Nguồn: Soha

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Mắt nhìn chuyện lớn, tay làm chuyện nhỏ là bí quyết làm nên đại sự của bậc thánh nhân

By Lan Hòa

July 11, 2021

“Đạo Đức Kinh” có câu: “Làm việc khó từ việc dễ, làm việc lớn từ chuyện nhỏ. Các việc khó trong thiên hạ, đều là từ việc dễ mà thành; các chuyện lớn trong thiên hạ, cũng là từ chuyện nhỏ mà làm nên.”

Câu chuyện của học sĩ Trần Phan

Vào thời Đông Hán có một vị học sĩ tên là Trần Phan, học thức uyên thâm, lòng ôm trí lớn. Từ nhỏ, Trần Phan đã luôn cố gắng chăm chỉ nỗ lực học tập, coi chuyện thiên hạ là việc của bản thân.

Một hôm, một người bạn cũ của cha ông tên là Tiết Cần đến chơi nhà, quan sát thấy sân vườn trong nhà Trần Phan mọc đầy cỏ dại, liền hỏi Trần Phan: “Sao con không dọn dẹp sân vườn sạch sẽ để đón khách vậy?”

Trần Phan nhanh nhảu đáp: “Bậc đại trượng phu sống ở trên đời là để lo chuyện thiên hạ, cần gì phải lo lắng những chuyện vụn vặt trong nhà!”

Tiết Cần lại hỏi ông: “Việc nhà chẳng thể lo xong, lấy gì để lo việc thiên hạ?”

Trần Phan nghe xong cảm thấy lời Tiết Cần nói cũng có lý, bèn không đáp lại được. Kể từ đó, Trần Phan bắt đầu chú ý những chuyện nhỏ nhặt nhất xung quanh, sau này ông trở thành một vị đại thần trong thiên hạ.

Từ cổ chí kim, dù là người thành công nổi tiếng lẫy lừng, hay tài hoa hơn người, thành công của họ đều không phải một bước mà thành, mà là từ những bước bắt đầu, từ những việc nhỏ nhất, tích lũy từng chút từng chút một mà nên. Muốn làm nên đại sự, ý chí lớn thôi chưa đủ, từ đầu chí cuối luôn giữ cho mình một sự kiên định, ý chí kiên cường không lay chuyển thì mới có thể đạt được thành tựu như mong muốn. Làm tốt chuyện nhỏ, chính là bước khởi đầu trong đời, nếu không làm tốt những chuyện nhỏ thì cũng đừng nói đến việc lo chuyện lớn trong đời.

“Dụ Lão – Hàn Phi Tử” cũng có viết : “Bờ kè ngàn dặm, cũng sập vì hang kiến; nhà cao trăm tầng, vì khói trong ống khói mà cháy”, ý tứ tức là, dù là bờ đê dài ngàn dặm cũng sẽ bị sập khi kiến đào; nhà cao trăm tầng cũng sẽ bị đốm lửa từ ống khói thiêu rụi.

Một người gặp phải những vấn đề nhỏ, nếu không kịp thời hướng nội, tu bổ, sửa chữa, đến cuối cùng sẽ tạo thành họa lớn. Đạo lí làm người, làm việc cũng giống như vậy, ngay cả chuyện nhỏ không nhẫn lại được thì sẽ làm hỏng việc lớn, hoài bão lớn nhưng không bỏ qua tiểu tiết, mới có thể bàn chuyện lớn.

Hàn Tín chịu nỗi nhục chui háng, trở thành người lưu danh thiên cổ

Đối với người bình thường mà nói, việc phải quỳ gối chui qua háng kẻ khác trước mặt mọi người đều sẽ là chuyện vô cùng nhục nhã, nhưng khi bị đối phương thách đố khiêu khích, Hàn Tín liền chỉ nghĩ một lúc, liền cúi đầu chui qua háng hắn.

Khi đối diện với sự sỉ nhục của người khác, có thể giữ vững tâm tính và nhẫn chịu sự tức giận, chính là thể hiện tầm cao của cảnh giới nội tâm, coi những chuyện to tát trong mắt người khác cũng chỉ như việc nhỏ nhặt không cần để trong lòng.

Sau này, khi Hàn Tín giúp Lưu Bang xây dựng nhà Hán, được phong làm “Sở Vương”, ông không những không trách phạt kẻ đã từng sỉ nhục mình khi trước, ngược lại còn phong cho hắn giữ chức Trung úy của Sở quốc.

Trong “Tư Trị Thông Giám” có ghi chép lại: Hàn Tín triệu kẻ bắt mình quỳ chui qua háng khi còn niên thiếu đến, phong làm Trung Úy, rồi nói với tất cả mọi người: “Đây là một tráng sĩ. Khi hắn sỉ nhục ta, chẳng lẽ ta lại không thể giết hắn? Nhưng giết rồi cũng có ích gì, nên ta đã nhẫn nhục để có ngày hôm nay.”

Cho nên, nếu biết nghĩ cho đại sự, hoặc so với tính mạng bản thân, nỗi nhục nhã quỳ chui háng cũng chẳng đáng là gì. Chính bởi vì Hàn Tín coi trọng hoài bão và biết lo cho đại cuộc, có thể chịu được trước cái khổ và nhẫn được trước việc người bình thường khó có thể chịu đựng được, xem việc bản thân chịu sỉ nhục chỉ là chuyện nhỏ, cho nên về sau Hàn Tín mới có thể được lĩnh tướng phong hầu, mới có thể bước lên đỉnh cao của cuộc đời.

Khi đối mặt với sự khuất nhục, tâm thái mà chúng ta đối đãi sẽ quyết định tất cả. Nếu người có tấm lòng ích kỉ nhỏ hẹp, sống chỉ vì chút khẩu khí, không nuốt trôi chuyện ấm ức thì dù thắng được thể diện cũng thua về khí chất. Những người có tấm lòng rộng rãi, có tầm nhìn xa trông rộng, biết lo cho đại cuộc, biết tránh nặng tìm nhẹ, có thể chịu được khuất nhục, lùi một bước để tiến hai bước, thì mới có thể làm nên những đại sự, lưu danh cổ sách.

 

Nguồn: Soha

Lan Hòa biên tập