Có thể nói, trong vô vàn nỗi thống khổ mà con người phải gánh chịu thì khổ đau do lời nói thiếu trách nhiệm mang đến nhiều hơn cả. Không phải ngẫu nhiên mà người xưa đúc kết ‘mọi tai họa từ miệng mà ra’, lời nói như ‘búa nằm trong miệng’ còn nguy hơn cả gươm đao.
Bạn có thể lấy lại thăng bằng ngay cả khi bị trượt chân, nhưng nếu bạn trượt miệng, bạn không thể lấy lại lời nói của mình.
Xưa kia, có một ông già đã lan truyền tin đồn rằng người hàng xóm là một kẻ trộm. Dẫn đến một thanh niên trẻ tuổi bị bắt.
Vài ngày sau, khi chứng minh được sự trong sạch của mình, chàng trai được thả và cậu đã kiện ông già. Tại toà ông già nói với thẩm phán: “Đó chỉ là tin đồn thôi mà. Tôi không làm hại bất kỳ ai cả”.
Vị thẩm phán nghe vậy nói: “Ông hãy viết tất cả những gì đã đồn về anh ta vào một tờ giấy”. “Sau đó hãy cắt nhỏ và ném nó ra ngoài cửa kính ô tô trên đường trở về nhà. Và hãy quay lại đây vào ngày mai để nghe phán quyết”.
Ngày hôm sau, thẩm phán nói với ông già: “Trước khi bị kết án, ông hãy nhặt hết tất cả các mảnh giấy đã ném đi đến đây”.
Ông già nói: “Sao có thể làm vậy được. Gió đã thổi bay chúng đi mất rồi. Làm sao biết được chúng đã bay đi đâu chứ”.
Sau khi nghe xong thẩm phán nói: “Cũng giống như vậy đó. Đôi khi chỉ là lan truyền những tin đồn nhưng cũng khiến danh dự của người khác bị tổn hại không thể cứu vãn được”.
Nếu bạn không khen ngợi người khác, thì cũng hãy giữ miệng. Hãy làm chủ cái miệng của mình để không trở thành nô lệ cho lời nói. Tin đồn còn tệ hơn cả kẻ trộm, vì nó cướp đi nhân phẩm, danh dự, danh tiếng và sự tín nhiệm của người ta.
Nói là một loại năng lực; im lặng, lại là một loại trí tuệ. Chúng ta mất 2-3 năm để học nói, nhưng lại mất mấy chục năm để học cách im lặng. Bởi vậy, khi mở miệng nói, cần phải nhớ đến lời cảnh tỉnh “lưỡi là gốc rễ của lợi hại, miệng là cửa ngõ của phúc hoạ”.
Một lời nói ra nhanh như tên bắn, không thể thâu lại được. Như bát nước đầy đổ ra đất không thể hốt lại được. Nên hãy tự học nói lời chân thật, nói lời xây dựng, nói lời yêu thương, nói lời tử tế. Nói chậm, nói ít và nói đúng để gieo trồng hạt giống chính ngữ mỗi ngày.
Luôn suy nghiệm về lời nói của mình, vì sao ta nói chẳng ai tin, không mấy người để ý, ta chẳng thuyết phục được ai, mở lời thì họ quay lưng? Rõ ràng, ta thiếu phước về lời nói do trước đó không thực hành chánh ngữ. Thế nên người học Phật cần ý thức rõ về khẩu nghiệp, cực kỳ thận trọng trong lời ăn tiếng nói của mình, ‘nói như hoa mà không nói như phân’ để thêm vui bớt khổ.
Nguồn: epochtimes.jp
Mộc Hương biên tập