu. Sau 20 năm, những chồi non ngày trước đã trở thành những cây tuyết tùng to lớn trên thân của cây mẹ. Những cây con này sẽ được thu hoạch để lấy gỗ hoặc được trồng lại trên mặt đất, để phục vụ cho việc tái sinh rừng. Đó là lý do Daisugi cho phép người Nhật có thể thu hoạch rất nhiều gỗ mà không phải đốn đi bất kì gốc cây lớn nào.

Kỹ thuật Daisugi bắt nguồn từ đâu?

Câu chuyện bắt nguồn từ thế kỷ thứ 15, khi người Nhật đang rất ưa chuộng lối kiến trúc lấy cảm hứng từ tự nhiên có tên sukiya-zukuri (数寄屋造り) – hương vị của sự tinh tế. Phong cách kiến trúc này được áp dụng cho việc xây dựng những ngôi nhà mang phong cách của một ngôi nhà trà, nơi người Nhật thực hiện các nghi lễ trà đạo của mình. Để phù hợp với sự thanh lịch, tĩnh tại của nhà trà, các yêu cầu về kiến trúc trở nên rất khắt khe. Việc xây dựng khi đó yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật chế tác thủ công và chất lượng của nguồn nguyên liệu. Các thanh gỗ được sử dụng trong làm mái nhà và việc trang trí nội thất phải đáp ứng được tiêu chí về tính nghệ thuật và độ bền bỉ : Chúng phải thẳng, nhẵn và chống chịu tốt khi có ảnh hưởng của gió bão.

Một Trà sư nổi tiếng khi ấy đã phát hiện ra gỗ của cây tuyết tùng trong các rừng của vùng Kitayama là loại gỗ thích hợp nhất. Thời bấy giờ việc xây các dinh thự cho tầng lớp chiến binh và quý tộc đã tiêu tốn rất nhiều gỗ tuyết tùng. Các khu rừng của vùng không đáp ứng được nhu cầu lớn về nguyên liệu. Thêm vào đó, địa hình dốc đứng của Kitayma khiến cho việc trồng thêm cây là điều vô cùng khó khăn. Những nhân tố bất lợi này chính là nguyên nhân ra đời của « kỹ thuật trồng cây trên cây » nổi tiếng – Daisugi. Chúng được áp dụng phổ biến trong các cánh rừng của Kitayama thời điểm đó, vì có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề lớn : Hạn chế số gốc chính phải trồng từ đó giải được vấn đề thiếu diện tích trồng rừng, đẩy nhanh thời gian thu hoạch và tăng số lượng gỗ có thể thu hoạch mỗi lần. Nhờ đó, các vấn đề thiếu hụt gỗ đã được hóa giải.

Những con số ấn tượng

Phương pháp trồng rừng truyền thống của Nhật Bản không chỉ đem lại ấn tượng về mặt thị giác với những cây tuyết tùng to lớn, đường kính có thể lên đến 15 m. Nó còn khiến người đời sau ngạc nhiên về sức bền và chất lượng của việc sản xuất gỗ. Một « cây tuyết tùng mẹ » được trồng theo phương pháp Daisugi có thể cho hàng chục cây gỗ con mỗi lần. Những cây mẹ này có thể sản xuất gỗ suốt 200 đến 300 năm trước khi « kiệt sức ».

Đặc biệt chất lượng gỗ của các cây được tròng theo kỹ thuật Daisugi có độ mềm vượt 40% và độ bền bỉ vượt gấp đôi so với gỗ của các cây tuyết tùng thông thường.

Daisugi còn được sử dụng hiện nay ?

Đến thế kỷ thứ 16, nhu cầu về sử dụng gỗ để xây nhà ở Nhật đã giảm mạnh. Vì thế kỹ thuật Daisugi không còn được áp dụng phổ biến. Tuy nhiên chúng vẫn được người Nhật bảo tồn bởi tính thẩm mỹ của nó. Hiện nay người ta có thể bắt gặp các cây lớn được trồng theo kiểu Daisugi trong các sân vườn của người Nhật. Những du khách hoài niệm vẫn có thể tìm được những cây trồng theo kiểu Daisugi hàng trăm năm tuổi trong một số chùa tại Nhật Bản.

Daisugi còn gây ấn tượng mạnh mẽ với người châu Âu. Chúng đã được áp dụng ở các nước này trong việc trồng các loại cây như : thông, tùng để phục vụ việc lấy gỗ dùng trong sản xuất công nghiệp.

 

Biên tập: Huệ Bình