Có biết yêu thương thì con người mới biết vui sống, và tìm được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống. Giúp đỡ người khác là giúp đỡ chính mình”, nhưng trong cuộc sống chúng ta cần phải cân nhắc đến sự giúp đỡ của mình có đặt đúng chỗ hay không.
Cổ nhân có câu “cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp”, hay “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, trong cuộc sống lòng tốt, mở lòng nhân sinh đúng lúc, đúng chỗ còn tốt hơn rất nhiều so với việc cho đi thật nhiều nhưng lại không đúng chỗ, không ý nghĩa.
Có một câu chuyện như thế này: Trước cổng 1 nghĩa trang nọ, người ta thấy có 1 chiếc xe sang trọng dừng lại. Người tài xế tiến lại người quản trang và nói: xin anh giúp 1 tay cho người đàn bà này xuống xe vì bà ta yếu quá không đi được nữa. Vừa ra khỏi xe, người đàn bà tự giới thiệu và nói với người quản trang:
Từ hai năm qua, mỗi tuần, tôi là người đã gửi cho anh 5 đô-la để mua hoa và đặt trên mộ con trai tôi, nhưng nay các bác sĩ bảo rằng, tôi không còn sống được bao lâu nữa, nên tôi đến đây để chào từ biệt và cảm ơn anh đã mua hoa giùm tôi.
Thế nhưng, người đàn bà không ngờ rằng người quản trang trả lời:
Thưa bà, tôi lấy làm tiếc rằng bà đã làm công việc ấy!
Người đàn bà cảm thấy như bị ai đó vả vào mặt. Nhưng bà vẫn còn đủ bình tĩnh hỏi lại người thanh niên:
Tại sao lại lấy làm tiếc về cử chỉ đẹp như thế?
Người thanh niên giải thích:
Thưa bà, tôi lấy làm tiếc vì những người chết như con trai bà, chẳng bao giờ còn thấy được một cánh hoa nào nữa !
Bị chạm tự ái, người đàn bà liền cao giọng:
Anh có biết anh đã làm tổn thương tôi không?
Người thanh niên bình tĩnh trả lời:
Thưa bà, tôi xin lỗi, tôi chỉ muốn nói với bà rằng có rất nhiều người đang cần đến những cánh hoa của bà hơn. Tôi là hội viên của một tổ chức nhân đạo chuyên đi thăm những người già, các bệnh nhân trong viện dưỡng lão, các bệnh viện. Chính họ mới là những người đang cần đến những cánh hoa của chúng ta, họ có thể nhìn thấy và ngửi được cánh hoa ấy.
Nghe thế, người đàn bà bất động một lúc, rồi ra hiệu cho tài xế mở máy. Vài tháng sau người đàn bà trở lại nghĩa trang. Nhưng lần này không cần ai giúp đỡ, bà tự động bước xuống xe với một dáng vẻ vui tươi nhanh nhẹn hơn, và điều đáng ngạc nhiên hơn nữa, một nụ cười rạng rỡ, bà nói với người quản trang:
Anh đã có lý, tôi mang hoa đến cho những người già lão, bệnh tật. Quả thật, điều đó đã làm cho họ được hạnh phúc. Nhưng người thực sự hạnh phúc chính là tôi. Các bác sĩ không biết được bí quyết làm tôi khỏe mạnh lại. Nhưng tôi đã khám phá ra cái bí quyết ấy, tôi đã tìm ra lẽ sống.
Giúp đỡ người khác là giúp đỡ chính mình”. Đó cũng là khuôn vàng thước ngọc của Thượng đế “cho thì có phúc hơn là nhận.” Bởi vì, trao ban cho người tức là trao ban cho mình. Đó là lý luận của tình yêu. Tình yêu lớn lên theo mức độ của sự trao ban.
Có biết yêu thương thì con người mới thực sự triển nở, và tìm gặp lại chính mình. Có biết yêu thương thì con người mới biết vui sống, và tìm được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống.
Trong cuộc sống mở lòng là việc tốt, cho đi là việc tốt nhưng người xưa thường nói “của cho không bằng cách cho”. Nhiều người thực sự rất giàu có nhưng tất cả những gì họ làm đều là làm cho những người đã khuất, họ nghĩ đó là việc làm ý nghĩa, nhưng có một sự thật rằng người đã khuất sẽ không hề nhận được gì những gì bạn làm cho họ.
Có nhiều người dành rất rất nhiều tiền để xây chùa, cúng bái, cầu lễ… nhưng kỳ thức là Phật nhìn tại tâm con người, vậy thì chắc chắn là Phật sẽ không cần những thứ vật chất đó từ con người, mà thứ cần là cần cái tâm hướng thiện của con người, nếu bạn có lòng tốt bạn chỉ cần giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình cũng là ý nghĩa hơn so với những việc tuy to lớn nhưng lại hữu vi kia.
Chân Kiến biên tập