Phú quý là điều mà dường như ai cũng mong muốn có được trong cuộc sống này bởi phú quý chính là giàu sang và sung túc. Tuy nhiên, giàu có hay hạnh phúc ấm no đôi khi không phải mình cầu khẩn là có được, cũng không phải dựa vào may mắn mà tự trời đất ban cho.
Có những người dù bao năm phấn đấu trên con đường sự nghiệp với hy vọng có thật nhiều tiền vào ngày mai nhưng cuối cùng trắng tay lại hoàn tay trắng. Vậy thực chất, vận mệnh phú quý của một người được quyết định bởi điều gì?
Người xưa cho rằng nó nằm ở hai chữ “đức hạnh”. Người có đức, ắt sẽ được trời đất thiện đãi phúc khí dài lâu, từ đó sinh ra phú quý, giàu sang, sống trọn một đời bình an hạnh phúc.
Và quan trọng hơn, muốn biết đức hạnh của mình vơi hay đầy, mỏng hay dày, chúng ta phải tự xem xét lại bản thân. Chính xác hơn là xem xét khả năng nhẫn nhịn trước thế thái nhân sinh, sự tình hỗn loạn thị phi trong cõi hồng trần.
Nhẫn ở đây không phải là nhịn nhục mà chính là kiên định. Chỉ khi kiên định chúng ta mới có thể giữ nhân tâm của mình trong sạch, không lầm đường lạc lối rơi vào u mê quên mất chính bản thân mình. Cổ nhân có câu “mọi pháp đều đắc được nhờ chữ nhẫn”.
Làm người nếu biết lấy đức làm gốc rễ ấy là bậc minh trí, bởi đức hạnh chính là đại biểu cho kết quả hàm dưỡng của một người. Nếu một người không ngừng tu tâm tích đức ắt sẽ gia tăng trí huệ, ngộ đạo nhân sinh, tìm được chân lý và hạnh phúc viên mãn cho chính mình.
Những người có chút kiến thức về thực vật có thể biết rằng, bộ rễ của cây đại thụ càng sâu và dày càng ăn sâu vào đất thì những cành bên ngoài càng lớn, cành lá càng rậm rạp, hoa trái càng sung túc.
Trong ẩn dụ này, của cải cũng giống như cành, lá, hoa và quả, là biểu hiện bên ngoài cơ bản, và cái gốc quan trọng nhất là đức. Theo sách Đại học viết: “Đức dày có thể thúc đẩy sự gia tăng không ngừng của cải”. Nếu bộ rễ không thể vươn sâu như vậy thì cành sẽ không mọc cao và không kết trái được. Tương tự đối với sự giàu có.
Vì vậy, người có đức là gốc không có nghĩa là con người chỉ tu dưỡng đạo đức tốt, bỏ qua của cải, làm người tốt mà nghèo khổ. Nói đúng hơn, muốn giàu có thì phải tu dưỡng phẩm hạnh, nâng cao đạo đức thì tự nhiên sẽ đơm hoa, kết trái. Câu này rất thẳng thắn, đức là nền tảng của sự giàu có, và sự giàu có là biểu hiện bên ngoài của đức hạnh. Của cải không chỉ nói đến tài sản vàng bạc mà còn bao gồm cả quan chức, vị thế trong xã hội…
Người xưa nói: ” Có đức mặc sức mà ăn”, với ý nghĩa là với đức hạnh sâu sắc, bạn có thể gánh vác mọi việc, có lợi cho mình và cho người.
Nếu bạn không có những đức tính sâu sắc đó, nó có thể sẽ mang lại những hậu quả không ngờ khi bạn cố chấp theo đuổi khối tài sản khổng lồ.
Gia huấn của Chu Tử nói: “Nếu đức không xứng thì sẽ gặp tai họa.” Khi một người ngày càng có nhiều của cải, địa vị ngày càng cao, danh vọng ngày càng nhiều mà phúc đức của người đó không được thăng hoa. Người xưa cho rằng “phúc đức bất hòa”, tai họa khôn lường sẽ ập đến.
Tục ngữ có câu: “Làm hoàng đế mắc bệnh không bằng làm kẻ ăn mày mà khỏe mạnh”. Sức khỏe chính là phương tiện tải thể của trí huệ, là tiền đề của sự nghiệp, một người nếu như mất đi sức khỏe, vậy xem như là mất tất cả. Vì để có một thân tâm khỏe mạnh, ắt phải dưỡng thân, ăn uống có chừng mực, thường xuyên vận động, tránh rượu chè, tửu sắc vô độ. Không những vậy còn phải đề cao việc tu tâm dưỡng tính, tránh xa oán giận, ít tranh chấp với người khác, bảo trì tâm thái điềm tĩnh, hòa ái một cách tối đa.
Lão Tử nói: “Ngũ sắc lệnh nhân mục manh; ngũ âm lệnh nhân nhĩ lung; ngũ vị lệnh nhân khẩu sảng; trì sính điền liệp, lệnh nhân tâm phát cuồng; nan đắc chi hóa, lệnh nhân hành phương” (Đại ý: Ngũ sắc làm cho mắt người ta nhìn không thấy; ngũ âm làm cho tai người ta nghe không ra; ngũ vị khiến người tê lưỡi, mất cảm giác; rong ruổi săn bắn, khiến tâm người nổi loạn, thứ khó được khiến người gây trở ngại cho chính mình).
Làm người mà quá truy đuổi cảm giác kích thích bản thân, cuối cùng lại hại chính mình, làm cho ngũ quan mất đi năng lực vốn có của nó. Làm người mà phóng túng dục vọng bản thân chính là sai lầm trong những sai lầm, không chỉ là hại thân mà còn khiến cho con người ta chìm đắm hưởng lạc quên đi ý chí cầu tiến.
Cổ nhân thường nói: “Gia hòa vạn sự hưng”, hay: “Gia hòa phúc tự đáo”. Nếu chúng ta có một gia đình hòa hợp, tương thân tương ái, trên dưới đồng thuận chính là có được một hậu phương vững chắc để tự tin bước ra ngoài mà gây dựng cơ nghiệp, cũng chính là có được dũng khí để đương đầu với tất cả chông gai của cuộc sống. Vậy nên có được một gia đình hòa thuận chính là: Đức hạnh và sự giàu có nhất.
Nguồn: Epochtimes
Hằng Tâm