Nguồn: NTD

Dạy Con Thông Thái

“Lấy vợ nhìn mẹ, lấy chồng xem cha”: Con cái là tấm gương phản chiếu tính cách của cha mẹ

By Lan Hòa

May 17, 2022

Muốn biết một đứa trẻ như thế nào, chỉ cần nhìn vào cha mẹ chúng. Con cái là những cá thể độc lập, tuy nhiên hành vi của chúng cũng một phần nào đó phản chiếu hình ảnh cha mẹ. Tướng mạo của cha mẹ ẩn chứa tương lai của con cái, khi các bậc phụ huynh quan sát kỹ lưỡng hành vi của trẻ, họ sẽ rất ngạc nhiên khi phát hiện rằng, chúng có nhiều điểm tương tự giống họ.

Một đứa trẻ từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành đều được tiếp nhận giáo dục, định hướng từ gia đình và cha mẹ. Giáo dục gia đình ảnh hưởng trực tiếp tới sự trưởng thành của mỗi người. Giáo dục gia đình luôn là số 1, là xuất phát điểm cho các hình thức giáo dục khác, và cha mẹ luôn là người thầy, người cô đầu tiên trong cuộc đời mỗi người.

Gia đình là trường học, bố mẹ là người thầy đầu tiên của mỗi người

Có 3 nhân tốt ảnh hưởng đến sự phát triển và hình thành nhân cách của một đứa trẻ là: Gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên tác nhân gia đình kiêm luôn một phần của nhà trường và xã hội.

Bố mẹ là “người thầy” đầu tiên của mỗi đứa trẻ ngay trong gia đình. Ngày từ nhỏ, bố mẹ đã dạy con cách tập ăn, tập nói, tập đi, hướng cho con cách ứng xử ở đời, cách đối nhân xử thế và dạy bảo học hành. Một đứa trẻ lớn lên thường bị ảnh hưởng lớn từ bố mẹ về tính cách, sở thích, tri thức và nhân cách.

Nói đến giáo dục gia đình, để đạt được hiệu quả giáo dục thì nền nếp gia phong là vô cùng cần thiết. Nếu gia đình nào không có nề nếp, gia phong thì đứa trẻ lớn lên dễ lệch lạc.

Giáo dục hàng ngày trong mỗi gia đình không có giáo trình hay một tài liệu bất biến. Nhưng chất liệu cuộc sống, kinh nghiệm, sự từng trải, tính cách của bố mẹ… sẽ trở thành những bài học lớn dạy bảo trẻ.

Một đứa trẻ khi nhận được sự giáo dục bài bản, có phương pháp, cách thức tốt từ gia đình chắc chắn sẽ là đứa trẻ tiếp nhận được các hệ thống giáo dục khác ngoài xã hội và nhà trường.

Sự ảnh hưởng trực tiếp của cha mẹ đối với con cái là vô cùng lớn: Trong một gia đình nếu bố mẹ không thuận hòa. Sự cãi vã, nặng lời khiến không khí gia đình ngột ngạt, điều đó cũng ảnh hưởng đến nhân cách của con cái trong gia đình.

Con cái là tấm gương phản chiếu của bố mẹ. Nếu bố mẹ hay nói tục chửi bậy, coi điều đó như chuyện bình thường thì chắc chắn đứa trẻ khi lớn lên sẽ bị nhiễm thói quen, tính cách ấy.

Ngược lại, nếu bố mẹ biết khen ngợi, động viên con trẻ đúng cách chúng sẽ nhập tâm và hình thành nhiều tính cách tích cực.

Con cái được ví như của để dành, tài sản quý giá nhất, hậu vận và tương lai của mỗi người, mỗi gia đình. Một gia đình sẽ buồn nếu không có con cái, nhưng sẽ buồn hơn khi có con nhưng chúng lại hư hỏng không nên người.

Xã hội, nhà trường không thể thay thế giáo dục gia đình

Vai trò của gia đình vẫn là số 1 trong thế chân kiềng nhà trường, gia đình, xã hội. Nếu một chân kiềng nào đó bị gãy thì đều đáng tiếc và khó hiệu quả trong giáo dục. Tuy nhiên, chân kiềng “gia đình” bị gãy thì sự giáo dục càng trở nên khó khăn, thậm chí thất bại.

Trong cuộc sống hiện đại nhiều gia đình bận rộn, thiếu thời gian cho con cái hoặc có quan điểm về vai trò giáo dục bị xem nhẹ. Nhiều phụ huynh xác định cô giáo, bảo mẫu, giúp việc… có thể hỗ trợ hoặc thay thế giáo dục trẻ.

Nếu vì hoàn cảnh khó khăn mà việc chăm sóc giáo dục trẻ trong gia đình bị buông bỏ, thiếu hụt… thì đành phải chấp nhận. Nhưng như vậy những đứa trẻ lớn lên sẽ bị thiệt thòi trên mọi phương diện bởi vai trò giáo dục của bố mẹ không thể thiếu. Cha mẹ phải có sự giáo dục thường xuyên, đều đặn. Giáo dục gia đình không cho phép buông bỏ một khoảng thời gian, sau đó mới bồi đắp.

“Bé không vin, cả gẫy cành” – Đó là bài học cho mỗi gia đình về giáo dục gia đình từ sớm. Khi đã vượt qua khoảng thời gian cần thiết trong giáo dục thì sự can thiệp sau đó là khó khăn và vô ích.

Giáo dục con cái là một con đường chông gai và khó khăn. Một đứa trẻ lớn lên cần được tiếp xúc trải nghiệm với nhiều điều. Cần được nhìn cuộc sống với đúng nghĩa, và có đôi khi cũng phải đối mặt với những khó khăn nghiệt ngã để trẻ trưởng thành.

Lấy vợ thì nhìn mẹ, lấy chồng thì nhìn cha

Có câu: “Lấy vợ nhìn mẹ, lấy chồng xem cha”. Tại sao phải xem mẹ vợ tương lai trước khi cưới vợ, thực ra chính là do tính cách của người con gái trong gia đình phần lớn ảnh hưởng từ mẹ. Cách họ cư xử, nói chuyện và hành động của người mẹ sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến đứa trẻ, do đó, mẹ chính là tấm gương tốt nhất để trẻ học hỏi và noi gương.

Vì vậy, nếu mẹ ở nhà lười biếng và không thích ngăn nắp thì sau này con gái lớn lên cũng sẽ tương tự. Vì ở trong một căn nhà bừa bộn cả ngày nên trong đầu cô con gái sẽ không có khái niệm “ngăn nắp”. Tương tự như vậy, một người cha nhàn rỗi và luôn ngại việc khó thì khó có thể dạy được một người con trai chăm chỉ.

“Lấy vợ thì nhìn mẹ, lấy chồng thì nhìn cha” ý nói về cách ứng xử của con cái trong hôn nhân sau này. Hình thức hôn nhân của cha mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn bạn đời tương lai của con cái và cách vợ chồng hòa hợp. Con gái do người mẹ đảm đang nuôi nấng vững vàng trong hôn nhân thì con cái cũng sẽ ảnh hưởng bởi cách suy nghĩ này.

Tương tự như vậy, nếu người cha trong một gia đình là người gia trưởng, lúc nào cũng để râu và nhìn chằm chằm vào vợ con, không quan tâm đến việc nhà ở nhà thì sau này con trai lấy vợ cũng sẽ không biết phụ vợ làm việc nhà là gì. Lúc này người đàn ông sẽ có suy nghĩ việc nhà là của phụ nữ, “phong thái đại nhân” này ảnh hưởng từ người cha của mình.

Vậy nên ngay từ khi trẻ còn nhỏ, mọi hành động, lời nói của ba mẹ đều phải được cân nhắc thấu đáo vì điều này ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, cuộc sống của trẻ trong tương lai.

 

Lan Hòa biên tập