Trẻ em như một tờ giấy trắng, nếu những hành vi hướng dẫn đầu tiên viết lên tờ giấy trắng đó, có thể nó sẽ theo đứa trẻ trong rất nhiều năm. Nếu là điều tốt thì đứa trẻ sẽ phát triển theo hướng lành mạnh, nếu là điều xấu thì nó sẽ biểu hiện ngay trong hành vi của trẻ. Các bậc cha mẹ cần kịp phát hiện và uốn nắn để trẻ em có một quy phạm nhất định, nếu quá lứa tuổi đó giáo dục sẽ càng khó khăn hơn.
Có nhiều câu chuyện được viết thành sách hoặc đăng tải trên mạng với bằng chứng rõ ràng cho thấy một đứa trẻ sơ sinh bị nuôi bởi bầy thú thì lớn lên nó cũng là con thú. Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất là hai chị em Kamala và Amala. Hai cô bé được phát hiện đang được một con sói cái nuôi dưỡng trong một khu rừng ở Ấn Độ vào những năm 1920, khi đó Kamala 8 tuổi, và Amala 3 tuổi.
Hai đứa trẻ hoang dã được đưa tới trại trẻ mồ côi của Mục sư J. A. L. Singh, sau đó 2 trại trẻ có gắng giúp cô bé sói thích nghi với đời sống con người. Tuy nhiên, hai cô bé đã không bao giờ có thể sống như những con người bình thường được nữa. Kamala và Amala chỉ biết uống sữa và ăn thịt sống, các bé thường sinh hoạt về đêm và hú như loài sói.
Sau khoảng một năm tại trại trẻ mồ côi, Amala qua đời. Khi em gái chết, Kamala mới biểu thị những dấu hiệu cảm xúc đầu tiên giống một con người. Kamala sống thêm 8 năm nữa, trong khoảng thời gian đó cô đã học được vài từ và cách đi thẳng nhưng cô vẫn thường bò bằng 4 chi mỗi khi cảm thấy lo lắng.
Những đứa trẻ có hành vi bạo lực trên lớp, thường là do ở nhà chúng hay bị cha mẹ đánh đòn hoặc chúng xem nhiều phim có cảnh bạo lực, chứng kiến nhiều cảnh ở môi trường xung quanh có bạo lực.
Ở các nước phát triển, các nhà giáo dục nhận thấy trẻ em sống càng hạnh phúc thì càng thông minh. Ở quốc gia phát triển Phần Lan, chính phủ cấm giáo dục tri thức cho trẻ dưới 6 tuổi, vì không muốn trẻ em lớn lên chỉ biết thụ động bị nhồi nhét như cái máy tính.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp đứa trẻ có cha mẹ hay mâu thuẫn gia đình thì đến lớp cũng sẽ không vui vẻ, hay cáu gắt. Nhiều thầy cô tâm huyết có kinh nghiệm giáo dục trẻ em nhiều năm, chỉ cần nhìn biểu hiện của đứa trẻ có thể biết được ở nhà phụ huynh đang có vấn đề gì, hoặc sai lầm nào đó về dạy trẻ.
Có người nói: đứa trẻ chính là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ. Tất nhiên điều đó không tuyệt đối, nhưng cha mẹ nói hay biểu hiện thói quen thường ngày thì con trẻ sẽ học theo cái đó, và lên lớp chúng sẽ nhắc lại những câu mà cha mẹ hay nói hoặc một vài hành vi tương tự.
Như vậy, môi trường đầu tiên của trẻ chính là gia đình, sau đó trường mẫu giáo, và các bạn chơi cùng lứa. Tất cả đều góp phần hình thành nên nhân cách của trẻ. Trẻ em cần được học những phép tắc cơ bản ngay từ khi con bé, lớn lên mới có một cơ sở vững chắc để không bị những hành vi xấu ảnh hưởng.
Trong giáo dục trẻ em, người xưa có câu: 3 tuổi Đệ tử quy, 7 tuổi Tam tự kinh. Tức là trẻ 3 tuổi cần phải học Đệ tử quy, trẻ đến 7 tuổi cần phải học Tam tự kinh. Hai cuốn Đệ tử quy và Tam tự kinh dạy về phép tắc cơ bản của con người, cũng là quy phạm đạo đức mà một con người cần phải có.
Một ngôi nhà có thể đứng vững qua bão lũ và động đất nhờ có móng vững chắc, một con người trưởng thành có phẩm chất cao thượng cũng là bắt đầu từ lúc còn trẻ được giáo dục và thực hành những phép tắc, những quy phạm làm người cơ bản.
Thông Lộ Biên Tập