Trong vũ trụ bao la này có một chân lý vĩnh hằng mà hết thảy mọi người đều phải chịu sự chi phối của nó, đó chính là luật nhân quả.
Nhân quả tồn tại trong từng suy nghĩ, hành động của chúng ta, làm việc tốt thì được nhân tốt, làm việc xấu thì nhận phải nhân xấu, đó là một quy luật rất công bằng đối với tất cả chúng sinh.
1. Không nên dùng sinh mệnh của người khác làm trò chơi
Có câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một đứa bé bị đau cổ họng phải ở nhà không được đi chơi. Cậu bé ngồi một mình thấy buồn nên bày trò chơi bẫy ruồi. Chú dùng một cái lọ bằng nước sốt dụ bầy ruồi khiến chúng bay vào ăn, lúc đó chú rình và bịt kín lọ ấy lại.
Tiếp theo, chú dùng que diêm ngậm vào miệng cho ướt rồi quẹt lửa, làm như vậy mới có nhiều khói. Sau đó đưa diêm quẹt cháy đầy khói vào trong lọ ý muốn tạo một phòng hơi ngạt. Thế là những con ruồi ham ăn vô phước bay vào lọ kia vừa bị nhốt kín, vừa bị hơi ngạt nên phải chết.
Khi chúng sắp chết lại phát lên tiếng kêu lép bép, lép bép. Chú bé thích vì nghe vui tai. Người chị của chú thấy mới rầy: “Em chơi như vậy là ác”. Chú đáp là: “Không có đau đớn, vì em chỉ làm cho chúng ngủ thôi!”.
Không lâu sau, chú bé bị đau họng trị hoài không hết cuối cùng phải mổ. Khi mổ, bác sĩ dùng mặt nạ gây mê cài lên mặt chú và bảo: “Không sao đâu, chẳng đau đớn gì cả!”. Lúc đó, chú liền nhớ nghĩ đến lũ ruồi đã bị chú làm chết ngạt mấy hôm trước, khi ấy chúng nó cũng giống như chú hiện giờ.
Đó là một bài học nhân quả sống động ngay trong cuộc đời, bài học này không phải bằng lý luận hay trên chữ nghĩa. Nghe qua câu chuyện, chúng ta có suy nghĩ gì? Nếu như mỗi người đều khéo quan sát chung quanh thì chúng ta sẽ học được rất nhiều những bài học nhân quả ngay trong cuộc sống hàng ngày.
2. Những gì không tốt mình đã làm, có thể bị báo ứng gấp nhiều lần
Pháp sư Thánh Nghiêm ở Đài Loan có kể câu chuyện: Có một người tên Phan Phúc Nguyên bỗng phát bệnh giết hai đứa con của mình nên bị công an bắt đưa vào bệnh viện tâm thần. Nhưng khi vào bệnh viện bác sĩ khám bệnh không ra, vì người bệnh đã bình thường, phải cho xuất viện. Khi về nhà, người này lại lên cơn giết luôn vợ mình, gia đình chỉ còn lại đứa con gái. Ngay thời gian ấy, cha ông là Phan Kim Sinh đang làm việc lại bị rớt xuống núi chết, còn anh trai cũng bị chết oan. Tai nạn thê thảm dồn dập đến gia đình ông.
Người bình thường thấy thế sẽ rất thương tâm, nhưng theo lời kể của những người ở gần nhà ông thì mới biết là việc gì cũng có nguyên nhân. Vào thời Nhật Trị, có một hôm ông Phan Phúc Nguyên và cha đi vào rừng săn thú, bỗng thấy một con hươu rất lớn từ xa chạy lại phía hai người, trên thân bị bắn trọng thương.
Khi ấy, hai cha con ông bắn thêm một mũi tên nữa, con hươu ngã chết tại chỗ. Có một người thợ săn chạy đến tìm hươu, rồi hai bên tranh nhau bảo con hươu thuộc phần của mình. Tranh luận không xong, cuối cùng hai cha con họ Phan này họp nhau đánh chết người thợ săn kia để đoạt con hươu.
Sau, gia đình của người thợ săn bị giết tìm đến hỏi rõ nguyên nhân về cái chết của người thân và chỉ đàm phán trong thầm lặng. Ý gia đình kia không muốn dính líu đến pháp luật, vì nếu kiện thì cả hai đều bị thiệt hại nên cho qua, rồi theo ngày tháng sự việc cũng phôi pha, nhưng nhân quả thì không mất, không tha thứ cho gia đình họ Phan này.
Ông mang bệnh tâm thần giết con, giết vợ, còn người cha và anh trai cũng chết oan uổng, cả gia đình gặp những chuyện bất hạnh kể trên. Rõ ràng gia đình người này bị nhân quả báo ứng hiện tiền, nên chúng ta không thể xem thường nhân quả.
Có người nói: “Tôi thấy nhân quả thì tôi mới tin”. Hiện nay đại đa số con người đều có lối nghĩ như vậy, chính vì thế mà họ bất chấp tất cả những việc xấu nào họ cũng có thể làm để đạt được thỏa mãn lợi ích cá nhân của mình.
Người ta nói rằng: “Thiện ác hữu báo” là lẽ công bằng của đất trời. Vạn sự vạn vật trên thế gian không hề tồn tại ngẫu nhiên, hết thảy đều có an bài nghiệp quả trong đó. Con người nếu có thể gìn giữ đạo đức và lương tri, trong tâm luôn tồn giữ thiện niệm để ước thúc bản thân mình, mới là thuận theo Thiên đạo. Đây cũng là lựa chọn sáng suốt nhất của con người để có được một tương lai tốt đẹp.
Quang Minh biên tập
Nguồn: Nhanquabaoung