Triết gia La mã Marcus Tullius Cicero đã từng nói: “Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác”.
Từ những bài học về lịch sử, truyền thống, đức tin, tín ngưỡng… chúng ta xây dựng được nền tảng giá trị đạo đức, giúp bản thân nhận ra ý nghĩa và mục đích chân chính trong cuộc sống của mình.
Chúng ta không thể tìm kiếm, kiểm soát hay đạt được những tri thức tinh hoa văn hóa nếu chỉ dựa vào khả năng của bản thân. Lòng biết ơn giúp chúng ta dẹp bỏ tính tự cao tự đại và phát huy tinh thần ham học hỏi trong sự khiêm nhường.
Việc duy trì lòng biết ơn còn giúp việc phát triển các đức tính như kiên nhẫn, khiêm tốn, tự chủ… tăng cường tâm trạng phấn chấn, thúc đẩy khả năng phục hồi sức khỏe thể chất, ít gây ra cảm giác mệt mỏi và cải thiện giấc ngủ tốt hơn.
Thực hành lòng biết ơn còn giúp cải thiện lợi ích chung, đem đến sự hài lòng trong công việc, củng cố các mối quan hệ, và khuyến khích những hành vi đẹp như cư xử tử tế, biết quan tâm, giúp đỡ và cho đi.
Hơn nữa, một số nghiên cứu khác nhấn mạnh rằng các tôn giáo trên khắp thế giới đều xem lòng biết ơn là nền tảng của việc hướng tới đời sống tinh thần và tâm linh cao thượng hơn, nâng cao giá trị đạo đức chân chính cho nhân loại.
Chu Tử Trị (1617-1688) là một nhà tư tưởng nổi tiếng của Trung Quốc. Ông đã biên soạn một luận thuyết gồm 506 chữ bao hàm những lời giáo huấn cho hậu thế. Nhiều điều trong luận thuyết của ông đã trở thành những câu châm ngôn được người đời truyền tụng và học tập rộng rãi.
Ông giảng: “Đối với mỗi bát cháo ta húp và mỗi hạt gạo ta ăn, ta phải nhớ về sự khó nhọc của người nông dân trồng nên chúng. Đối với từng mảnh lụa ta mặc và từng sợi chỉ ta dùng, ta phải nghĩ về công lao của những người dệt nên chúng.”
Thường xuyên tâm niệm lòng biết ơn chính là thể hiện của tâm tính lương thiện, và là một quy phạm căn bản để làm người. Những người nào biết hài lòng với cuộc sống của mình sẽ hiểu được ý nghĩa của lòng biết ơn. Khi một người cảm thấy biết ơn từng bông hoa, từng cọng cỏ, từng ngọn núi, và từng ngụm nước, thì cuộc sống của người đó chắc chắn sẽ rất phong phú và đầy ý vị.
Chuyện kể rằng ông Stevens sống ở một thành phố của Mỹ đã làm lập trình viên cho một công ty phần mềm được 8 năm. Ông những tưởng rằng mình sẽ làm ở công ty này đến khi về hưu và kết thúc sự nghiệp. Nhưng bỗng nhiên công ty phá sản. Đứa con thứ ba của Stevens lại vừa mới chào đời, cho nên ông phải tìm việc khác ngay lập tức. Thế mà sau một tháng tìm kiếm, ông vẫn chưa thể tìm được một công việc. Ông không còn kỹ năng nào khác ngoài lập trình.
Cuối cùng, ông đọc trên báo thấy một công ty phần mềm đang tuyển lập trình viên. Nhiều người đã ứng tuyển vào cùng vị trí đó và mức độ cạnh tranh rất gay gắt. Sau khi vượt qua vòng phỏng vấn đầu tiên, một tuần sau công ty yêu cầu ông làm một bài kiểm tra viết. Bằng kiến thức chuyên môn uyên bác của mình, ông đã vượt qua kỳ thi viết một cách dễ dàng. Hai ngày sau, ông được hẹn đến một cuộc phỏng vấn nữa.
Ông rất tự tin khi bước vào buổi phỏng vấn và nghĩ rằng mình sẽ vượt qua vì ông là một lập trình viên rất xuất sắc. Thế nhưng trong suốt buổi hôm ấy, người phỏng vấn không hề hỏi ông một câu hỏi kỹ thuật nào. Thay vào đó, họ hỏi xem ông nghĩ rằng nền công nghiệp phần mềm sẽ phát triển theo hướng nào. Ông chưa từng nghĩ về vấn đề đó trước đây và đã không có câu trả lời thỏa đáng. Vài ngày sau, ông nhận được tin rằng mình không được nhận.
Mặc dù không có được việc làm, nhưng Stevens cho rằng ông đã học được nhiều điều từ quy trình phỏng vấn này. Ông đã quyết định viết thư cám ơn. Ông dành khá nhiều thời gian để viết bức thư, trong đó ông viết: “Tôi xin cám ơn quý công ty đã dành nhân lực và những tài nguyên khác để cho tôi có cơ hội được tham gia kỳ thi viết và phỏng vấn. Dù rằng tôi không được nhận, nhưng thông qua quá trình tuyển dụng này tôi đã học được nhiều điều mới mẻ về nền công nghiệp phần mềm. Xin cám ơn mọi nỗ lực mà quý công ty đã dành cho đơn ứng tuyển của tôi. Xin cám ơn một lần nữa!”
Công ty này chưa từng nhận một lá thư kiểu như vậy bao giờ từ một ứng cử viên bị loại. Bức thư đó đã được truyền từ thấp lên cao, cuối cùng đến tay của vị chủ tịch. Sau khi đọc xong, ông không nói gì cả mà chỉ cất bức thư vào hộc bàn.
Ba tháng sau, vào dịp Giáng Sinh, ông Stevens nhận được một tấm thiệp mừng năm mới rất đẹp. Tấm thiệp được gửi từ công ty mà ông đã gửi thư cám ơn. Trong đó viết: “Gửi ông Stevens, chúng tôi muốn mời ông cùng tham gia với chúng tôi trong kỳ nghỉ Năm Mới”. Thì ra công ty này đang có một đợt tuyển dụng mới và vị chủ tịch của công ty đã nghĩ ngay đến ông Stevens nhờ bức thư của ông.
Công ty phần mềm đó là tập đoàn Microsoft. Sau hơn 12 năm làm việc, ông Stevens đã được thăng chức làm phó chủ tịch tập đoàn.
Dẫu rằng mọi người đều biết lòng biết ơn đối với người khác là một đức tính tốt, nhưng trong một xã hội thực dụng, trong một môi trường mà đồng tiền được xem là vạn năng, thì chúng ta đang lãng quên sự biết ơn của mình, ngay cả khi chúng ta gặp thất bại, cuộc sống vẫn rất sôi động và muôn màu muôn vẻ.
Lòng biết ơn là một cảm xúc từ tận đáy lòng. Nó có thể làm cho tính cách của con người mạnh mẽ hơn. Lòng biết ơn là khởi điểm của hạnh phúc, và cũng là ngọn nguồn của sự tiến bộ. Cũng nhờ lòng biết ơn mà chúng ta trân quý các mối quan hệ tiền duyên và những phúc phận. Thường xuyên duy trì một lòng biết ơn sẽ mang lại lợi ích to lớn không chỉ cho người khác, mà còn cho chính mình.
Một khi cái gốc của văn hóa truyền thống bị lung lay, sẽ ngày càng nhiều người trẻ mất đi cơ hội kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức cao đẹp. Họ dần đánh mất tinh thần biết ơn những cơ hội họ có được, đánh mất thái độ tốt đẹp trong việc vận dụng những kiến thức, trí tuệ và kỹ năng của mình để giúp ích cộng đồng; họ tiếp cận học vấn và truy tầm những cơ hội… không gì ngoài mục đích tìm kiếm danh vọng và lợi ích cho bản thân. Từ đó, nhiều người cho rằng mình vượt trội và xứng đáng hơn những người khác, họ đánh mất sự khiêm nhường.
Khi giá trị bản thân được đặt trên tất cả thì tính tự phụ được nuôi dưỡng, còn người trẻ lớn lên vô ơn với cuộc đời. Điều này đồng nghĩa với sự tụt dốc của đạo đức. Do đó, việc nuôi dưỡng lòng biết ơn chính là đặt định một nền tảng cho sự phát triển nhân cách của con người.
Nguồn: Chánh Kiến Net
Chân Nhiên