Nguồn ảnh: Internet

Làm Cha Mẹ

Một giọng nói nhỏ sẽ hiệu quả hơn trong việc kỷ luật trẻ em

By Đăng Dũng

May 08, 2021

Khi bạn huấn luyện một đứa trẻ, dù bạn có cố gắng nói nhiều hay la mắng chúng, nhưng thực tế họ lại có hành động chống lại bạn, hoặc chúng có thể coi như không nghe thấy. 

Khi đó, bạn đã bao giờ nghĩ đến việc thay đổi phương pháp giáo dục chưa? Luôn quát mắng trẻ mắc lỗi không những không hiệu quả mà còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách và hình thành tâm lý sợ hãi của trẻ.

Các nghiên cứu của các nhà tâm lý học cho thấy rằng mọi người phản ứng khác nhau với những giọng nói có cường độ khác nhau và cha mẹ có thể đạt được kết quả tốt hơn bằng cách sử dụng giọng nói nhẹ nhàng hơn khi huấn luyện con mình.

Một cô gái kể, khi còn nhỏ cô đã quen với giọng nói to của bố. Mỗi lần tranh luận với người khác, ông trừng to mắt, giọng như tiếng chuông đồng. Bác trai của cô cũng như vậy, có vẻ như trời sinh cho họ giọng nói to. Hai người nói chuyện với người khác giống như đang cãi nhau. Nhiều lần mẹ cô góp ý với bố phải nói bé một tí, từ từ, rõ ràng thôi, song ông vẫn không sửa được.

Đến tận khi kết hôn cô mới nhận ra sự bất thường đó của nhà mình. Bởi nhà chồng cô không có ai nói to, chuyện gì cũng chầm chậm, nhẹ nhàng. Lúc này cô mới hiểu cách nói chuyện thường ngày nên như thế. Cô đã mất rất nhiều thời gian để sửa giọng cho bản thân mình bình thường như mọi người.

Cha mẹ giáo dục trẻ mỗi ngày, qua những lời nói vô thức tăng âm lượng cùng với cảm xúc, buộc trẻ nhìn vào khuôn mặt của bố mẹ để chúng đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Khi trẻ được rèn luyện giọng nói nhẹ nhàng, trẻ có thể lắng nghe ý kiến ​​của người khác một cách bình tĩnh, do đó trẻ sẽ ít có những cảm xúc tiêu cực về cha mẹ hơn và dễ dàng tránh được va chạm tình cảm lẫn nhau.

Nếu bạn nói chuyện với con bằng giọng nhẹ nhàng, bạn sẽ dễ dàng kìm nén cảm xúc của mình và bạn sẽ có thể nói ra một cách lý trí. Do đó, tâm lý tự vệ, sợ hãi của con sẽ không có, sự nổi loạn, chống đối của trẻ không bị kích thích, như vậy giữa bố mẹ và con cái sẽ giao tiếp với nhau dễ dàng hơn.

Khi một đứa trẻ phạm lỗi, bố mẹ hét lên giận dữ, kết quả không có gì hơn hai điều dưới đây: Một là đứa trẻ sẽ rất sợ bố mẹ, lâu dần chúng sẽ ít nói và tự ti, không muốn chia sẻ với bố mẹ hay trầm cảm. Hai là đứa trẻ sẽ tức giận, la hét và phản ứng lại chống đối lại bố mẹ.

Nhiều đứa trẻ khi người lớn quát mắng chúng không hề sợ hãi mà tỏ vẻ giận dữ và chống đối lại. Nguồn ảnh: Internet

Phê bình trẻ bằng cách nói nhẹ nhàng còn tốt cho tính cách trẻ sau này. Trong cuộc đời của trẻ, bố mẹ là người Thầy đầu tiên, cũng như là người Thầy có thời gian dạy con nhiều nhất. Lời nói và hành động của bố mẹ ảnh hưởng lớn nhất đến con.

Các nhà tâm lý học tại Đại học Bắc Kinh cho rằng giáo dục bằng giọng nói là một loại trí tuệ, phương pháp này trái ngược với giáo dục la mắng. Họ đưa ra 4 cách để hạ thấp giọng nói:

1. Cẩn thận khi truyền đạt thông tin

Chuyện gấp nói từ từ, chuyện lớn nói rõ ràng, chuyện nhỏ nói một cách hài hước, chuyện không có gì đừng nói bừa, chuyện không chắc chắn nói thận trọng, chuyện làm không được đừng nói linh tinh, chuyện tổn thương người khác không nên nói, chuyện chán ghét tìm đúng người để nói, chuyện hạnh phúc thì tìm dịp thích hợp để nói…

2. Sử dụng đúng giọng điệu và từ ngữ

Nhiều bậc cha mẹ rất khó kiểm soát bản thân khi trẻ mắc lỗi. Vì vậy, trước khi nói hãy suy nghĩ thật kỹ, tìm những lời nói và giọng điệu phù hợp như thế sẽ tốt cho cả mẹ và con. Ví dụ “Mẹ rất yêu con, nhưng hành vi của con mẹ không thể chấp nhận được”. Một số bà mẹ còn áp dụng cách đi chỗ khác vài phút để bình tĩnh lại, suy nghĩ thật kỹ mới nói chuyện với con.

3. Không dùng những từ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ

Tùy việc mà xét, đừng tùy ý trút hết mọi cảm xúc lên con, đừng dùng những từ ngữ tổn thương đến tự trọng của con. Mọi đứa trẻ đều muốn được người khác tôn trọng, kể cả bố mẹ. Sự tôn trọng và tin tưởng này sẽ khiến trẻ cảm thấy tự tin, cũng là động lực quan trọng cho sự tiến bộ của con.

 

Thiên Hà biên tập