Gần như tất cả chúng ta đã trải qua hiệu ứng “đá con mèo” nhưng hiệu ứng này là gì? Đây là một ví dụ. Sau khi bị sếp chỉ trích nặng nề, một người đàn ông về nhà và thấy con mình đang nhảy nhót trên ghế nên đã quát mắng. Cậu bé rất bực mình, chạy ra ngoài đá con mèo đang lăn lộn ngoài sân. Con mèo sợ hãi bỏ chạy, chạy ra đường đúng lúc một chiếc xe tải chạy qua. Để tránh con mèo, người lái xe tải đã đâm vào một em nhỏ trên vỉa hè và khiến em bị thương.
Hiệu ứng “đá con mèo” nổi tiếng đề cập đến sự lây lan cảm xúc. Tâm trạng tức giận và tệ hại truyền từ những người cấp cao đến cấp dưới, từ kẻ quyền lực đến kẻ yếu, và cuối cùng là những người dưới đáy – những người dễ bị tổn thương nhất, không có chỗ để trút giận và sau đó trở thành nạn nhân cuối cùng.
Cuộc sống đầy rẫy những người dùng việc “đá con mèo” như một cách để trút giận. Một người chồng bị sếp mắng ở nơi làm việc đã ra tay với vợ con ở nhà. Một người khác đã bị cấp trên phê bình và bị yêu cầu làm lại báo cáo vào buổi sáng đã bày tỏ sự thất vọng của mình đối với một cậu bé giao hàng vào buổi trưa và sau đó đưa ra đánh giá không tốt về một ứng dụng vào cuối ngày.
Những người “đá con mèo” có thể không thành công trong cuộc sống, nhưng một điều chắc chắn là họ luôn tìm thấy những nạn nhân yếu hơn để trút bỏ nỗi thất vọng. Nhà tâm lý học Nandi Nathan của Đại học Michigan đã phát hiện, cuộc đời của một người trung bình có khoảng 30% chất đầy những cảm xúc tồi tệ và chúng thường do những rắc rối nhỏ và đột ngột gây ra. Những cảm xúc tiêu cực này không chỉ ảnh hưởng đến người đó mà còn lây lan sang người khác.
Trong xã hội hiện đại, mọi người đều là một mắt xích trong chuỗi dài của hiệu ứng “đá con mèo”. Khi mức độ cạnh tranh ngày càng tăng trong công việc và cuộc sống, mọi người cảm thấy căng thẳng và dễ bị kích động hơn. Nếu không kịp thời giảm thiểu tác động của yếu tố tiêu cực này, bạn sẽ vô tình vướng vào hiệu ứng “đá con mèo”, bị người khác “đá”, rồi lại “đá” người khác. Theo thời gian, điều này hình thành một vòng luẩn quẩn.
Vậy làm thế nào để dừng hiệu ứng “đá con mèo”?
Kiểm soát cảm xúc của bạn
Cảm xúc dễ chịu tạo ra một tư duy lành mạnh trong mỗi người và góp phần tạo ra một bầu không khí vui vẻ, thoải mái, ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh. Trong khi những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như buồn chán, trầm cảm và tức giận, tạo ra một bầu không khí căng thẳng và rắc rối, lây lan sang gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Giống như một viên đá nhỏ được ném vào mặt nước phẳng lặng, những gợn sóng mà nó tạo ra sẽ lan rất xa. Ô nhiễm cảm xúc có thể giống như một căn bệnh lây nhiễm cho cộng đồng.
Do đó, khi mọi chuyện không như ý, trước tiên bạn hãy bình tĩnh, đặt mình vào vị trí của người khác và cố gắng suy nghĩ khác. Sau đó, bạn có thể nhìn nhận tình hình một cách hợp lý và những cảm xúc đau khổ đó có thể được chuyển hóa và giải quyết, tránh được nhiều phản ứng khó chịu có thể xảy ra.
Ba cách để điều chỉnh cảm xúc của bạn
1. Luôn lạc quan trong thời gian phải nỗ lực
Bất kể khó khăn hay thất bại bạn gặp phải trong cuộc sống, bạn hãy rèn luyện tinh thần lạc quan và tích cực vì mọi việc luôn có giải pháp. Duy trì thái độ lạc quan thường tạo ra những cảm xúc tích cực, sự tự tin và hy vọng cho tương lai. Hãy trân trọng những khía cạnh tích cực của cuộc sống và giúp đỡ những người khác gặp khó khăn ngay cả khi chính mình đang khó khăn có thể làm tăng cảm xúc tích cực và giúp bạn củng cố niềm tin này.
2. Xả bỏ cảm giác tồi tệ một cách thích hợp
Tâm sự nỗi buồn và băn khoăn của bạn với ai đó giúp bạn loại bỏ lo lắng và phiền muộn trong tâm trí và có thể giúp bạn đạt được sự thanh thản trong tâm hồn. Điều này cũng có lợi cho sức khỏe tinh thần của bạn.
3. Duy trì sự căng thẳng và nhiệt tình tích cực
Căng thẳng tích cực là điều cần thiết trong cuộc sống. Nó giúp chúng ta tập trung và có động lực, thúc đẩy chúng ta làm việc theo mục tiêu và cảm thấy hài lòng với cuộc sống. Bước ra ngoài vùng an toàn của bạn bằng cách đảm nhận một trách nhiệm mới hoặc phát triển một kỹ năng mới. Bạn hãy đặt mục tiêu (cá nhân và nghề nghiệp) vừa thách thức vừa thực tế và theo dõi sự tiến bộ của bản thân để biết cách tự chịu trách nhiệm với bản thân.
Thanh Tú biên tập
Nguồn: Nspirement