Đời Sống

Mang gì về cho cha mẹ ?

By Truong Phong

January 08, 2022

Nếu cha mẹ bây giờ đã 50 tuổi, giả sử cho họ có thể sống tới 90 tuổi. Giả sử vì công việc 6 tháng bạn mới về thăm họ một lần. Vậy bạn còn được bao nhiêu lần để ở bên cha mẹ? Bạn chỉ còn 80 lần nữa thôi! Gặp thêm được một lần, là phải bị mất đi một lần. Vậy khi về nhà, bạn cần mang gì về cho cha mẹ?

Sao lại hỏi mang gì về cho cha mẹ trong khi họ đã mang ta đi đến suốt cuộc đời! – Pixapay

Nếu khi về thăm họ, chúng ta mải mê trò chuyện với bạn bè. Mắt chúng ta không rời khỏi điện thoại. Hay chúng ta mải giải quyết các công việc online. Thì cơ hội gần gũi với cha mẹ sẽ càng thêm ít hơn.

Người xưa có câu: “Bất hiếu với cha mẹ thì thờ Phật cũng vô ích.” Cha mẹ là phước lành lớn nhất của mỗi người. Nên hãy đối xử tử tế với họ.

Một nhà văn từng nói: “Cha mẹ còn, chúng ta còn nơi trở về. Cha mẹ mất, chúng ta chẳng còn đường lui”.

Hiếu thuận với cha mẹ là việc làm khó nhất – Khổng Tử

Rất nhiều người coi sự bao dung của cha mẹ dành cho mình là việc hiển nhiên, nên ở trước mặt cha mẹ, họ không bao giờ khống chế cảm xúc của mình.

Khi đối diện với cha mẹ, điều gì ta cũng có thể nói ra. Kể cả những phát tiết, tức giận hay tiêu cực. Trong khi gặp bạn bè thì luôn giữ bộ dạng lịch sự, khiêm tốn.

Có lần, một người cha già hỏi đứa con trai của mình về các tính năng của mạng xã hội. Đứa con tỏ ra không kiên nhẫn đáp lại: “Cha học cái này làm gì, con bận lắm, làm gì có thời gian dạy cha cái này, cha tự mò đi.”

Đối với những người thân thiết, chúng ta thường thoải mái bộc lộ cảm xúc. Nhưng đừng vì vậy mà chọn họ làm đối tượng trút giận, đây không phải thói quen tốt.

Lúc còn nhỏ, chúng ta tò mò về thế giới này và luôn hỏi cha mẹ đủ loại câu hỏi “Vì sao?” Bây giờ chúng ta đã lớn, hãy kiên nhẫn giúp cha mẹ hiểu được tốc độ thế giới thay đổi, và giúp họ bắt kịp với nó. Đừng từ chối họ vì “không có thời gian”.

Đối xử tốt với cha mẹ, là cách biểu hiện đạo hiếu, cũng là cách để tích dưỡng phúc phần về sau cho bản thân bạn. Cha mẹ có trông mong gì hơn một đứa con hiếu thuận trở về nhà.

Hãy thấu hiểu cho cha mẹ, và chấp nhận sự không hoàn hảo từ họ

Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng: “Tại sao mỗi khi cha mẹ phạm sai lầm, chúng ta thường không kiềm chế được cảm xúc và muốn trách cứ họ?”

Câu trả lời thật ngạc nhiên rằng: “Chúng ta tức giận với cha mẹ, không phải vì họ làm sai, mà vì trong tiềm thức ta luôn tin họ không bao giờ phạm sai, nên mới tức vì họ không nên là người sai.”

Có một tác giả viết rằng: “Đời người thực sự rất ngắn, không dài như chúng ta tưởng, đi mãi nhưng chẳng được bao xa, vì vậy hãy đối xử tốt với những người mà chúng ta yêu thương.”

Cha mẹ chưa hề đòi hỏi công ơn sinh thành, dưỡng dục, hao tổn nửa đời vì con cái. Vậy tại sao chúng ta còn bất mãn?

Hãy học cách buông bỏ những tiêu chí khắt khe đối với cha mẹ, chấp nhận khiếm khuyết của họ, thấu hiểu và bao dung cho họ hơn.

Hiếu thảo, chính là cái gốc của lòng nhân ái, là món quà những đứa con cần mang về

Cha mẹ càng lớn tuổi, càng để tâm đến lời nói của con cái.

Có thể chúng ta vô tình nói những lời khó nghe, nhưng nó sẽ trở thành cái “gai” khiến họ đau đớn trong lòng. Người càng lớn tuổi càng mẫn cảm, nên hãy cẩn thận và kiên nhẫn hơn với họ.

Khi cha mẹ già yếu, hãy quan tâm và thương yêu họ nhiều hơn, đừng để họ mất rồi mới biết tiếc nuối.

Nguồn: DNTT.