Lão Tử là một thánh nhân nổi tiếng thời Xuân Thu, ông để lại cho đời muôn vàn tinh hoa, đạo học, mà nổi tiếng nhất chính là cuốn Đạo Đức Kinh truyền lại cho hậu thế sau này. Lão Tử khuyên răn thế nhân làm người cần phải biết mềm mỏng, tu thân dưỡng tính, sống thuận theo tự nhiên, chất phác, không tranh giành…
Tu dưỡng thân tâm, buông bỏ dục vọng, theo Lão Tử chính là cách để thăng hoa trong Đại Đạo. Muốn trường sinh bất lão, khỏe mạnh an vui thì phải biết “vô vi”. Vô vi không phải là phó mặc, không hành động mà là vạn sự tuỳ kỳ tự nhiên. Kẻ chưa biết mình ngu thì không thể gọi là khôn, người minh trí thì phải biết đến tam thủ hộ thân:
1. Biết thủ ngu – Giữ đức khiêm cung
“Quân tử thịnh đức dung mạo như ngu” – Bậc quân tử có đức hạnh thường khiêm cung như kẻ ngu đần.
Đạo học của Lão Tử coi trọng sự khiêm tốn với chủ trương “Hòa quang đồng trần” (Hòa ánh sáng lẫn với thế tục). Người thực sự thông minh là người không để người khác thấy được tài năng xuất chúng của mình một cách dễ dàng mà là ẩn giấu nó bên trong.
Trong tác phẩm Sử Ký có ghi, thuở còn trẻ của Khổng Tử đi bái kiến Lão Tử, Lão Tử đã nói một câu kinh điển: “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu”. Ý tứ rằng người có đức hạnh, thực tài thì không khoa trương về bản sự của mình, cũng như một thương nhân giỏi có đầu óc thanh tỉnh thì luôn biết cất giữ hàng hóa của mình không cho kẻ bên ngoài biết. Khoa trương bản thân cũng tựa như khoe khoang hàng hóa của mình, chỉ dẫn đến sự chú ý của người khác, ắt sẽ rước họa vào thân.
Lão Tử nói với Khổng Tử: “Nhĩ yếu khứ điệu kiêu ngạo chi khí hòa tham dục chi tâm, như thử tài năng thành vi thánh nhân. Giá tiện thị sở vị đích “đại trí nhược ngu”; ý là chỉ có người bỏ được sự kiêu ngạo và tâm dục vọng của mình thì mới có thể trở thành thánh nhân. Đây được gọi là “Bậc đại trí giả ngu”.
2. Biết thủ tĩnh – Gặp việc lớn cần có tĩnh khí
Lão Tử nói: “Thục năng trọc dĩ trừng? Tĩnh chi từ thanh” (Ai có thể làm nước đục trong trở lại ngoài cách tĩnh lại từ từ). Vậy nên làm người khi đối diện với đại sự thì cần phải có tĩnh khí.
Muốn làm một ly nước dơ bẩn trong trở lại thì chỉ có cách để nó tĩnh lặng mà từ từ lắng đọng lại. Và làm người cũng lại như thế, gặp chuyện càng lớn lại càng cần tĩnh lặng, tâm không tĩnh, việc chẳng thể nhìn thông.
“Tĩnh” là một loại đại trí tuệ mà cổ nhân tôn sùng, là đức tính mà không một bậc quân tử nào không tu dưỡng. Trong “Đạo đức kinh”, Lão Tử viết: “Tĩnh vi táo quân”, ý nói tĩnh là chủ của xao động, nóng nảy. Tĩnh có thể loại bỏ được khí nóng trên thân thể người, làm mất sự nóng nảy trên cơ thể người.
Thời cổ đại, trên mũ của hoàng thượng luôn có một chuỗi rèm hạt ngọc đằng trước, mục đích của nó cũng chính là thông qua bức rèm ngọc nhỏ này giúp hoàng thượng có được tĩnh khí, không hành xử vội vàng.
Tăng Quốc Phiên từng nói: “Tâm tĩnh tắc thể sát tinh, khắc trị diệc tỉnh lực”, ý ở đây có nghĩa là chỉ có người có tĩnh tâm mới có thể suy xét kỹ càng vấn đề, phát hiện vấn đề và xử lý những vấn đề chuẩn xác, trí tuệ. Làm được như vậy không những có thể giúp nâng cao hiệu quả công việc, mà còn giảm thiểu thời gian và sức lực.
3. Biết thủ nhu – Lấy nhu chế cương
Tương truyền khi mừng thọ Lão Tử 80 tuổi, có rất nhiều người đến chúc mừng, mọi người đều hồ hởi hỏi bí quyết trường sinh của ông. Lão Tử không nói lời nào mà chỉ mở to miệng cho mọi người xem, mọi người thấy vậy đều không hiểu hàm ý làm sao? Lão Tử mới giải thích: “Răng cứng nhưng nay đã chẳng còn, mềm mỏng như lưỡi lại còn như nguyên. Đây chính là đạo lý mềm mỏng thắng cương cường”.
Lão Tử ca ngợi và yêu quý nước, phụ nữ và trẻ em, chính là vì ông nhìn thấy được sức mạnh của sự mềm mỏng. Mềm mỏng chính là đại trí huệ của sinh mệnh, cũng như một cái cây khô thì rất dễ bị gió làm cho gãy, tuy nhiên cây còn sống biết thuận theo chiều gió mà lay chuyển thì lại chẳng hề gì. Đạo lý làm người và cây cũng lại như thế, những thứ có sinh mệnh thì đều mang một thân thể mềm, chết rồi thì liền biến thành cứng.
Nước chảy đá mòn, nước tuy mềm nhưng xuyên thủng được đá. Vậy nên mềm mỏng chính là đại sức mạnh, trên đời này không có thứ gì có thể mềm hơn nước và lại có thể mạnh hơn nước, nước có thể khắc chế được những thứ cứng rắn nhất trên đời.
“Binh vô thường hình, thủy vô thường thế”, vì những thứ mềm mỏng có thể dễ dàng uyển chuyển biến hóa cho nên có thể thích ứng với vạn sự. Còn thứ cứng rắn lại khó có thể biến hóa. Đây cũng là điều trong binh pháp Tôn Tử: “Vô hình thắng hữu hình”.
Cuộc sống vốn dĩ rất giản đơn, bậc cao nhân có trí huệ thì đều biết chọn cho mình một cuộc sống trí huệ đơn giản. Có một câu chuyện về Lão Tử: LƯỠI CÒN RĂNG MẤT
Lão Tử chủ trương sống không tranh chấp, lấy nhu thắng cương. Có một câu chuyện khá thú vị liên quan đến chủ trương này của ông. Theo thiên “Kính Thận” sách Thuyết Uyển, thầy của Lão Tử tên là Thường Túng. Thường Túng tuổi đã rất cao, có một lần, Thường Túng mắc bệnh nặng, Lão Tử trước sau thăm hỏi. Lão Tử thưa với thầy rằng: “Thầy mắc bệnh nặng, thầy có gì muốn nói với học trò không?”.
Thường Túng nói: “Khi đi qua cố hương của mình, nhất định phải xuống xe. Trò có biết vì sao không?” Lão Tử đáp: “Đi qua cố hương của mình nhất định phải xuống xe, chủ yếu là để nhắc nhớ nguồn cội của mình!”. Thường Túng nói với vẻ hài lòng: “Đúng thế, trò trả lời rất hợp ý ta”.
Thường Túng lại hỏi: “Khi qua một gốc cây cao lớn, nhất định phải bước nhẹ nhanh với sự tôn kính, trò có biết tại sao không?”. Lão Tử đáp: “Khi qua một gốc cây cao lớn nhất định phải bước nhẹ nhanh, chính là đế bày tỏ sự kính lão!”. Thường Túng lại tỏ ra hài lòng trước lời kiến giải của học trò.
Lúc này, Thường Túng mở miệng, hỏi Lão Tử: Trò xem xem lưỡi của ta có còn chăng?”
Lão Tử đáp: “Vẫn còn”. Thường Túng hỏi tiếp: “Răng của ta có còn chăng?”. Lão Tử quan sát kỹ một lượt rồi đáp: “Chẳng còn cái nào”. Thường Túng hỏi: “Trò có biết tại sao lại thế không?” Lão Tử đáp: “Lưỡi tồn tại, phải chăng vì nó mềm? Còn răng lại mất, phải chăng vì nó quá cứng?”. Thường Túng hết sức hài lòng với chàng học trò thông tuệ của mình, nói: “Trò đáp hay lắm! Ta đã đem tất cả đạo lý của thiên hạ giảng cho trò rồi, chẳng còn gì phải nói thêm nữa”.
Theo Soundofhope
Nhung Nguyễn biên tập