Có đôi khi bạn gặp phải khó khăn cùng cực, nhưng đó chưa hẳn đã là điều xấu. Hãy biến mọi nguy cơ trở thành động lực để có thể mạnh mẽ tiến về phía trước, như tiểu thuyết gia C.S.Lewis từng nói “thất bại chính là biển chỉ dẫn trên con đường đi tới thành công”.
Trong cuộc sống, ai cũng có những lúc bế tắc, chán chường cuộc sống hiện tại. Nhưng có đôi khi, cuộc sống không quá khó khăn như ta nghĩ, chỉ là ta chưa biết cách suy nghĩ thoáng hơn, tích cực hơn mà thôi.
Có những loại khó khăn khiến bạn bị tổn thương, nhưng đồng thời cũng giúp bạn thay đổi và trưởng thành hơn. Đừng cố kháng cự hay trốn tránh những khó khăn ấy, bởi chẳng ai có thể sống một cuộc đời mãi mãi là một đường thẳng.
Khi bạn vấp ngã, trên cơ thể bạn sẽ lưu lại những vết sẹo. Nếu mỗi ngày bạn lại bới móc vết thương ra để than khóc, nó sẽ chẳng bao giờ khép miệng được, kết của tương lai chính là suy nghĩ và hành động của bạn ngày hôm nay quyết định.
Nếu buồn bã vì đã bỏ lỡ bình minh thì bạn phải cố gắng để nhìn ngắm vẻ đẹp của hoàng hôn. Còn không cả vẻ đẹp của bình minh và hoàng hôn bạn đều sẽ đánh mất, đều không nhìn thấy được nét đẹp của cả hai. Đâu đó, chỉ còn lại sự tiếc nuối.
Đối mặt với khó khăn hay thất bại trong cuộc sống, chúng ta thường mang tâm lý chờ đợi người khác đến giúp đỡ và gỡ rối cho mình ra khỏi mớ hỗn độn đó. Nhưng sẽ có bao nhiêu lần có người đến giúp bạn? May mắn lắm cũng một vài lần, còn lại ta phải tự cường, tự lực cánh sinh để trưởng thành trên bước đường đời nhiều chông chênh.
Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe qua câu chuyện: Nhà thơ lớn đời Đường – Lý Bạch lúc nhỏ đọc sách không chăm chỉ, thường trốn học. Một lần, ông không kiên trì nổi trên lớp học, bèn chạy đến vùng ngoại thành vui chơi. Ông đến một bờ suối, gặp được một bà lão tóc trắng nhoang nhoáng mài sắt.
Ông đứng đó thật lâu, mắt không chuyển động nhìn bà lão cứ mài sắt không ngừng, cảm thấy kỳ lạ hỏi: “Bà lão, bà mài cái này để làm gì?” Bà lão mỉm cười: “Làm kim khâu”. “Vậy sao có thể thành công?”. “Thành công chứ, nhất định có thể thành công, chỉ cần thời gian thôi”. “Ồ!”, Lý Bạch trầm trồ.
Câu trả lời tự tin của bà lão lay động ông mạnh mẽ! Thế là ông vội vàng xoay người trở về học đường. Từ lúc ấy hăng hái học tập, cuối cùng đạt được thành tựu lớn.
Đây chính là nguồn gốc của “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Câu chuyện này trăm ngàn năm nay vẫn khuyến khích chúng ta từng bước một đi đến thành công. Rất nhiều lúc, chúng ta không phải không thể thành công, mà là cách thành công chỉ còn một bước, nhưng chính là vì bước này chúng ta không kiên trì đến cùng nên mới thất bại.
Lòng kiên trì chính là thước đo để đánh giá sự thành công của mỗi người. Bên cạnh sự kiên trì, mỗi chúng ta cần sống đúng chuẩn mực đạo đức, khoan dung với những người đã làm thương tổn ta, cảm ơn họ đã nung cháy động lực để có thể vượt qua giới hạn bản thân và tự tin trên hành trình chinh phục giấc mơ. Luôn ghi nhớ không điều gì có thể cản bước chân ta đi đến sự trưởng thành, những va vấp kia chỉ là thử thách.
Doanh nhân người Mỹ Walt Disney từng nói: “Tôi nghĩ rằng việc gặp phải một thất bại đau đớn khi bạn còn trẻ là một điều quan trọng. Tôi đã học được nhiều điều từ việc đó. Bởi nó khiến bạn nhận thức được những điều có thể xảy ra với bạn. Nhờ nó, tôi chưa từng có bất cứ nỗi sợ hãi nào trong đời khi chúng tôi gần như sụp đổ và tất cả những điều đó. Tôi chưa bao giờ lo sợ. Tôi chưa bao giờ có cảm giác mình không thể ra ngoài và kiếm được việc làm”.
Sống trên đời giống như đang chèo thuyền ngược dòng nước, chỉ có không ngơi nghỉ mới có thể tới được bến bờ. Cũng vậy, con người phải cố gắng vượt qua trở ngại và có lập trường kiên định thì mới có thể biến ước mơ thành hiện thực.
Sẽ có những giai đoạn trong cuộc đời mà bạn buộc phải đối mặt với khó khăn đến mức muốn bỏ cuộc, buông xuôi ý định thực hiện mục tiêu. Tuy nhiên, từ bỏ không phải là một sự lựa chọn.
Người dễ dàng từ bỏ mục tiêu thì không bao giờ làm được việc lớn. Nên nhớ rằng thành công không bao giờ đến một cách dễ dàng. Muốn nếm trái ngọt thì phải là người gieo hạt, kiên nhẫn chăm sóc cây từng ngày và bảo vệ nó trước sóng gió.
Bạn xây dựng từ những thất bại. Bạn sử dụng chúng như là một bước đệm để tiến lên phía trước. Khép lại cánh cửa vào quá khứ. Bạn không cố gắng quên đi những sai lầm, nhưng bạn không chìm đắm trong đó. Bạn không thể để nó chiếm hữu một chút năng lượng, thời gian hay không gian nào của bạn.
Hãy sống chân thành, thiện lương và nhẫn nại, bởi nhẫn chính là chìa khóa vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Đừng xấu hổ bởi những thất bại của mình, hãy học từ chúng và bắt đầu lại, hãy để mỗi lần thất bại là một lần trưởng thành.
Chân Kiến biên tập