Nguồn ảnh: ST

Văn Hóa

Lương y như từ mẫu: Lấy đức báo oán, không nhớ thù xưa

By Lan Hòa

August 04, 2021

Cổ nhân có câu: “Thầy thuốc là một nghề mà không phải bất cứ người nào cũng có thể làm được”. “Người làm thầy thuốc mà không có lòng nhân ái, thì không thể phó thác; không thông thấu đạo lý, thì không thể đảm đương; không liêm khiết lương thiện, thì không đáng tin cậy.”

Có câu: “Lương y như từ mẫu”, đối với người bệnh thì phải quan tâm, chăm sóc, tận tâm, tận lực để cứu chữa. Đại y học gia Tôn Tư Mạc chủ trương không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, tất cả đều được đối xử bình đẳng. “Phàm là đại y khi chữa bệnh thì phải an thần định chí, vô dục vô cầu, trước hết khởi tấm lòng trắc ẩn từ bi, nguyện phổ cứu các sinh linh đang đau khổ …”

Nghĩa là không phân biệt bệnh nhân giàu nghèo, thân thuộc hay xa lạ, đều xem họ như thân nhân, như bạn hữu của mình. Là thầy thuốc thì nên từ bỏ mọi tạp niệm tư tâm, không phân kể người bệnh tuổi tác già hay trẻ, tướng mạo đẹp hay xấu, thông minh hay ngu ngốc, thuộc dân tộc nào, đặc điểm tính cách ra sao, v.v. đều phải tận tâm, chân thành chữa trị.

Nói đến việc chữa bệnh không phân biệt thân quen hay xa lạ, cho dù là người có mối thù hận với mình cũng không thể từ chối chữa trị.

Thầy thuốc nhi khoa nổi tiếng thời nhà Minh Vạn Toàn, có kẻ thù là Hồ Nguyên Mưu. Hồ Nguyên Mưu có một đứa con trai bốn tuổi bị ho và nôn ra máu, đã đưa đến các danh y khắp nơi nhưng không chữa khỏi, không còn cách nào khác đành đến cầu cứu Vạn Toàn. Vạn Toàn không để bụng thù xưa, lập tức đến nhà bệnh nhân để xem bệnh. Sau khi chẩn đoán, ông chân thành nói với Hồ Nguyên Mưu rằng căn bệnh này có thể chữa khỏi trong một tháng.

Ngay sau đó, Vạn Toàn lập tức kê đơn điều trị, sau khi uống năm thang, cơn ho đã giảm được bảy phần, mũi và miệng ngừng chảy máu. Biến chuyển như vậy là rất tốt, không ngờ Hồ Nguyên Mưu lại nghĩ rằng đứa trẻ khỏi bệnh quá chậm, bởi trong lòng ông ta vẫn luôn nghi ngờ, cho rằng Vạn Toàn có hiềm khích với mình nên không để tâm chữa trị, bèn quyết định mời thầy thuốc khác là Vạn Thiệu đến chữa bệnh cho con trai mình.

Về lý mà nói, nếu đã mời thầy thuốc khác thì Vạn Toàn hoàn toàn có thể buông xuôi phó mặc, tuy nhiên khi có người khuyên ông rời đi, Vạn Toàn nói: Hồ Nguyên Mưu chỉ có một người con trai này, ngoại trừ tôi ra, không ai khác có thể chữa khỏi. Sau khi tôi đi, ông ta sẽ không mời tôi trở lại nữa, như thế sẽ lỡ mất việc chữa trị bệnh cho đứa trẻ, tuy tôi không hại nó nhưng đó cũng là lỗi của tôi. Chi bằng, tôi thử xem đơn thuốc của Vạn Thiệu trước, nếu thấy hợp lý thì tôi sẽ đi, nếu dùng sai thuốc tôi sẽ ngăn ông ấy lại, nếu không ngăn cản được, tôi rời đi cũng chưa muộn.

Sau khi xem đơn thuốc mới của Vạn Thiệu, Vạn Toàn cho rằng loại thuốc đó không đúng với bệnh, uống vào rất nguy hiểm. Vì vậy đã ông hết lòng khuyên ngăn: “Phổi của đứa trẻ phồng lên rồi không xẹp xuống, nở ra rồi không thu lại được, làm sao có thể dùng hai vị phòng phong và bách bộ được?”

Vạn Thiệu không những từ chối không tiếp thu mà còn cố chấp nói: “Phòng phong và bách bộ là thần dược trị ho”. Hồ Nguyên Mưu ở bên cạnh cũng hùa theo: “Đó là phương thuốc bí truyền của ông ấy”. Vạn Toàn rất nghiêm túc nói: “Tôi là lo lắng cho đứa trẻ này chứ không phải có tâm đố kỵ với ông”.

Vạn Toàn không đành lòng nhìn thấy chết mà không cứu, trước khi đi, ông lại đến thăm đứa trẻ lần cuối, xoa đầu nó và nói: “Uống ít thôi, thật đáng thương, khi bệnh tái phát thì ta biết làm thế nào?” Nói xong liền ra về.

Quả nhiên không ngoài dự đoán, đứa trẻ vừa uống một chén nhỏ thuốc của Vạn Thiệu thì cơn ho tái phát, cậu bé thở dốc và lại nôn ra máu như trước. Đứa trẻ khóc và nói: “Con uống thuốc của ông Vạn Toàn đã đỡ hơn rồi, nhưng cha lại mời người này đến đầu độc con!” Thế là bệnh tình của đứa trẻ thay đổi đột ngột, sắp nguy hiểm đến tính mạng.

Vợ của Hồ Nguyên Mưu rất tức giận mắng nhiếc chồng. Hồ Nguyên Mưu bắt đầu hối hận. Ông ta không còn cách nào khác đành phải dằn lòng đến mời Vạn Toàn lần nữa. Vào thời điểm ngàn cân treo sợi tóc này, Vạn Toàn không tính toán so đo gì, chỉ chân thành khuyên nhủ: “Sớm nghe tôi, thì mọi chuyện đã không như thế này. Nếu muốn tôi trị bệnh thì trước tiên phải dẹp bỏ nghi tâm, việc này hoàn toàn giao cho tôi, với kỳ hạn một tháng.” Kết quả là chỉ mất 17 ngày, Vạn Toàn đã chữa khỏi bệnh cho cậu bé.

Là thầy thuốc thì cần phải lấy việc coi trọng tu dưỡng y đức, tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, trung thành với nghề nghiệp, tận tâm khám chữa cho bệnh nhân làm tiêu chuẩn đạo đức. Các thầy thuốc thời xưa chọn học trò để truyền nghề đều phải chọn những người thành tâm chuyên ý. Ngay cả con cháu của các danh y cũng không nhất định có thể kế thừa nghề nghiệp của gia đình.

Câu chuyện kể trên đây khiến trong tâm mỗi chúng ta đều cảm thấy vô cùng xúc động. Tấm lòng đạo đức cao đẹp như vậy thật đáng quý trên thế gian con người ngày nay.

 

Nguồn: ChanhKien

Lan Hòa biên tập