Đời người suy đi tính lại rồi cũng chỉ có mấy việc: sinh ra lớn lên, thành gia lập nghiệp, sinh con đẻ cái, nuôi con chăm cháu, hết mấy chục năm rồi ra đi… Dù có vàng bạc châu báu cũng phải bỏ lại đằng sau; liệu có bao giờ chúng ta tự hỏi: Ý nghĩa thật sự của đời người rốt cuộc là gì?
Chuyện cổ về Đức Phật và vị Quốc Vương
Trong truyện cổ Phật giáo có chuyện kể rằng, vào thời Đức Phật tại thế, có một Quốc Vương tên là Ða Vị Tả. Một ngày nọ quốc vương muốn thành tâm làm việc thiện; vua có một núi châu báu, rao rằng hễ ai đến xin đều cho bốc một nắm để mang về…
Người người đến xin nhiều vô kể nhưng sau vài ngày mà núi châu báu vẫn chưa vơi. Biết Quốc vương là người có nhiều phước duyên về trước, có thể hóa độ được; Ðức Phật đã dùng phép hóa thân thành một vị Phạm Chí (người tu hành đã ra khỏi vòng trần lụy) đến thăm. Vua rất lấy làm vui mừng, sau khi làm lễ xong, vua hỏi vị Phạm Chí cần dùng gì.
Vị Phạm Chí đáp muốn xin nhà vua châu báu để đổi lấy vật liệu làm nhà. Vua nghe thế thì bày tỏ hoan hỉ, mời người này bốc lấy một nắm.
Phạm Chí bốc một nắm sau đó đi bảy bước rồi lại trở lại trả chỗ cũ. Thấy vậy, Vua tò mò hỏi: “Cớ sao Ngài không lấy?”
Vị Phạm Chí nói: “số châu báu này đủ để làm nhà nhưng về sau còn muốn lấy vợ nên một nắm là không đủ dùng”.
Vua nghe xong lại bảo ông cứ lấy thêm ba nắm nữa.
Vị Phạm Chí bốc ba nắm sau đó đi bảy bước rồi cũng trả số châu báu về chỗ cũ.
Thấy Vua thắc mắc, vị Phạm Chí tiếp lời: “3 nắm châu báu tuy đủ để lấy vợ nhưng sau này còn phải sắm ruộng đất, trâu ngựa, đầy tớ,…tính không đủ, nên thôi không lấy nữa”.
Vua lại tiếp tục đề nghị ông lấy bảy nắm.
Vị Phạm Chí lấy xong, lại đi bảy bước rồi trả về chỗ cũ. Người này giải thích rằng: “nếu lấy bảy nắm thì sau này có con cái lo cưới gả, sắm sửa, lại còn lo đám kỵ, giao tiếp thân nhân… tính ra vẫn không đủ nên không lấy”.
Vua nghe vậy, ngỏ ý cho người này hết châu báu. Nhưng vị Phạm Chí bước lên núi châu báu rồi lại trở xuống không nhận.
Vua nhận ra ý nghĩa thật sự của đời người qua điểm hóa của Đức Phật
Nhà vua thấy rất quái lạ, hỏi rõ ý của vị Phạm Chí, vị này nói rằng:
“Ban đầu chủ đích đến đây là xin Vua nhằm mưu cầu sự sống. Song lại nhận thấy mạng người sống cũng chẳng bao lâu, muôn vật cũng không bền lâu. Dẫu có trong tay cả núi châu báu, chưa chắc đã hài lòng. Lòng tham càng nhiều thì lòng lại mệt nhọc, lại càng phải suy nghĩ thêm. Như vậy thà rằng dứt bỏ dục vọng, tu tâm dưỡng tính, rèn luyện tính tốt cho mình, cho gia đình, cho xã hội… Những điều này đều hướng về mục đích từ bi và đạt sự thăng hoa về trí tuệ”.
Nghe tới đây nhà vua chợt bừng tỉnh ngộ, tâm ý sáng suốt như cầu được nghe Phật Pháp. Sau khi thuyết pháp xong, Đức Phật hiện Phật thân và tỏa ra hào quang rực rỡ; vua và quần thần vui mừng xin thọ ngũ giới (chấp nhận sống đúng năm giới cấm, không vi phạm giới nào), chứng quả Tu Ðà Hoàn.
Người xưa có câu: “Người ta thường sống như thể mình không bao giờ chết, và cuối cùng thì chết đi như thể mình chưa từng sống”. Đời người luôn tất bật chạy theo những việc như thành gia lập thất, sinh con đẻ cái, tích cóp của cải, phát triển sự nghiệp… Rồi quên mất đi ý nghĩa chân chính của đời người cần là những gì.
Trong xã hội ngày nay, hỏi còn mấy ai tự vấn: “Ý nghĩa cuộc đời mình rốt cuộc nằm ở đâu? Nguồn gốc sinh mệnh của mình sinh ra từ đâu và chết rồi sẽ đi về đâu? Làm thế nào để thoát khỏi các kiếp luân hồi?”
Mỗi người chúng ta hãy tự đi tìm câu trả lời cho mình – Khi chưa quá muộn màng!
(Sưu Tầm)