Đem khổ đau cho người khác, cầu an vui cho mình, đó là chuyện không nên làm, là tự hại mình càng ràng buộc trong hận thù, kết thành quả lại thêm khổ đau lâu dài.
Có một câu ngạn ngữ rằng “Quân tử báo thù, mười năm chưa muộn”, câu này nghĩa là một người quân tử muốn báo thù thì cũng không nên vội vàng, mà sẽ luôn chờ có cơ hội để trả thù.
Tuy nhiên câu ngạn ngữ này cũng có mặt không tốt của nó, nếu một người lúc nào cũng ghi tâm khắc cốt oán thù, thể hiện rằng người này vô cùng thâm hiểm, vì vậy điều này không nên áp dụng trong cuộc sống của chúng ta.
Người quân tử không nên là người ghi hận nhớ thù đợi đến 10 năm, mà tốt hơn là nên “lấy đức báo oán”, không ghi nhớ hiềm xích cũ, chuyển thù thành bạn đó mới chính là nghệ thuật sống.
Có một câu chuyện kể lại rằng: Thời chiến quốc, ở nước Lương có một vị đại phu tên gọi Tống Tựu, giữ chức huyện lệnh trong huyện thành ở vùng biên giới của hai nước. Tại biên duyên hai nước, người dân Lương và Sở đều trồng dưa trên những thửa ruộng riêng của mình.
Nông dân nước Lương chịu thương chịu khó, chăm chỉ trồng dưa, tưới nước đúng kỳ hạn, nên dưa sinh trưởng rất tốt. Còn nông dân nước Sở lại thường biếng nhác, rất ít khi tưới nước cho dưa, bởi vậy dưa của họ thường còi cọc thấp bé.
Người Sở thấy vậy đem lòng ganh ghét, nhân lúc trời tối liền đến phá ruộng dưa của người Lương. Sau khi phát hiện, người Lương vô cùng tức giận đến thỉnh cầu Tống Tựu cho phép họ qua giẫm nát ruộng dưa của người Sở.
Tống Tựu nói: “Không thể làm như vậy. Thù hận là căn nguyên của tai họa, kẻ khác hành ác mình cũng hành ác thì đó là cách làm cực đoan. Ta chỉ cho các ngươi một biện pháp, đó là hằng đêm hãy lén tưới nước cho ruộng dưa của người Sở, nhưng đừng để họ biết”.
Người Lương nghe theo lời khuyên của Tống Tựu, cứ đêm xuống lại lặng lẽ tưới nước cho ruộng dưa của người Sở. Nhờ sự giúp đỡ của người Lương, dưa của người Sở cũng ngày càng tươi tốt. Người Sở rất ngạc nhiên nên đã âm thầm điều tra, mới biết hóa ra là do người Lương giúp.
Huyện lệnh nước Sở biết chuyện, vừa kinh ngạc vừa vui sướng, bèn tâu việc này với Sở Vương. Sở Vương nghe xong trong lòng hổ thẹn, tức thì phái sứ giả đến xin lỗi nước Lương. Nhờ sự khéo léo xử trí của Tống Tựu mà hai nước đã giữ được hòa khí.
Những gì Tống Tựu cho người dân nước Sở thấy đó chính là minh chứng cho ý nghĩa của câu “lấy đức báo oán”. Người quân tử không nên ghi nhớ ân oán, mà nên “lấy đức báo oán”, chuyển thù thành bạn đó mới chính là nghệ thuật sống.
Thù hận chính là căn nguyên của mọi tai họa. Vì vô minh chấp ngã nên người đời không thấy sự độc hại của tâm thù hận, do đó khi gặp ai xử tệ với mình, làm mình không vui hoặc gặp việc trái ý nghịch lòng thì ôm lòng hận thù nhưng đâu biết chính tâm hận thù đó chính là làm hại mình mà không hay.
Thí dụ chúng ta ôm hận trong lòng là không vui, mà không vui thì ăn không ngon ngủ không yên. Khi ăn luôn nghĩ tới người làm mình giận nên ăn không ngon; lên giường ngủ mà nghĩ đến kẻ nghịch thì hận ngủ không được.
Hoặc khi đang vui vẻ hớn hở, nghe người đối nghịch với mình gặt hái được thành công hạnh phúc, mọi người khen ngợi là mình liền mất vui, là thấy khổ đến.
Đem khổ đau cho người khác, cầu an vui cho mình, đó là chuyện không nên có, là tự hại mình càng ràng buộc trong hận thù, kết thành đau khổ lâu dài. Bởi vậy không nên ghi nhớ ân oán xưa cũ mà nên lấy “đức báo oán” đó mới là bậc quân tử.
Nguồn: Chanhkien.org
Quy Chân