Làm Cha Mẹ

Làm cha mẹ cũng có “phong cách”, bạn thuộc tuýp cha mẹ nào?

By Đăng Dũng

April 14, 2021

Bên cạnh việc tìm hiểu những cách dạy con đa dạng trên thế giới để biết “chúng ta sẽ làm gì với trẻ”, việc nhìn nhận cách “chúng ta đã làm” trong khi giáo dục con cái cũng là rất cần thiết. Việc đánh giá lại hành vi của bản thân sẽ giúp các bậc phụ huynh có được những điều chỉnh phù hợp để nuôi dạy trẻ hiệu quả hơn.

Hiện nay, ở Việt Nam chưa có những nghiên cứu khoa học cụ thể để phân chia phong cách giáo dục con của các bậc phụ huynh. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nghiên cứu một mô hình phương tây được phổ biến rộng rãi về vấn đề này.

Việc phân chia cách phong cách giáo dục con ở các nước phương Tây được xây dựng trên cơ sở các nghiên cứu về tâm lý học. Theo đó, “phong cách giáo dục con” được hiểu là cách mà các bậc phụ huynh đối đãi và tương tác với con trong đời sống hàng ngày; cùng với đó, khái niệm này cũng nhằm định nghĩa môi trường gia đình mà đứa trẻ lớn lên.

“Phong cách giáo dục” theo các nhà nghiên cứu được xác định chủ yếu dựa vào hai tiêu chí: • Mức độ của sự ấm áp, quan tâm và yêu thương mà cha mẹ dành cho con. • Mức độ mà cha mẹ đưa trẻ vào khuôn phép, cũng như những đòi hỏi mà cha mẹ dành cho trẻ. Trên thực tế, cách đối xử với trẻ của các bậc phụ huynh không nhất thiết chỉ nằm trong một phong cách. Có những cha mẹ sẽ kết hợp nhiều kiểu hành xử khác nhau đối với con.

1. Kiểu bố mẹ dân chủ

Tuýp bố mẹ này thường thể hiện sự ấm áp và dành cho trẻ sự lắng nghe, cùng với đó họ cũng không nới lỏng việc giúp trẻ đi vào khuôn phép. Các bố mẹ sẽ đưa ra những nguyên tắc rõ ràng và hợp lý, một khi đã đưa ra nguyên tắc họ sẽ kiên trì việc duy trì chúng cho tới khi trẻ có thể tuân thủ nguyên tắc một cách tự nhiên. Tuy nhiên, các nguyên tắc luôn được các bố mẹ lựa chọn cẩn thận để phù hợp với lứa tuổi và khả năng thực tế của trẻ (dù chúng có thể mới chỉ 2 đến 3 tuổi).

Bố mẹ dân chủ sẽ tôn trọng ý kiến cũng như sở thích của con. Hơn nữa, họ cũng khuyến khích trẻ có thể làm theo ý tưởng của chúng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự yêu thương ấm áp đi kèm với sự khuôn phép sẽ mang đến những kết quả tích cực cho sự phát triển của trẻ. Một em bé có bố mẹ dân chủ thường có khả năng giao tiếp xã hội tốt. Khi một em bé cảm nhận đầy đủ sự yên thương, tin tưởng và an toàn, nó rất dễ trở nên cởi mở với mọi người.

Bên cạnh đó những đứa trẻ trong các gia đình dân chủ vẫn có xu hướng tôn trong các yêu cầu của người lớn và hợp tác với bố mẹ cũng như bạn bè và thầy cô ở trường. Hơn thế, các em bé sẽ có ít nguy cơ gặp phải các vấn đề tâm lý như lo âu hay các vấn đề về hành vi như đối đầu hoặc bạo lực với cha mẹ.

2. Kiểu bố mẹ hay nuông chiều trẻ

Các bố mẹ thuộc phong cách này thường là những người có nhu cầu lớn về tình cảm. Họ luôn lo lắng rằng mình khiến con sợ, con sẽ không yêu thương mình. Đó là lý do tại sao họ luôn tìm cách trở thành « bạn của con » thay vì « là người hướng dẫn con ». Họ có thể đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ, nhưng ngược lại, không có yêu cầu gì ở con mình. Nói cách khác, những đứa trẻ không có quy tắc nào để tuân thủ.

Thông thường việc một người lớn khác cảnh cáo con cái họ bằng thái độ nghiêm khắc sẽ khiến họ không bằng lòng. Khi những đứa trẻ không được đưa vào khuôn phép, chúng sẽ có xu hướng bồn chồn, lo sợ và mất phương hướng vì sự tự do quá lớn mà cha mẹ cho chúng.

Những trẻ em có cha mẹ nuông chiều thường khó có thể làm thành công một việc, vì chúng rất dễ bỏ cuộc. Chúng còn thường bị xem là « thiếu chín chắn », « những ông vua con » và luôn muốn quyết định tất cả. Việc liên tục gặp thất bại và bị nhìn bằng ánh mắt không thiện cảm sẽ khiến những đứa trẻ luôn trong trạng thái « cảm thấy thật tồi tệ ».

3. Kiểu bố mẹ độc đoán

Kiểu phụ huynh này trái ngược với kiểu phụ huynh chiều con. Họ có xu hướng mắng và phạt những đứa trẻ nhưng không đưa ra lời giải thích. Có nhiều trường hợp bố mẹ thể hiện quyền lực của mình trước mặt trẻ để thỏa mãn bản thân, chứ không nhằm mục đích có lợi cho trẻ.

Nhiều ông bố bà mẹ độc đoán sẽ đặt ra những đòi hỏi quá cao so với giai đoạn phát triển đó của trẻ. Những đứa trẻ thường sẽ không hiểu được lý do bố mẹ cấm đoán hay trách mắng chúng. Điều này dẫn tới chúng không tìm thấy bài học cần rút ra. Sự nghiêm khắc không thể phát huy tác dụng giúp trẻ phân biệt tốt xấu, đúng sai trong trường hợp này.

Hơn thế nữa, những đứa trẻ có bố mẹ độc đoán thường tự tin vì những sở thích và tiếng nói của riêng chúng không được bố mẹ để ý. Thêm vào đó, những yêu cầu quá cao của cha mẹ sẽ khiến trẻ luôn ở trạng thái lo âu vì mình không đạt tiêu chuẩn của cha mẹ.

4. Cha mẹ quá bao bọc trẻ Các bậc phụ huynh thuộc tuýp cha mẹ này thường được biết đến với các tên “cha mẹ máy bay trực thăng”, họ lo lắng trong tất cả mọi việc. Với họ, môi trường mà trẻ sống chứa đựng quá nhiều nguy hiểm tiềm ẩn, họ có thói quen tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất.

Đó là lý do, các cha mẹ này sẽ “bay” theo con họ mọi nơi, cố gắng can thiệp nhiều nhất để có thể giúp con tránh được tất cả các việc khó, các việc có thể gây tổn thương, thậm chí họ không muốn con mình trải qua những cảm xúc khó khăn. Các bố mẹ quá bao bọc trẻ sẽ làm thay con rất nhiều việc, lý do họ đưa ra để bảo vệ quan điểm của mình là để tránh con bị hẫng hụt và khó chịu.

Kiểu cư xử này của bố mẹ sẽ khiến trẻ nhìn nhận thế giới là mối nguy hiểm đối với chúng. Điều đó sản sinh ra thái độ lo âu của trẻ. Những đứa trẻ được bố mẹ làm cho mọi thứ sẽ nghĩ rằng, bản thân chúng không thể tự mình làm được các công việc. Hai đặc điểm này đe dọa sự tự lập và tự tin ở trẻ.

5. Kiểu cha mẹ theo chủ nghĩa hoàn hảo

Cha mẹ hoàn hảo quan tâm nhất đến kết quả hành động của con. Dù đó là việc học tập, chơi thể thao hay âm nhạc, họ luôn muốn con đạt kết quả tốt nhất. Đó là lý do, có những cha mẹ bắt trẻ lặp đi lặp lại nhiều lần một điều chúng mới học cho tới khi hài lòng về kết quả.

Cha mẹ hoàn hảo đôi khi quá chú trọng đến những giá trị và không cho trẻ có khoảng thời gian để làm quen. Ví dụ như cha mẹ luôn bắt các bé mới 1 tuổi chào hỏi tất cả mọi người, hay buộc bé phải cho bạn đồ chơi khi chúng chưa sẵn sàng.

Sự yêu cầu quá cao của cha mẹ khiến trẻ chịu áp lực rất lớn. Chúng không biết đối mặt như thế nào với tình huống thất bại. Việc mải mê hiện thực hóa mong ước của bố mẹ khiến trẻ bỏ qua những sở thích và nguồn cảm hứng của riêng mình.

6. Kiểu bố mẹ buông xuôi

Các bố mẹ theo kiểu buông xuôi thường ít sự quan tâm cho con cái, họ buông lơi cả về cảm xúc lẫn sự dẫn dắt trẻ. Có nhiều lý do để giải thích cho hiện tượng này: Có thể những cha mẹ này cũng không nhận được đầy đủ tình thương cũng như sự dạy dỗ trong thời thơ ấu, hoặc họ có những vấn đề cá nhân quá lớn (sự nghiệp quá bận rộn, vấn đề về tâm thần, nghiện ngập, …)

Những đứa trẻ có cha mẹ buông xuôi là những đứa trẻ có nhiều vấn đề nhất về cả thể chất lẫn tinh thần. Không được chăm sóc đúng mức trẻ có thể bị suy nhược cơ thể và chậm phát triển về vận động, ngôn ngữ và trí tuệ.

Tóm lại Việc ghi nhớ vai trò của cha mẹ trong quá trình lựa chọn phương pháp dạy con đặc biệt quan trọng. Để một đứa trẻ phát triển tốt, trở thành một người trưởng thành có nhân cách, cha mẹ cần có thể dẫn dắt, trợ giúp, yêu thương trẻ, đồng thời cũng cần đảm bảo sự nghiêm khắc nhất định để giúp trẻ nhận biết một cách đúng đắn các giá trị trong cuộc sống. Vì thế, các nhà nghiên cứu nhận định rằng, để giúp nuôi dưỡng đứa trẻ tốt nhất, bố mẹ cần tìm được điểm cân bằng giữa yêu thương và nghiêm khắc với trẻ.

 

Biên tập: Huệ Bình Tham khảo: naitreetgrnadir.com