Nguồn ảnh; SOH

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Làm người, cao quý nhất ở hai chữ “chân chính”

By Lan Hòa

July 18, 2021

“Chính’ có hàm nghĩa tức là thành ý chính tâm, tu thân tề gia, không nảy sinh một ý nghĩ tư tâm tư lợi nào, “Chính” là miệng không nói lời tà, mắt không nhìn thứ tà, tai không nghe điều tà, chân không đi đường tà, chính khí đầy đủ, tà ma tự tránh xa. Đây cũng chính là cái mà người xưa gọi là “Nhất chính áp bách tà”.

“Chân chính” là tiêu chuẩn đo lường phẩm đức và nhân cách làm người., ví như “làm người chân chính’, ‘hành xử chân chính’, ‘kinh doanh chân chính’, “suy nghĩ chân chính” v.v… Vậy thế nào là “chân chính”, “chân chính” rốt cuộc là gì?

Theo Thuyết Văn Giải Tự: “Chính (正) có nghĩa là đúng, phải”. Về kết cấu chữ nghĩa, trong ‘Thuyết Văn Giải Tự” viết rằng: “Chính” gồm chữ Chỉ (止), có nghĩa là dừng lại, dừng lại giữ 1 thứ duy nhất.

“Chính” là ngay thẳng không cong vẹo (Nguyên văn: “Vị phương trực bất khúc”); và: “Chính giữa gọi là Chính” (Nguyên văn: “Chính trung viết chính”). Bởi vậy, “Chính” có nghĩa là thành ý chính tâm, tu thân tề gia, không nảy sinh một ý nghĩ tư tâm tư lợi nào, không có một chút tâm “cong vẹo” nào.

Làm được, giữ được Chính rất khó, vì chính chỉ có một ở chính giữa, là thứ mà đạt đến thì cố thủ giữ gìn suốt cuộc đời, không gì lay chuyển nổi, bởi vì chính là “dừng lại, dừng lại giữ một thứ duy nhất”, cũng có nghĩa là giữ Chính Đạo vậy. Thế nên, chỉ hơi nghiêng lệch, sai vẹo đi là bất chính rồi, chỉ cần thay đổi một chút Chính Đạo đã là bất chính rồi.

Vì thế Mạnh tử nói về người quân tử giữ chính đạo thì; “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” nghĩa tức là, giàu sang không làm cho dâm dật, buông thả; nghèo hèn không làm thay đổi chí hướng; quyền uy không thể làm cho khuất phục”.. Khổng tử cũng từng bàn về Chính Đạo rằng: “Triêu văn Đạo, tịch tử khả hĩ” có hàm ý rằng: Sáng nghe Chính Đạo, tối có chết cũng cam lòng.

Cao tăng Huệ Năng vì để khảo nghiệm huệ căn, căn cơ của rất nhiều tăng lữ trong chùa nên đã cho tu sửa pháp tượng Đạt Ma rất trang nghiêm trên đỉnh núi Phi Lai, và truyền lời rằng, trong các đồ đệ của chùa, ai có thể quang minh chính đại chạm tới huệ nhãn của Sư Tổ, người đó sẽ là người được truyền thừa y bát.

Các hòa thượng trong chùa nghe thấy liền âm thầm bàn luận sôi nổi, vì sao trưởng lão trụ trì muốn tu sửa tượng Đạt Ma, phải chăng là vì để chuẩn bị cho tương lai, ai có thể chạm được với huệ nhãn của sư tổ sẽ là người được kế vị chức trụ trì chùa. Người ta cũng bàn tán rằng, con đường lên đỉnh núi rất gập ghềnh khó đi, thậm chí có không ít các cao tăng đã viên tịch trên đường lên đỉnh núi. Có thể thấy rằng đường lên núi phải trải qua vô vàn khó khăn, nguy hiểm.

Trong chùa có một vị tăng nhân sớm đã dò ra lối đi tắt lên đỉnh núi, đi theo theo hướng đường tắt này, có thể rút ngắn đi một nửa chặng đường, thời gian đi đến đỉnh núi cũng nhanh hơn rất nhiều. Còn có những tăng nhân tập hợp thành nhóm đi lên theo con đường lớn bằng phẳng phía sau núi, chặng đường tuy dài nhưng bằng phẳng không có trở ngại nào.

Chỉ có một tăng nhân tên là Tâm Thiền đã quyết định đi lên đỉnh núi bằng con đường chính phía trước. Con đường chính lên đỉnh núi Phi Lai, thế núi dốc đứng, đường quanh co khúc khuỷu, đầy các bụi cây gai góc. Tâm Thiền từng bước từng bước gian nan trèo lên, vượt qua mọi chông gai, đổ không biết bao nhiêu mồ hồi và cả máu.

Lên đến đỉnh núi, Tâm Thiền thấy rằng rất đông các sư huynh sư đệ đã đến trước đứng trước tượng phật Đạt Ma thân vàng, họ đang chăm chú nhìn Tâm Thiền lững thững đến muộn.

Tâm Thiền cũng không cảm thấy xấu hổ, chầm chậm bước lên tượng Phật chạm vào huệ nhãn.

Ngay lúc này, cao tăng Huệ Năng bước ra tuyên bố Tâm Thiền có đủ huệ căn, có thể được truyền thừa y bát và quyết định truyền lại vị trí trụ trì trong tương lai cho Tâm Thiền. Chúng tăng nghe thấy vô cùng kinh ngạc, một số tăng nhân phàn nàn: “Tâm Thiền đến muộn nhất, phương pháp cứng nhắc, có thể nói không khôn ngoan chút nào. Vị trí trụ trì ấy sao có thể để anh ta ngồi được?”

Tuy nhiên, Huệ Năng nói: “Đời người trong giới tu hành, quí là ở hai chữ ngay chính. Lời nói cần phải ngay chính, suy nghĩ cần phải ngay chính, hành vi cần phải ngay chính. Mọi người đều đi đường tắt, chỉ có Tâm Thiền theo đường chính diện từng bước từng bước leo lên; mọi người đều đi theo đường lớn, chỉ có Tâm Thiền đi trong gai góc, cam chịu đổ mồ hôi và máu. Con đường anh ấy đi là con đường của vị Phật chân chính, còn chư vị thì lại không phải. Ta sao có thể giao chùa này cho những người có hành vi bất chính được? Hãy nhớ: Cần phải đi trên con đường chính đạo!”

Mọi người im lặng không nói được gì nữa.

Lời nói cần phải ngay chính, suy nghĩ cần phải ngay chính, hành vi cũng cần phải ngay chính, đó là thước đo và sự tu hành của Phật. Khi đứng trước những lựa chọn trong sự nghiệp hoặc tình cảm của mình, điều mà rất nhiều người nghĩ đến trước hết là tìm cách đi tắt; hơn thế nữa, còn có người đi theo con đường sai lầm. Kì thực, cả hai cách đó đều không phải là hành động sáng suốt. Con người ta sống ra ở đời, cho dù bạn làm bất kỳ việc gì, đều phải từng bước cẩn thận, chắc chắn, tuyệt đối không được chỉ vì cái lợi ích viễn vông trước mắt, cũng không được đầu cơ trục lợi, càng không thể bất chấp mọi thủ đoạn, nếu không sẽ bị lầm đường lạc lối, nhận phải hậu quả đắng cay.

Làm người, cao quý nhất ở hai chữ “chân chính”. Bởi vậy, thời thời khắc khắc cần ghi nhớ trong tâm: Phải đi theo con đường Chính Đạo!

 

Nguồn: Chuyện cổ Phật Gia

Lan Hòa biên tập