Trong biển cả ba đào cuộn sóng, cá voi vừa bơi vừa than thở. Hải âu trên trời cao bay liệng, nghe tiếng thở than của cá voi, hải âu quan tâm hỏi: “Anh than thở vì người khó chịu hay không tìm được thức ăn?”.
Cá voi nói: “Sức khỏe tôi rất tốt, cũng ăn no căng bụng rồi. Nhưng tôi vẫn lo lắng về sự tồn vong”.
Hải âu đậu trên lưng cá voi và nói: “Trong biển khơi, anh là người to lớn nhất. Ngay cả cá mập hung hăng kia, trước mặt anh, nó cũng không dám làm càn, còn ai dám bắt nạt anh?”.
Cá voi nói: “Tôi chỉ sợ những người săn cá voi, vừa tham lam vừa xảo quyệt, họ đi trên những con thuyền săn cá voi xuất quỷ nhập thần, tôi ở biển đề phòng mà không thể phòng nổi. Hôm qua anh bạn thân của tôi cũng bị họ bắt giết hại rồi”.
Hải âu nói với cá voi: “Trên trời tôi bay lượn rất xa, hễ thấy có thuyền săn cá voi liền kịp thời báo cho anh biết, để anh ẩn vào nơi an toàn. Bắt đầu từ hôm nay tôi sẽ canh gác cho anh, anh cứ yên tâm đi nhé”.
Cá voi lo lắng nói: “Bạn cũng có công việc riêng, không thể ngày nào cũng ở bên tôi được”.
Hải âu chỉ hòn đảo nhỏ phía trước nói với cá voi: “Buổi tối tôi nghỉ ở trên đảo, ban ngày tôi sẽ ở cùng anh, tôi nói lời là giữ lời”.
Từ đó hải âu ngày ngày bay lượn phía trên cá voi, phát hiện ra tàu săn cá voi liền kêu to lên. Cá voi nghe thấy lập tức lặn sâu dưới biển, thoát hiểm an toàn.
Một hôm cá voi muốn đùa với chim hải âu đang đậu trên đầu mình. Đột nhiên “Vút” một tiếng, một cột nước phun ra từ cái lỗ đỉnh đầu cá voi khiến hải âu sợ hết hồn. Hải âu trách cá voi trêu chọc mình, tức giận bay đi. Sau khi hải âu bay đi mất, cá voi rất hối hận. Không có hải âu canh gác cho mình, cảm thấy không an toàn, cả ngày lo lắng không yên.
Ngày hôm sau, cá voi thấy hải âu vẫn ở trên không canh gác cho mình, vô cùng vui mừng. Cá voi nói với hải âu: “Hôm qua tôi có lỗi với bạn, mong bạn tha thứ. Tôi lo bạn sẽ không đến canh gác cho tôi nữa”.
Hải âu nói: “Tôi đã nói hàng ngày đến canh gác cho anh, nói được thì phải làm được. Không thể vì một chuyện nhỏ liền không giữ lời hứa nữa”.
Nói lời phải giữ lấy lời, phải giữ lời hứa, giữ chữ tín, phải có trách nhiệm với những gì mình nói. Không thể chỉ vì một chuyện nhỏ bé mà giữa chừng bỏ dở, vi phạm lời hứa. Phải làm được “Lời nói ắt giữ chữ Tín, hành động ắt có kết quả, lời hứa ắt sẽ thành thực”.
Chữ “Tín” là cái gốc làm người. Con người trong xã hội, trong cộng đồng, cần có quan hệ qua lại, trao đổi thông tin, chia sẻ ý kiến, thể ngộ, giao lưu tình cảm, sở thích. Nếu không có chữ “Tín” thì các mối quan hệ đó ắt sẽ rối loạn. Xã hội mà chẳng ai tin tưởng ai thì sẽ không có các hoạt động quần thể, cộng đồng, sẽ chỉ là các cá nhân, tranh giành cắn xé nhau để tồn tại, khác chi cầm thú.
Khổng Tử nói: “Con người mà không có chữ Tín thì không biết anh ta làm thế nào mà lập thân xử thế, có chỗ đứng trong xã hội được. Như xe to không càng, xe nhỏ không đòn, làm sao mà đi được?”. Có thể thấy chữ “Tín” có vai trò quan trọng như thế nào. Chữ Tín cũng là một trong ngũ Đức của Nho gia “Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín”. Tuy Tín đứng cuối Ngũ Đức, nhưng chữ Tín có chứa cả 4 đức tính trước nó.
Vì lợi ích cho người khác mà hứa, như vậy trong Tín đã có Nhân.
Vì sự an nguy của người khác mà đưa ra ý kiến, hứa và thực hiện lời hứa giúp đỡ người ta, không quản khó nhọc, bất lợi của bản thân mình, như vậy trong Tín có Nghĩa.
Trong khi thực hiện lời hứa, gặp khó khăn, hiểu nhầm, bị đem ra làm trò đùa, khiến nổi giận, nhưng có thể nhẫn nhịn được, bình tĩnh mà coi như chưa có gì xảy ra, không thất lễ với người ta, như vậy trong Tín có Lễ.
Khi người ta mắc lỗi với mình thì không vì cảm xúc nhất thời mà hồ đồ, làm tổn hại đến sự an nguy của người, giữ đúng lời hứa, như vậy trong Tín có Trí.
Chỉ cần một chữ Tín, đã chứa đựng hầu hết các đức tính phẩm chất của bậc chính nhân quân tử, cho nên, với một chữ Tín là có thể xác lập được chỗ đứng của mình trong thiên hạ, trong lòng người. Một chữ Tín là đã xứng danh bậc nam nhi đầu đội trời chân đạp đất rồi.
An Nhiên biên tập