Nguồn ảnh: webtretho

Cuộc Sống 4 Phương

Lấy chồng Hàn Quốc, cô gái áp lực vì mẹ đẻ đòi gửi tiền suốt: Đang nằm viện cũng bị hỏi tiền

By Đăng Dũng

October 30, 2021

Giây phút nằm viện, cô con gái vẫn phải vắt óc suy nghĩ làm cách nào có tiền để gửi về Việt Nam. Cô tủi thân không biết liệu gia đình có thương mình không.

Chẳng biết từ bao giờ, nhiều người định cư, đi làm hoặc kết hôn ở nước ngoài phải lãnh trách nhiệm gửi tiền, quà cáp về cho gia đình. Dù cực khổ thế nào, hàng tháng hàng năm vẫn phải có chút đỉnh quà cáp hoặc tiền bạc chuyển về. Bởi trong mắt người thân, họ có cuộc sống xa hoa đủ đầy. Gửi ít thì bị chê, gửi nhiều thì lực bất tòng tâm không có khả năng. Bởi vậy tha hương cầu thực nhiều khi không đáng sợ mà điều đáng sợ nhất chính là những lời săm soi, bào mòn sức lao động từ chính những người thân yêu.

Mới đây, có cô gái đi lấy chồng Hàn đã viết bài tâm sự trên mạng xã hội về việc cô hết sức khổ tâm khi người thân ở quê nhà liên tục gọi điện vòi tiền. Đã rất nhiều lần chị gửi về nhưng không bao giờ đủ. Ở Hàn, chị oằn mình kiếm tiền trang trải cuộc sống riêng và chắt chiu gửi về cho gia đình. Tâm trí, sức lực chị dành hết cho việc kiếm tiền, được đồng nào là gửi về quê mua thuốc thang cho cha, nuôi mẹ và vợ chồng em trai. Nỗi khổ của chị không ai thấu, những cuộc điện thoại từ người thân chỉ quan tâm đến tiền và tiền.

“Con giờ không còn đồng bạc nào trong người…

Đừng nghĩ con không than thở là con có tiền. Mẹ cưng con trai, con dâu luôn tìm những lý do xin tiền để bao cả tiền ăn tiền sinh hoạt chung trong nhà hàng tháng. 

Cứ mỗi lần điện về vui vẻ chút là nói đến chuyện tiền bạc. Con bên này đầu tắt mặt tối, bệnh không dám nghỉ đi viện, thậm chí khi nằm trong bệnh viện cũng xin tiền. Thương con với chứ con cũng là con của mẹ mà!

Gia đình em ở nhà cha đang bệnh, hàng tháng em đều phải lo tiền thuốc gửi về thêm cả tiền ăn nữa các chị à, nhưng mẹ em cưng con trai con dâu luôn tìm lý do để xin bao ăn sinh hoạt chung luôn trong nhà”.

Chị cho biết, tình hình dịch bệnh tại quê nhà làm mọi người không có việc làm, chị trở thành lao động chính dù đang ở Hàn Quốc. Em trai và em dâu suốt ngày ở nhà, còn mẹ gọi điện thoại sang than thở làm chị phải chuyển tiền về mà chẳng bao giờ thấy đủ.

“Mấy tháng nay bên Việt Nam dịch bệnh hoàn toàn phụ thuộc vào em, lúc nào cũng tiền tiền. Quá áp lực các chị ơi, nghĩ nếu không có mình sẽ sống sao đây? Nhưng đâu có biết bên này tiền thuê nhà, tiền ga , điện nước, tiền điện thoại hàng tháng, tiền vô bảo hiểm hàng tháng, tiền cho con cái bên này. Mỗi lần vô tiền bảo hiểm xe lại phải vay mượn. Tiền hàng tháng gửi về tiền thuốc cho cha và tiền ăn là khoảng 600.000 KRW rồi, còn xin linh tinh nữa. Mà đợt này người Việt mình bên này đang bị nhiễm nhiều, chỗ em còn phải cách ly nữa. Con trai con dâu ở nhà thì chẳng làm gì cả chơi hoài…

Có chị mới sang con đang nhỏ không đi làm được, chồng chỉ cho tiền tiêu vặt hàng tháng mà gia đình bên Việt Nam cũng xin tiền hoài, không đi làm chồng cho vài trăm chỉ để mua sắm đồ dùng cá nhân dư tý nào thì gửi về cho, chứ tiền đâu ra mà có. Ở nhà lướt fb thấy mấy chị khoe tiền, vàng chắc trong đầu mặc định nghĩ là lấy chồng Hàn đều nhiều tiền…”.

Tiền bạc gửi về suốt nhiều năm qua chưa bao giờ là đủ. Ảnh Gia đình đa văn hóa

Bức ảnh chị nằm trong bệnh viện nhưng tâm trí luôn nghĩ đến tiền gửi về quê làm bao người xúc động. Bài đăng nhận được hàng trăm lời bình luận chia sẻ và động viên chị cố gắng giữ gìn sức khỏe. Đồng thời, cư dân mạng còn khuyên chị nên ích kỷ một chút, nghĩ đến bản thân mình nhiều hơn chứ đừng gửi tiền một cách vô tội vạ về cho gia đình nữa. Vì đối với những người tham ăn nhác làm thì chị có gửi cả núi tiền cũng không bao giờ là đủ.

Sao bạn không nói thẳng với gia đình bạn luôn. Cần thì cần, không cần thì thôi. Mình cũng là con người, mình còn phải lo cuộc sống cho con mình nữa. Bố mẹ ở nhà cần tiền thì bán đất đi không bán nhà đi tự mà lo, mình giúp được trong khả năng của mình thôi, không con cái mình lấy gì sống. Gia đình bạn quá ỷ lại vào bạn nên thế đấy.

– Lấy chồng rồi, giúp được gì thì giúp chứ, không thì thôi. Anh em phận ai người đó lo chứ, bạn cố gồng gánh thì chịu chứ sao giờ. Còn bố mẹ thì thi thoảng chu cấp cho ông bà thoải mái có gì đâu.

– Sống cho bản thân trước đi chị ơi. Biết là ba mẹ là mình phải trả hiếu nhưng mà cũng tùy hoàn cảnh chứ bên đây giàu có dư cho không nói, thiếu túng mà còn lo bên Việt Nam nữa là áp lực lắm..

– Cố gắng lên chị, trả hiếu hết sức thôi chứ đừng quá sức. Hãy sống vì bản thân nữa. Ai nói gì mặc ai. Nhiều khi phải sống lạnh lùng 1 tí. Chị quy định 1 tháng bao nhiêu thôi, xin cũng không cho thêm, chị cho thêm là bên Việt Nam nghĩ chị còn tiền. Cố gắng lên nha.

Để có tiền gửi về quê, họ phải làm việc đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Ảnh minh họa, Xuất khẩu lao động

Đồng thời, câu chuyện của chị cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều người. Qua xứ người làm việc, tiền kiếm được có giới hạn nhưng đâu phải ai cũng được gia đình yêu thương và thấu hiểu:

– Nỗi buồn chung, mỗi lần về lại nói chuyện nhà này có con cũng làm ở Hàn mà xây cho ba mẹ cái nhà to nhất xóm, nào là nhà kia con gái xây cho ba mẹ nhà bao nhiêu tỷ .

– Áp lực đè nặng lên hai vai. Nhiều khi ước hay mình ở Việt nam lấy chồng cho xong, khỏi phải mang cái mác Việt kiều. Có tiền mới dám gọi về, nhiều khi không tiền không dám nghe điện thoại ở nhà gọi lại nữa.

– Lúc chưa sang Hàn thì suy nghĩ đơn giản: Tháng ít nhất cũng kiếm được 30 triệu. Mỗi tháng gửi về cho bố mẹ 5 triệu để bố mẹ khỏi vất vả nữa. Thế nhưng sang rồi mới thấy đồng tiền nó quý thế nào. Không tiết kiệm thì có ở cả đời không dư được ít vốn. Chỉ muốn tiết kiệm để nhanh được về. Mỗi lần mua sắm cho mình chưa quá 100kw. Cũng chưa gửi được cho bố mẹ đồng nào hết.

– Tui cho 1 lần 5-7 ngàn đô còn chê ít nè, thậm chí đăng lên Facebook nói luôn. Bạn muốn không khổ thì đừng liên lạc nữa. Còn không thì khổ dài dài.

Nguồn ảnh: Bức thư của một cô gái xuất khẩu lao động sang Nhật. Ảnh Du học Điều dưỡng Nhật Bản

Chúng ta thường nói, gia đình là nơi bình yên nhất để mỗi người con trở về. Dù ngoài kia có bão giông thì mọi thứ cũng sẽ dừng lại sau cánh cửa gia đình. Thế nhưng thực tế có biết bao người khóc nghẹn vì gia đình không hạnh phúc, hoặc bản thân họ chỉ bị xem là công cụ kiếm tiền nuôi các thành viên còn lại. Nếu bạn được gia đình yêu thương thì xin chúc mừng vì bạn may mắn, còn ngược lại thì phải cố gắng tự lực cánh sinh, tự nuôi mình và nuôi cả nhà mà chẳng hề nhận được sự dịu dàng yêu thương.

Tâm sự của cô gái trên đây cũng nói lên biết bao nỗi lòng của những người con xa xứ. Ở tại Việt Nam, con cái đi làm gửi tiền về nhà báo hiếu nhưng có nhiều trường hợp bố mẹ liên tục hối thúc gửi tiền về và có bao nhiêu là tiêu sạch. Dẫu biết con cái phải có trách nhiệm lo lắng, phụng dưỡng bố mẹ nhưng sức người có hạn, đi làm kiếm được đồng lương cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt, bố mẹ, gia đình đâu có thấu hiểu.

Hãy nói rõ với gia đình, bố mẹ về tính chất công việc, cuộc sống của bạn nơi đất khách để gia đình hiểu rõ và thông cảm cho bạn hơn. Đồng thời, gửi tiền về cũng nên có kế hoạch, có hạn mức nhất định để tránh việc bị bòn rút, đòi hỏi. Không nên dễ dãi trong việc gửi tiền vì càng làm như vậy bạn sẽ càng bị coi thường và càng ngày sẽ càng bị lợi dụng nhiều hơn. Đừng để bản trở thành công cụ kiếm tiền của cả gia đình.

Sống ở đời nên học cách yêu thương bản thân mình, lo được cho mình đường hoàng đi đã rồi hẵng tính đến chuyện lo cho người khác. Đấy mới là phương án bền vững và lâu dài.

Đăng Dũng biên tập

Nguồn: webtretho