Ảnh: download.vn

Cuộc Sống 4 Phương

Lời thề xuất sinh, Trời cao chứng giám

By Đăng Dũng

August 10, 2021

Lời thì thầm trong nội tâm con người Trời cao có thể nghe thấu, một lời thề khi xuất sinh sẽ được Trời cao ghi lại.

Ở Trung Quốc cổ đại, người ta tin rằng ông Trời là nơi chứng giám cho lời thề của con người, nếu giữ lời thề thì sẽ được phúc báo, còn nếu trái lời thề thì sẽ phải nhận quả báo.

Bị mũi tên xuyên qua tim khi phá vỡ lời thề

Trong “Tùy Đường diễn nghĩa” có một câu chuyện về Tần Quỳnh và người em họ là La Thành, họ phát lời thề sẽ dạy cho nhau những bí quyết võ thuật gia truyền mà không giấu nhau bất kể điều gì.

La Thành thề nếu giấu giếm bất cứ điều gì sẽ bị loạn tiễn xuyên tâm mà chết. Tần Quỳnh thề sẽ bị hộc máu mà chết nếu giấu giếm bất cứ thứ gì.

Nhưng khi La Thành truyền dạy bí thuật cho Tần Quỳnh anh đã không dạy hết toàn bộ tuyệt chiêu cho Tần Quỳnh như lời đã hứa mà đã giấu lại tuyệt chiêu cuối cùng “Hồi Mã Thương” bằng cách cải biến nó đi vì e sợ rằng sẽ bị anh họ đánh bại. Tần Quỳnh cũng vậy, khi Tần Quỳnh dạy cho La Thành, anh cũng đã giấu tuyệt chiêu “Sát Thủ Giản” bằng cách cải biến nó vì lo sợ rằng sẽ bị La Thành đánh bại trong tương lai.

Sau đó, La Thành đã gặp phải tình thế tiến thoái lưỡng nan trong trận chiến với Tô Đinh Phương, và quả thật đã bị loạn tiễn xuyên tâm mà chết. Tần Quỳnh vào những năm cuối đời của mình, trong cuộc tỉ thí phong ấn Nguyên soái với Uất Trì Cung, khi nâng cái đỉnh nặng quá sức nên hộc máu mà chết.

Làm trái lời thề, mù cả hai mắt

Trong sự kiện “Tĩnh Khang Biến” hàng chục nghìn người bao gồm cả Tống Khâm Tông -Triệu Hoàn, cùng các phi tần và quan lại bị quân Kim đánh bại và giải về phương Bắc.

Khi Tống Khâm Tông bị Kim triều bắt, đã ký một thỏa thuận để trả tự do cho Hiển Nhân Hoàng hậu. Trước khi Hoàng hậu rời đi, Tống Khâm Tông nắm tay Hoàng hậu, rơi nước mắt cầu xin: “Khi trở về xin hãy bàn bạc cách cứu thần nhi. Nếu thần nhi thể được về phương Nam, dù có làm Thái Ất Cung cũng thỏa mãn, mà không cần nguyện vọng cao xa nào khác”.

Hiền Nhân Hoàng hậu nói: “Sau khi ta trở về, nếu không nghĩ cách mọi cách cứu bệ hạ thì ta sẽ bị mù đôi mắt”. Sau khi Hoàng hậu Hiền Nhân trở về, đã nói với Tống Cao Tông về việc cứu Khâm Tông trở về, nhưng Tống Cao Tông không có ý định sẽ đón Tống Khâm Tông trở về, nên bà đã thôi không nói thêm nữa.

Cuối cùng, Hoàng hậu Hiền Nhân bị mất thị lực, bà cầu tìm danh y chỗ này chỗ kia để chữa cũng không khỏi. Một hôm có một đạo sĩ đã dùng một cây châm vàng chữa cho bà, mắt trái của bà đã hồi phục. Hoàng hậu vô cùng mừng rỡ, thỉnh cầu Đạo sĩ chữa nốt mắt phải cho bà, nhưng Đạo sĩ nói: “Từ bây giờ Hoàng hậu hãy nhìn mọi thứ bằng một con mắt, còn con mắt kia hãy để bà thực hiện lời thề”.

Phá vỡ lời thề, chết dưới lưỡi cày

Trong “Phong Thần Diễn Nghĩa” hai hoàng tử là Ân Giao và Ân Hồng, tuân theo mệnh lệnh Sư Phụ xuống núi giúp đỡ vua Chu thảo phạt triều Thương.

Trước khi xuống núi Ân Hồng đã thề với Sư Phụ của mình là Xích Tinh Tử rằng: “Nếu đệ tử có ý định khác thì tứ chi của con sẽ trở thành tro tàn”. Ân Giao cũng thề với Sư Phụ của mình là Quảng Thành Tử rằng: “Nếu con thay đổi so với ý định ban đầu, con sẽ chết dưới lưỡi cày”.

Quảng Thành Tử đã giao tất cả bảo vật của mình cho Ân Giao. Sau khi xuống núi, Ân Giao và Ân Hồng đã phản bội lại lời thề với Sư Phụ, quay lại bảo vệ nhà Ân và thảo phạt nhà Chu. Hai Hoàng Tử chỉ đơn giản là thuận miệng nói ra lời thề, chứ không nghĩ rằng sẽ có báo ứng thật sự. Khi bị Thân Công Báo dẫn dụ, bản thân lại là con trai của Trụ Vương nên nghĩ rằng việc phò tá Trụ Vương là lẽ đương nhiên.

Nhưng Ân Hồng đã thật sự bị chết trong Thái Cực Đồ của Lão Tử, tứ chi biến thành tro tàn. Ân Giao cũng bị mấy vị Đại Tiên kẹp trong núi, chết dưới lưỡi cày. Cả hai đều phải hứng chịu quả báo như lời thề đã xuất ra.

Trong “Danh Hiền Tập” có câu rằng: “Nhân gian tư ngữ, thiên văn nhược lôi; ám thất khi tâm, thần mục như điện” nghĩa là chuyện thì thầm ở thế gian, Trời cao nghe rõ như sấm, lét lút làm chuyện xấu, Thần thấu như gương. Trời có thể nghe thấy tiếng nói trong tâm của con người, khi một lời thể được phát ra, lập tức được ghi lại. Đã hứa thì nên thực hiện, phát nguyện thiện lành trời cao luôn bao bọc, phá vỡ lời thề ắt sẽ chiêu mời quả báo.

Con người thời nay, việc phát một lời thề rất dễ dàng, thậm chí trong ngôn ngữ hàng ngày dù có thực hiện lời hứa hay không, điều nói ra có là thật hay không vẫn luôn kèm theo 2 chữ “tôi thề”. Sau khi phát lời thề xong liền để sang một bên, lời thề càng ngày càng không được coi trọng. Nhưng qua những câu truyện trên cho ta thấy rằng: “Không nên xuất lời thề một cách tùy tiện, đã hứa thì cần thực hiện”.

Vũ trụ mênh mông, rộng lớn những điều vượt quá tầm hiểu biết của con người có rất nhiều. Từng lời nói và hành động của con người, dù bạn có quên đi, hay giấu kỹ đến đâu cũng không thể thoát khỏi con mắt của Nhân Quả, đạo Trời xưa nay luôn công bằng. Vậy nên trước khi tuyên thề hãy hiểu rõ ý nghĩa thật sự của lời thề mà mình đã phát ra, đừng nên đem sinh mệnh của mình ra đánh cược một cách tùy tiện.

Nguồn: visiontimesjp.com Mộc Hương biên dịch