Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN) tên thật là Doanh Chính, ông là vị vua thứ 36 của nước Tần và cũng là hoàng đế đầu tiên dẹp loạn 6 nước chư hầu để “thống nhất thiên hạ”
Vị Hoàng đế có trong tay tất cả nhưng vẫn muốn trộm mộ người khác
Sau khi thống nhất đất nước, Tần Thủy Hoàng còn có công thực hiện một loạt cải cách như thống nhất chữ viết, đơn vị đo lường, hệ thống giao thông,… Ngoài ra, dưới thời vị hoàng đế này, các công trình vĩ đại được xây dựng không ngừng, chúng ta có thể kể tới như Vạn Lý Trường Thành, nay là một trong những kỳ quan nổi tiếng của Trung Quốc và thế giới.
Mộ Tần Thủy Hoàng đến nay vẫn còn là một bí ẩn với hậu thế. (Ảnh: Baidu).
Tần Thủy Hoàng không chỉ được nhớ tới bởi những công trình nổi tiếng như Vạn Lý Trường Thành kể trên mà còn được hậu thế ngưỡng mộ với lăng mộ có quy mô hoành tráng của mình. Không chỉ là một trong những lăng mộ lớn nhất thế giới, lăng mộ “bất khả xâm phạm” của Tần Thủy Hoàng tới nay vẫn còn là bí ẩn mà nhân loại chưa thể giải thích.
Ngay từ khi đăng cơ, Tần Thủy Hoàng đã bắt đầu xây dựng hoàng lăng của mình. Quá trình xây lăng kéo dài suốt 39 năm. Công trình này đã huy động tới 700.000 nhân công xây dựng trên tổng diện tích là 41.600 m2, tức tương đương với 5 sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế.
Bất ngờ là mặc dù Tần Thủy Hoàng có trong tay binh quyền và sở hữu nhiều công trình ít ai trên đời sánh được nhưng ông vẫn “nhòm ngó” lăng mộ của người khác. Ngôi mộ đó chẳng phải của ai khác mà chính là mộ của Ngô vương Hạp Lư – một nhân tài kiệt xuất thời Xuân Thu chiến quốc, được coi là một trong “Xuân Thu Ngũ Bá”.
Tương truyền, hai năm sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất 6 nước, ông đã bắt đầu đi thăm thú khắp nơi trên đất nước mình. Trên quãng đường từ Từ Châu đến Tô Châu, đột nhiên Tần vương ra lệnh cho quân đội hành quân ngày đêm tới đó ngay lập tức.
Khi quân đội đến Tô Châu, Tần Thủy Hoàng lại lệnh cho họ tập hợp lại để đi… đào tìm mộ của Ngô vương Hạp Lư. Nhưng đào rất lâu cũng không thể tìm ra vị trí cụ thể, sau cùng đành từ bỏ, tay trắng đi về.
Trong sách “Nguyên hòa quận huyện chí” (tiếng Trung: 元和郡县志) do nhà chính trị học, địa lý học thời Đường là Lý Cát Phủ biên soạn, trong đó từng đề: “Tần hoàng tạc sơn dĩ cầu trân dị, mạc tri sở tại” (tạm dịch: Tần vương cho người đào núi tìm kho báu, nhưng tìm không ra).
Mộ của Ngô Vương Hạp Lư có gì khiến Tần Thủy Hoàng thèm khát?
Ngô vương Hạp Lư là một vị quân vương tài trí, mưu lược kiệt xuất thời Xuân Thu chiến quốc, được coi là một trong năm “Xuân Thu Ngũ Bá”. Sau khi Ngô vương Hạp Lư băng hà, con trai ông là Ngô vương Phù Sai đảm nhận việc xây dựng lăng mộ cho cha.
Để cha mình không bị những kẻ trộm mộ quấy nhiễu, Phù Sai đã xây dựng lăng mộ cho Ngô vương Hạp Lư ở dưới lòng hồ Kiếm, núi Hổ Khâu thuộc Tô Châu.
Đầu tiên, huyệt mộ được đào rất sâu, sau khi hạ quan tài xuống rồi mới xả nước để nhấn chìm, che lấp đi phần mộ của Ngô vương Hạp Lư. Phù Sai đã huy động tới một trăm nghìn nhân công và dùng voi để vận chuyển đá, xây dựng suốt ba năm mới hoàn thành công trình này.
Ngô vương Hạp Lư sinh thời rất thích bảo kiếm nên Phù Sai đã cho chôn rất nhiều vàng bạc châu báu và tổng cộng hơn 3.000 thanh bảo kiếm tại nơi này cùng phụ thân mình, trong đó phải kể tên những thanh kiếm nổi tiếng nhất như kiếm Ngư Trường, kiếm Biển Chư… Những thanh bảo kiếm này chính là bảo vật khiến Tần Thủy Hoàng thèm khát đến nỗi phải lao tâm khổ tứ tìm cách đào mộ của Ngô vương.
Thanh bảo kiếm Ngư Trường (Ảnh: Baidu)
Trong sách “Việt Tuyệt Thư” đã ghi: “Mộ của Hạp Lư ở dưới chân núi Hổ Khâu, trong hồ nước rộng sáu mươi bộ, nước sâu một trượng năm thước”. Có thể nói, sử sách đã ghi lại khá đầy đủ và chi tiết về vị trí ngôi mộ của Ngô vương Hạp Lư, nhưng tại sao trong lịch sử biết bao người nổi tiếng muốn đào ngôi mộ này mà lại không tìm thấy?
Hóa ra là do nước của hồ Kiếm quanh năm không cạn, hai bờ xung quanh lại do những khối đá rất to và bằng phẳng tạo nên mà kỹ thuật khai quật thời xưa lại có hạn.
Vào đời nhà Minh, tháng Giêng năm Chính Đức thứ 7, Tô Châu gặp đại hạn, nước trong hồ Kiếm cạn tới mức chưa từng thấy trước đây. Đường Bá Hổ và đại học sĩ Vương Ngạo cùng đến Hổ Khâu đi dạo, đột nhiên phát hiện ra nước trong hồ cạn làm lộ ra một cửa động. Đây rất có thể là lối vào mộ của Ngô vương Hạp Lư. Đường Bá Hổ muốn vào trong xem xét nhưng bị quan lại địa phương ngăn lại nên đành tay không ra về.
Năm 1978, mùa thu năm đó hồ Kiếm cũng cạn nước nên người ta phát hiện ra một hang động hình xương cá. Trong động có ba phiến đá rõ ràng dấu vết gia công của con người. Tuy nhiên, ba phiến đá này lại đóng vai trò như nền móng, bảo vệ ngọn tháp Hổ Khâu phía bên trên.
Hồ Kiếm tại núi Hổ Khâu, Tô Châu (Ảnh: Baidu)
Dù biết đằng sau những phiến đá này rất có thể là lối vào mộ của Ngô vương Hạp Lư, nhưng để bảo vệ tháp Hổ Khâu bên trên thì người ta quyết định không tiếp tục khai quật.
Vì lẽ đó, mộ của Ngô vương Hạp Lư đến nay vẫn còn là một bí ẩn và những giai thoại xung quanh nó sẽ còn tiếp tục lưu truyền hậu thế.
Nguồn: CafeF